Sáng nay (29/11), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu ở Đơn vị bầu cử số 1, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Cần Thơ đã tiến hành tiếp xúc cử tri tại phường An Hội, quận Ninh Kiều.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri bày tỏ vui mừng và tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, của Quốc hội và Chính phủ đã kiên quyết với tội phạm tham nhũng trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên tình trạng tham nhũng vặt vẫn diễn biến rất phức tạp, gây khó chịu và làm giảm lòng tin trong quần chúng nhân dân. Cử tri đề nghị Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh chỉ đạo, có kế hoạch kiểm tra, ngăn chặn loại tội phạm này.
Bên cạnh đó, thực trạng xuống cấp đạo đức vẫn diễn ra ở nhiều nơi, cả trong gia đình, nhà trường và xã hội. Tình trạng bạo hành, bạo lực, xâm hại tình dục của trẻ em luôn là nỗi bức xúc của người dân, cần tăng nặng hình phạt để tạo sức răn đe.
Quan tâm đến vấn đề Biển Đông, cử tri cho rằng tình hình biển Đông còn diễn biến rất phức tạp, vẫn còn những sự việc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, gây quan ngại và đi ngược lại Luật pháp quốc tế. Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước có chủ trương gì để tiếp tục ổn định tình hình thật sự bền vững?.
Cho rằng, đây không chỉ là lo lắng của các cử tri tại Cần Thơ nói riêng mà là sự quan tâm của tất cả người dân Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Việt Nam đã có những giải pháp để giải quyết những tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tránh xung đột.
Chủ tịch Quốc hội trao đổi với các cử tri. |
Vào giữa năm nay, tàu thăm dò khảo sát của Trung Quốc có xâm phạm vùng biển Việt Nam và trong thời gian này chúng ta dùng tất cả các biện pháp thực địa (đưa tàu, lực lượng hải quân, cảnh sát biển,...) tuyên truyền, xua đuổi họ ra khỏi vùng biển Việt Nam. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là biện pháp rất hòa bình.
“Trong phiên khai mạc Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng và trong các cuộc tiếp xúc cử tri, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng trả lời rất rõ ràng về chủ trương của Đảng, Nhà nước trong vấn đề bảo vệ chủ quyền của chúng ta. Tôi cho là như thế là rất rõ. Bà con cũng tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước”-Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, chủ quyền là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Để bảo vệ chủ quyền, chúng ta dùng biện pháp tốt nhất hiện nay với xu hướng tiến bộ là giải pháp hòa bình.
Liên quan đến phản ánh của cử tri về vấn đề tiêu cực, tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trước hết phải rà soát lại hệ thống pháp luật để xem chỗ nào sơ hở để ngăn chặn tham nhũng lớn, tham nhũng nhỏ, “tham nhũng vặt”.
Trong thực thi công vụ, nhiệm vụ của các cán bộ, công chức ở các cấp, các ngành cũng phải nâng cao trách nhiệm đạo đức công vụ. “Chúng ta kiên quyết lựa chọn những người tốt để đưa vào bộ máy và loại ra những người tham ô, tham nhũng ra khỏi bộ máy”.
Trước băn khoăn của tri về việc tăng tuổi nghỉ hưu với lao động nữ lên 60 tuổi liệu “có quá sức với phụ nữ hay không?”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Tuổi thọ của người Việt Nam, phụ nữ sống thọ hơn nam giới bình quân từ 3 đến 5 tuổi. Từ năm 2021, công chức nam được tăng mỗi năm 3 tháng, công chức nữ tăng mỗi năm 4 tháng. Tuy phụ nữ tăng nhanh hơn 1 tháng nhưng đến năm 2028 thì mới có một nam cán bộ đầu tiên được nghỉ hưu ở độ tuổi 62. Đến 2035 thì mới có một nữ cán bộ đầu tiên được nghỉ hưu ở độ tuổi 60.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng lo lắng của cử tri là đúng. "Bởi không thể áp dụng một tuổi làm việc như nhau đối với các loại hình lao động. Ví dụ, công chức ngồi bàn giấy thì nữ có thể làm việc tới 60, nam làm tới 62. Nhưng nếu là anh công nhân làm đường, nữ công nhân đứng máy thì làm sao làm tới 60, 62 được? Bởi vậy trong Bộ luật lao động (sửa đổi) có ghi một điều: giao Chính phủ hướng dẫn quy định tuổi về hưu phù hợp với từng loại hình lao động”- Chủ tịch Quốc hội thông tin.