Biết ơn “những người đi trong bão”

Lễ tuyên dương 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu 2021.
Lễ tuyên dương 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu 2021.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mỗi y, bác sỹ tham gia phòng chống dịch là những bông hoa đẹp nhất, truyền cảm hứng về đức hy sinh, về trách nhiệm với đồng bào, truyền niềm tin, động lực cho các bệnh nhân, người nhà và cả cộng đồng đi qua những ngày khó khăn của dịch bệnh.

Những ngày tháng cam go

Ròng rã suốt 7 tháng, bác sỹ Nguyễn Đăng Quang (SN 1992) - Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh tình nguyện tham gia các đội lấy mẫu, sàng lọc F0 tại cộng đồng, vùng tâm dịch tại TP HCM, tỉnh An Giang. Khi bị nhiễm COVID-19, anh vẫn tiếp tục thăm khám, điều trị, hỗ trợ cấp cứu cho những bệnh nhân nhiễm COVID-19 khác.

Anh đã tham gia xây dựng các quy trình thăm khám, điều trị bệnh nhân nặng cần hỗ trợ thở máy; các tiêu chuẩn nhận biết bệnh nhân nặng, cần chăm sóc, theo dõi đặc biệt... Bên cạnh đó, anh tham gia Mạng lưới thầy thuốc đồng hành, tư vấn điều trị cho F0 trên toàn quốc; tổ chức và thực hiện chiến dịch “Mũi tiêm an toàn - vaccine hạnh phúc”; xây dựng và phát triển ứng dụng Dr. Home, kết nối người dùng điện thoại thông minh và y, bác sỹ, chuyên gia theo dõi sức khỏe hậu COVID-19.

Anh chia sẻ về những tháng ngày cam go đó: “Trong đại dịch, không chỉ riêng tôi mà đồng nghiệp đều có cảm xúc, hình ảnh không thể quên. Những hình ảnh ám ảnh chúng tôi ngay từ ngày đầu khi nhìn những đoàn xe đưa bệnh nhân đi cách ly. Những tháng ngày ấy, chúng tôi như những người lính, mang trong mình tri thức cùng trái tim nóng và cái đầu lạnh bình tĩnh bàn giải pháp để đưa ra những hướng giải quyết.

Chúng tôi phân công bệnh nhân F0 khỏe nhất sẽ làm trưởng phòng, khi bệnh nhân có dấu hiệu nặng sẽ quay lại clip để gửi cho bác sỹ. Bác sỹ sẽ cử người tới điều trị kịp thời. Có những đồng nghiệp ngã quỵ trong bộ đồ bảo hộ, nhưng ngày mai vẫn tiếp tục dấn thân làm việc. Những bệnh nhân cai được máy thở, những bệnh nhân khỏi bệnh được gia đình đón về... là những điều tôi không thể quên. Động lực lớn nhất là thấy bệnh nhân được khỏe mạnh, gia đình được đoàn tụ để chúng tôi vượt qua những khó khăn”.

Bác sỹ Lê Tuấn Thành (SN 1984), Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội, người tham gia tích cực vào công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 với vai trò chuyên gia dự báo và đánh giá nguy cơ dịch bệnh giúp việc cho Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19. Anh tham gia sáng lập, điều hành Mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương với sự điều phối của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng chống dịch COVID-19. Anh trực tiếp kết nối, đào tạo và phân nhóm mạng lưới gần 9.502 tình nguyện viên.

Còn chị Đặng Thị Yến Vy - Khoa YHCT-PHCN Bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước, TX Bến Cát, Bình Dương cho biết, trong thời điểm cam go, đỉnh điểm, một bác sỹ phải theo dõi, điều trị cho 200 - 300 bệnh nhân/ngày, bao gồm những bệnh nhân nặng.

