Nhận thức về pháp luật còn hạn chế, tồn tại phong tục, tập quán lạc hậu
Pa Tần là xã biên giới thuộc huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, có 14 bản với 978 hộ dân, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp và tự cung tự cấp, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp, không đồng đều, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, một số phong tục, tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ. Tình trạng vi phạm các tệ nạn xã hội trên địa bàn xảy ra nhiều do thiếu hiểu biết kiến thức pháp luật.
Từ tình hình thực tế địa bàn, Đồn Biên phòng Pa Tần đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân, nhằm giúp người dân được tiếp cận thông tin về pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Khoảnh khắc nghỉ ngơi của BĐBP giúp người dân sản xuất |
Trao đổi với chúng tôi về công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật đến với người dân, Trung tá Quản Anh Tuấn - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pa Tần, BĐBP tỉnh Lai Châu cho biết, Đồn Biên phòng Pa Tần đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo, Phòng Tư pháp huyện, công an, quân sự, các ban ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, nhiệm vụ quốc phòng an ninh và hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân ở khu vực biên giới.
Xác định công tác vận động quần chúng là phải gắn với địa bàn, gắn với nhân dân là yêu cầu đầu tiên, là điều kiện đầu bắt buộc để đạt được hiệu quả như mong muốn.
Cán bộ đi tuyên truyền gặp mưa to, nước lũ
Chia sẻ với chúng tôi về những thuận lợi, khó khăn trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với người dân, Thiếu tá Nguyễn Tiến Đoàn - Chính trị viên Đồn Biên phòng Pa Tần, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu cho biết, đoạn biên giới do Đồn Biên phòng Pa Tần phụ trách dài gần 13km, thuộc huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu tiếp giáp với phía đối diện là trấn Thèn Phà, huyện Kim Bình (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), dân cư nơi đây phân bố không đồng đều, nhiều bản cách xa trung tâm xã, đường giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn.
Không ít lần, cán bộ, chiến sĩ đơn vị trên đường xuống địa bàn để tuyên truyền pháp luật theo kế hoạch, bất ngờ gặp mưa to, nước lũ trên sông suối dâng cao. Để giữ niềm tin với người dân, tổ công tác của Đồn Biên phòng Pa Tần đã liên lạc với trưởng bản giữ chân bà con, tìm cách vượt qua nước lũ an toàn để tiếp cận với bản làng phổ biến kiến thức pháp luật.
Do phần lớn thời gian trong ngày người dân trên địa bàn đều lên nương rẫy lao động, nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đơn vị đã cử cán bộ, chiến sĩ bám địa bàn vừa thực hiện nhệm vụ giúp dân phát triển kinh tế, vừa kết hợp với tuyên truyền pháp luật cho người dân. Đồn Biên phòng Pa Tần đã thực hiện đa dạng các hình thức phổ biến kiến thức pháp luật đến người dân được lồng ghép qua những buổi chiếu phim, biểu diễn văn nghệ quần chúng…
Trước đây, tình hình vi phạm các tệ nạn xã hội trên địa bàn nhiều do thiếu hiểu biết kiến thức pháp luật, đặc biệt là tình trạng người dân lén lút trồng cây thuốc phiện, sử dụng trái phép chất ma túy, vi phạm quy chế biên giới...
BĐBP tuyên truyền phòng chống COVID-19 |
Giờ đây, nhờ thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, đã góp phần nâng cao hiểu biết luật cho người dân, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên, hạn chế, ngăn ngừa, các hành vi vi phạm pháp luật do thiếu kiến thức về pháp luật góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trong vòng 5 năm gần đây, đơn vị đã phối hợp tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho gần 16.000 lượt cán bộ và nhân dân khu vực biên giới. Riêng tuyên truyền cá biệt 59 buổi với gần 300 lượt người nghe.
Bên cạnh đó là phối hợp tổ chức giao lưu và biểu diễn văn hóa, văn nghệ, chiếu phim lưu động lồng ghép các nội dung tuyên truyền. Tùy theo đặc điểm từng dân tộc, việc tuyên truyền được thể hiện bằng tiếng địa phương, nội dung được biên soạn phù hợp với trình độ nhận thức, sát với đời sống của nhân dân các dân tộc trên khu vực biên giới.