Nâng tầng và trồng hoa ban công
Ý tưởng của Martin nâng cấp nhà tập thể, trước tiên sẽ làm vài thí nghiệm, bảo tồn các phong cách kiến trúc Liên Xô, Trung Quốc và lắp ghép của các khu tập thể Hà Nội bằng cách nhân đôi chúng lên. “Các tầng thêm vào phía trên có hình dáng giống với khu tập thể gốc đứng trên các cột trụ vững vàng chứ không phải đè lên cấu trúc cũ”, ông nói rõ. Giả sử khu tập thể có 5 tầng thì 5 tầng dựng lên bên trên sẽ có hình dáng giống 5 tầng dưới. Tất nhiên thang máy sẽ được lắp thêm. Cư dân của khu tập thể sẽ được chuyển lên sống trên 5 tầng mới xây, trong khi 5 tầng cũ được nâng cấp. Sau cải tạo có thể bán các căn hộ của 4 tầng và dành tầng 1 để làm hàng quán sẽ trở thành địa điểm kinh doanh, sinh lời.
Khu tập thể sẽ là một bảo tàng sống với những con người cũ và mới đan xen. Trước khi đưa ra đề xuất cải tạo khu tập thể, Martin Rama từng thử nghiệm cải tạo tòa biệt thự cũ của Pháp, nơi ông từng sống ở Hà Nội trong suốt 8 năm. Do vậy, ông đặt nhiều hy vọng về tính khả thi của dự án.
Martin Rama nhận quyết định bổ nhiệm làm Giám đốc dự án tại Trung tâm Phát triển đô thị bền vững thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Ông là giám đốc danh dự, không nhận lương, thậm chí còn tự bỏ tiền túi của mình cho dự án. Lý do ông chọn các khu tập thể cũ làm đề tài cho dự án là bởi các công trình này có phong cách riêng của một thời kỳ lịch sử, gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ người Hà Nội. Những người từng sống tại nơi đây luôn nhớ về nơi mình đã gắn bó bằng nhiều tình cảm và ký ức.
Do vậy, Martin Rama coi những khu tập thể cũ là di sản cần được bảo tồn trong sự phát triển chung của thành phố. Trước mắt, Trung tâm của ông sẽ thúc đẩy hàng chục nghiên cứu về pháp lý, kỹ thuật, xã hội, thiết kế… nhằm đi đến mục tiêu cuối cùng là cải tạo lại những công trình kiến trúc của Hà Nội, bảo vệ và thúc đẩy chúng mang lại giá trị lớn hơn nhiều cho thành phố và người dân.
Ông đã nghiên cứu và đề xuất ý tưởng cho thành phố Hà Nội hoàn toàn tự nguyện với mong muốn đóng góp cho thành phố của một người yêu Hà Nội bằng cả tấm lòng. Ý tưởng của ông có thể được áp dụng hoặc không, nhưng Martin Rama vẫn mạnh dạn đề xuất. Bởi với ông, Hà Nội - một thành phố vô cùng quyến rũ và lạ lùng đã là quá đủ để biện minh cho những nỗ lực không mệt mỏi. Ông ấp ủ dự án nghiên cứu này với mục tiêu tìm ra những phương án tối ưu để điều hòa sự phát triển kinh tế nhanh chóng và việc bảo tồn giá trị kiến trúc đặc trưng Hà Nội.
Mong có sức mạnh cộng đồng
Không chỉ Martin Rama, trước đó nhiều chuyên gia của Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã đề xuất các khu tập thể cũ tại Hà Nội công nhận là những công trình kiến trúc di sản của giai đoạn 1954-1986. Họ mong muốn, một số công trình tiêu biểu sẽ được chọn, tu bổ và phục hồi để gìn giữ trước khi các khu tập thể cũ được phá đi xây dựng lại như Kim Liên, Nguyễn Công Trứ, Thọ Lão, Quỳnh Lôi, Văn Chương, Trương Định, Trung Tự, Giảng Võ…
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, trước đây đã có nhiều nghiên cứu về kiến trúc truyền thống hay kiến trúc Pháp, kiến trúc hiện đại nhưng thiếu hẳn nghiên cứu về kiến trúc giai đoạn 1954 - 1986. Đây là giai đoạn phát triển từ đô thị tiêu dùng, đô thị thuộc địa sang đô thị XHCN; là thời kỳ Nhà nước bao cấp xây dựng và cũng là thời kỳ có nhiều công trình do các nước XHCN giúp đỡ thiết kế cùng với đội ngũ kiến trúc sư trong nước đã tạo được dấu ấn đặc thù cho nền kiến trúc Việt Nam. Thậm chí, nhiều công trình còn vượt khỏi giá trị về mặt vật chất, khẳng định giá trị tinh thần là ước mơ, là sự phấn đấu, là niềm kiêu hãnh của một thế hệ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đối với các tập thể cũ, nếu không nhanh chóng có quy chế bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản kiến trúc, chọn lựa những công trình tiêu biểu cho từng giai đoạn để bảo tồn thì có lẽ chẳng mấy chốc chúng sẽ bị phá đi, xây lại bằng những công trình hiện đại.
Những mảng tường vàng hàng chục tuổi của khu tập thể Văn Chương đã xuất hiện trong bộ phim “Hà Nội của tôi”, của cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam - ông Jean Noel khu Poirier, cùng hình ảnh của các khu tập thể khác ở Thủ đô. Nó vừa mang dấu ấn của các kiến trúc sư Xô Viết vừa mang dấu ấn lối sống của người Hà Nội. Giờ đây tầng 1 nhiều khu đã biến thành các quán ăn san sát. Các kiến trúc sư Xô Viết có quay lại cũng khó mà nhận ra tác phẩm của mình. Cựu đại sứ Pháp Jean Noel từng mong muốn: “Nếu có thể nên giữ lại vài khu để làm bảo tàng thì hay quá”.
Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh, người chuyên cải tạo các khu nhà cũ để biến thành khu công nghiệp giải trí nói: “Các khu tập thể giờ đều hết niên hạn sử dụng, cộng với không có bảo trì thì cái cốt nhà đã xuống rồi, có nơi còn lún cả một tầng. Nói chung cải tạo rất cực và đa phần là không cải tạo được. Vì thế cần thay đổi thì vẫn phải thay đổi. Tuy nhiên, nếu có thể thì nên tái tạo lại trong bảo tàng hoặc giữ lại tòa nhà nào đó làm bảo tàng”.
Một số quy định luật pháp nói chung và cơ chế quản lý đất đai nói riêng hiện nay đang khiến việc bảo vệ di sản trở nên khó khăn hơn. Ví dụ, di sản là của ai, của chính quyền quản lý hay của nhà đầu tư, hay của cộng đồng dân cư? Về lý thuyết, cụm từ “sở hữu toàn dân” là một khái niệm rất mênh mông, trừu tượng và dễ bị lợi dụng. Theo các chuyên gia văn hóa và kiến trúc, việc cấp thiết hiện nay là phải giữ được các vùng “lõi” di sản đô thị Hà Nội, tránh tình trạng nhiều nhà đầu tư lớn “gửi chân” và dần dần “nuốt chửng” các di sản, mượn danh nghĩa tiếp tục gìn giữ di sản nhưng lại “âm thầm” xóa bỏ di sản. Để làm được điều đó, chỉ có thể kỳ vọng vào sức mạnh, sự lên tiếng của cộng đồng, một trong bốn tác nhân tác động lên di sản đô thị gồm cộng đồng, chuyên gia, nhà quản lý và nhà đầu tư.