“Động lực đến với chúng tôi rất tự nhiên. Đó là hình ảnh bệnh nhân đang điều trị trên giường bệnh, những người phải thở máy, nếu không theo dõi các chỉ số thì rất có thể sẽ đánh mất họ. Đó là hình ảnh đồng nghiệp sau một ngày làm việc, cởi đồ bảo hộ thì người ướt đẫm mồ hôi. Với bệnh viện 13 ngàn bệnh nhân, chúng tôi bắt đầu nhận ca từ 5h sáng giao ban đến 12h đêm mới tạm nghỉ. Những ngày tháng dài ấy, như không có hồi kết nhưng chúng tôi không gục ngã”…

Có thể nói, 10 bác sỹ trẻ đại diện cho hàng ngàn bác sỹ trong những tháng ngày cam go của đất nước suốt hơn hai năm qua. Họ được ví như tên một ca khúc “Người đi trong bão” bởi “Chúng tôi đặt lợi ích quốc gia, lợi ích nhân dân lên hàng đầu, chúng tôi chấp nhận hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ”.

“Có những bác sỹ đã hy sinh vì người bệnh”

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã nhấn mạnh như vậy tại Lễ tuyên dương Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021 tại Hà Nội trong tuần lễ 26/3.

Ông Nghĩa nhấn mạnh Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao, tri ân tất cả sự đóng góp ý nghĩa, cao cả của đội ngũ y, bác sỹ, cán bộ và nhân viên y tế nói chung, lực lượng Thầy thuốc trẻ nói riêng, luôn chia sẻ, thấu hiểu những hy sinh, mất mát của y, bác sỹ và các lực lượng tuyến đầu trong suốt thời gian vừa qua: “Họ đã phát huy tinh thần trách nhiệm, y đức của người thầy thuốc, bền bỉ, dũng cảm đương đầu vượt qua mọi khó khăn, gian khó để ngăn chặn dịch bệnh lây lan và giảm thiểu số ca tử vong. Nhiều y, bác sỹ đã bị lây nhiễm khi tham gia phòng chống dịch và một số người đã không qua khỏi. Hình ảnh về sự hy sinh, quả cảm và tấm lòng nhân ái của các bạn đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân, được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao”…

Ông mong rằng Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần tình nguyện, sáng tạo nhân rộng mô hình “Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành”, tham gia hỗ trợ bệnh nhân F0 điều trị tại nhà, không chỉ tại các thành phố lớn mà tại tất cả các địa phương trên cả nước. Hội cần phát huy các sáng kiến đã được triển khai hiệu quả như “Bộ sổ tay chăm sóc sức khỏe cho F0 điều trị tại nhà,” “Sổ tay chăm sóc trẻ em, thai phụ mắc COVID-19 tại nhà.” Những nội dung trên sẽ góp phần giúp hệ thống y tế không bị quá tải, giúp người dân là F0 nhanh chóng hồi phục quay trở lại lao động, sản xuất…

Ông Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam nhấn mạnh, trong 2 năm xảy ra đại dịch COVID-19, có hàng nghìn y, bác sỹ trẻ đã tham gia hỗ trợ phòng chống dịch tại các “điểm nóng” trên cả nước. Trong hai năm qua, đã có những y, bác sỹ đã hy sinh vì người bệnh, 10 gương mặt thầy thuốc trẻ được tôn vinh hôm nay đại diện cho hàng chục nghìn thầy thuốc không quản ngại khó khăn, vất vả...

