Mà cũng thật tình cờ, trong lúc đi ăn sáng, đi ngang qua Học viện Quân Y, Bộ Quốc phòng, nhìn những tấm băng rôn của chương trình treo đỏ rực cả cổng và sân trường, anh mới biết Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người tổ chức ngày hội vận động mọi người tham gia đăng ký hiến mô tạng và hiến xác phục vụ khoa học, nên anh vào đăng ký luôn.
Các sinh viên đăng ký hiến mô, tạng |
“Môi trường làm việc liên quan đến ngành y nên mình quá hiểu ý nghĩa của việc làm này. Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều người chưa biết nhiều về việc hiến, ghép mô, tạng. Bởi vậy, Bộ Y tế nên tuyên truyền mạnh hơn về vấn đề này trong các khu dân cư” – anh Nam chia sẻ.
Cho đi, yêu thương, lan tỏa... là những cảm xúc lắng đọng của phóng viên hòa dòng người đông đảo tham dự ngày hội “Chung tay vì sự sống” lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Không thể không vui mừng với kỷ lục 1.417 tình nguyện viện đăng ký hiến tạng được xác lập trong ngày.
Niềm vui còn lớn hơn khi tất thảy cùng đồng tâm nhất trí đưa phong trào này vươn xa hơn nữa…
Là một trong những người hưởng ứng mạnh mẽ phong trào này và cũng là người đầu tiên đăng ký hiến mô, tạng trong ngày hội, Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam TP HCM cho rằng, nhiều người vẫn quan niệm chết toàn thây, nhưng chỉ trong vòng 24h, xác thịt sẽ phân hủy, tiêu tan. Bồ Tát đã dạy còn làm gì giúp con người hay con vật thì nên làm, huống chi đây là việc sẽ hồi sinh cho cả một con người.
Còn theo quan niệm của Công giáo thì “hiến tặng bất kể một phần cơ thể nào sau khi đã mất là việc làm nhân đạo, bác ái cần làm. Quan niệm của Chúa là sống cho người khác và chết cho người khác. Đó là điều cốt lõi của tình yêu, của đạo Công giáo” – Linh mục Phan Khắc Từ, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, tạng Việt Nam tâm sự sau khi đặt bút ký vào đơn tình nguyện hiến mô, tạng.
Đặt bút ký, không hối hận
Chưa hề biết về hoạt động vận động hiến tặng mô, tạng, nhưng chỉ sau buổi truyền thông tư vấn của lãnh đạo nhà trường cách đây một hôm, cả lớp Y 47, Học viện Quân y đều nhất loạt hưởng ứng phong trào này.
Sinh viên năm thứ hai Học viện Quân y Cù Thị Thu cho biết, em tự mình quyết định vấn đề này vì biết nếu xin phép bố mẹ chắc chắn họ sẽ không đồng ý vì quan niệm “chết toàn thây” đã để lại dấu ấn quá sâu đậm trong họ, nhưng em sẽ kiên trì thuyết phục bố mẹ mình.
“Lúc đặt bút ký vào đơn tự nguyện hiến, em xúc động và hồi hộp lắm, nhưng em sẽ không bao giờ hối hận về việc làm của mình” – Thu tự tin khẳng định.
Luôn nhiệt tình trong các hoạt động từ thiện, nhân đạo hướng về các bệnh nhân nghèo, ca sỹ Thái Thùy Linh cũng không từ nan đóng góp sức mình để thúc đẩy cuộc vận động này lên một tầm cao mới.
Với tâm trạng đầy xúc động và hứng khởi, Linh chia sẻ, năm 2006, thời điểm Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người có hiệu lực cũng là lúc em trai Linh bị bỏng rất nặng phải vào bệnh viện cấp cứu.
Những ngày trong viện chăm sóc em đã khiến Linh suy nghĩ rất nhiều khi nghĩ đến các bệnh nhân vì không có mô, tạng ghép đã phải từ giã cõi đời. Chính bởi lý do này, cô ca sỹ đã đăng ký hiến mô, tạng trên Báo Hoa Học Trò.
Biết được thông tin đó, mẹ Linh đã mắng cô té tát: “Tại sao một việc lớn như vậy mà con lại tự quyết định?”. Theo ca sỹ Thái Thùy Linh, khi biết mình không thể sống được nữa, cho đi một phần cơ thể mình là một việc làm ý nghĩa.
Cả khán trường lặng đi vì xúc động khi nghe nữ ca sỹ Thái Thùy Linh phát biểu những lời gan ruột đó. Càng cảm động hơn khi nghe chia sẻ tận đáy lòng của những bệnh nhân đã được hồi sinh sự sống nhờ các bộ phận cơ thể của người khác. Còn nữa là nỗi đau đáu chờ mong của những bệnh nhân mắc bệnh nan y đang hàng ngày, hàng giờ chờ được ghép bộ phận cơ thể để được tiếp tục sống.
“Đừng hô hào suông mà hãy biến hô hào thành hành động và tấm lòng” là lời của ca sĩ Thái Thùy Linh dành cho mình nhưng cũng là dành cho tất cả mọi người.