Tại buổi gặp mặt các thầy thuốc trẻ tiêu biểu năm 2021 trên mặt trận phòng, chống đại dịch COVID-19, chia sẻ lại niềm xúc động khi nhắc lại những trường hợp bác sỹ trẻ không kịp tổ chức lễ cưới trước khi lên đường vào tâm dịch, những tình cảm của đồng bào đối với với những hy sinh thầm lặng của các bác sỹ đã hy sinh thầm lặng cho đất nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, các thầy thuốc trẻ đã và đang thực hiện theo đúng theo lời Bác Hồ dặn: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn ghi nhận và cảm ơn các thầy thuốc nói chung và thầy thuốc trẻ nói riêng, với tinh thần, nhiệt huyết và trí tuệ của mình, đã chung tay cùng đất nước đẩy lùi đại dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Hành trình chiến đấu với đại dịch hơn 2 năm qua là một chặng đường đầy dấu ấn của những trái tim tình nguyện, nhiệt huyết và sự sáng tạo không ngừng của tuổi trẻ. Hành trình này vẫn chưa kết thúc và sẽ còn nhiều gian lao, khó khăn trước diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19, những vấn đề hậu COVID-19 và cần nhiều hơn nữa những nỗ lực để đáp ứng điều kiện “bình thường mới”…

Không để ai ở lại phía sau, dù bất kỳ hoàn cảnh nào

Bác sỹ Vũ Sơn Giang (SN 1982) Phó Chủ nhiệm chính trị kiêm Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Bệnh viện Quân y 175 đã chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch bảo đảm nguồn nhân lực cho nhiệm vụ phòng chống dịch tại Bệnh viện, cũng như chi viện cho TP Hồ Chí Minh và thực hiện nhiệm vụ thu dung, cấp cứu, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; bảo đảm quân số cho các lực lượng chống dịch…

Chia sẻ về công việc trong những ngày trên “tuyến lửa” chống “giặc” COVID-19, bác sỹ Giang cho biết, khi nhận nhiệm vụ tại Trung tâm COVID của bệnh viện, áp lực lớn nhất là số lượng bệnh nhân đông, nặng rất nhiều, trong khi khả năng thu dung của Trung tâm có giới hạn. Nhiều khi hết giường, người nhà và bệnh nhân cầu cứu, với lương tâm người nhân viên y tế, chúng tôi không thể bỏ rơi bệnh nhân, nhưng nhận lại không có chỗ. Tình huống lúc đó rất nan giải, bắt buộc chúng tôi phải tư vấn và sẵn sàng hỗ trợ bệnh nhân khi có dấu hiệu trở nặng. Và để giải quyết tình hình lúc đó, bệnh viện đã cho ra đời số hotline chuyên tư vấn cho bệnh nhân COVID (số hotline 19001175).

Bác sỹ Giang tâm sự: “Khi đã mang trên mình màu áo của người lính, trước hết chúng tôi phải thực hiện nghiêm túc 10 lời thề danh dự của quân nhân, sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ gì, tham gia đảm bảo bình yên cho Tổ quốc, đảm bảo tính mạng của nhân dân. Ngoài ra, tôi còn một màu áo gắn liền với cuộc đời binh nghiệp, là màu áo blouse. Tôi dặn mình phải luôn luôn giữ được sự tinh khiết của màu áo blouse. Chúng tôi nhắc mình phải luôn đặt tính mạng bệnh nhân lên hàng đầu, luôn xem bệnh nhân như người thân của mình. Cho dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng tôi sẽ không để ai ở lại phía sau”…

10 gương mặt “Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu” năm 2021

1. Nguyễn Đăng Quang, Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh;

2. Lê Tuấn Thành, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội, Thường trực Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành;

3. Lê Xuân Tùng, Phó Bí thư Đoàn Bệnh viện Nhi T.Ư;

4. Đặng Văn Hòa, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Bắc Giang;

5. Đặng Thị Yến Vy, Bác sĩ điều trị khoa YHCT-PHCN Bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước (TX Bến Cát, Bình Dương);

6. Nguyễn Đức Tiến, Phó Bí thư Đoàn Bệnh viện 19/8;

7. Lê Thị Lan, Bí thư Đoàn cơ sở Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2;

8. Lê Minh Ngọc, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội;

9. Lò Thị Thanh Hợp, Trưởng khoa Nhi Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ, Điện Biên;

10. Vũ Sơn Giang, Phó Chủ nhiệm chính trị kiêm Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Bệnh viện Quân y 175.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.