Có đến 70% chi phí đầu vào của ngành hàng không phải thanh toán bằng ngoại tệ, trong khi, doanh thu nội địa được tính bằng tiền đồng theo mức giá trần bị khống chế đã khiến cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) phải bù lỗ khoảng 30 triệu USD cho mạng đường bay nội địa trong năm 2010. Đây cũng là lý do khiến các nhà đầu tư mới tham gia thị trường còn dè dặt…
Bay quốc tế "gánh" nội địa
Tại Hội nghị Tổng kết Công tác năm 2010 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2011 của Bộ GTVT, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines ông Phạm Ngọc Minh khẩn thiết lên tiếng về chính sách giá trần nội địa. “Đây là khó khăn quan trọng mà tất cả các hãng hàng không nội địa đang cùng gặp phải…”- ông Minh khẳng định. Đóng vai trò chủ đạo trong giao thông hàng không nội địa, thì những khó khăn này, theo ông Minh, đã “đổ lên đầu” Vietnam Airlines. Chính sách giá trần nội địa chưa phù hợp với quá trình điều chỉnh tỷ giá đã khiến cho Hãng hàng không Quốc gia phải bù lỗ khoảng 30 triệu USD cho mạng đường bay nội địa trong năm 2010.
Ông Minh cho biết, thực tế, khoảng 70% chi phí đầu vào của ngành hàng không phải thanh toán bằng ngoại tệ, trong khi đó, doanh thu nội địa được tính bằng tiền đồng theo mức giá trần bị khống chế, trong bối cảnh tỷ giá USD/VNĐ ngày càng tăng cao, thì việc kinh doanh vận tải hàng không nội địa không có lãi sẽ tiếp tục gây quan ngại và không khuyến khích các nhà đầu tư mới tham gia thị trường, đồng thời gây khó khăn rất nhiều cho các hãng hàng không hiện đang khai thác.
“Hàng không nội địa cần có cơ chế giá linh hoạt hơn, phù hợp với sự biến động của thị trường, nhất là tỷ giá… để có thể thu hút nhiều nhà đầu tư mới tham gia, nâng tính cạnh tranh cho thị trường…”, ông Minh đề nghị.
Dù không nói rõ Vietnam Airlines lấy nguồn nào để bù lỗ khoản thiệt hại đó nhưng ai cũng có thể hiểu hàng không quốc tế sẽ đảm nhận chủ yếu. Báo cáo của Vietnam Airlines cũng cho biết, năm 2010 vừa qua, Vietnam Airlines vận chuyển trên 12,3 triệu lượt khách, tăng 33,7% so với năm 2009 và vượt kế hoạch 13,2%.
Trong đó, vận chuyển khách nội địa đạt 8 triệu lượt, vượt kế hoạch 12,6%, tăng 31,1% so với 2009; vận chuyển quốc tế đạt 4,3 triệu lượt, vượt kế hoạch 14,3% và tăng 37,6% so với cùng kỳ; trong năm qua, Vietnam Airlines đã lập kỷ lục về doanh thu với con số 36.265 tỷ đồng, tăng 47,3% so với năm 2009, vượt kế hoạch 13,2%.
Sau khi đã trích lập đầy đủ chi phí chênh lệch tỷ giá để bảo toàn vốn (đối với các khoản vay bằng ngoại tệ) với trên 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của tổng công ty năm 2010 đạt trên 350 tỷ đồng, tăng 130% so với năm trước. Kết dư tài khoản duy trì ở mức kỷ lục khoảng 3.000 tỷ đồng (tăng 1.200 tỷ đồng so với năm 2009). Báo cáo của Vietnam Airlines cũng cho biết, trong 3 năm 2008-2010 quy mô sản xuất kinh doanh đã tăng gấp 2 trong khi doanh thu tăng ở mức tương tự chỉ trong 2 năm 2009 và 2010.
Quá tải
Năm 2011 Vietnam Airlines dự kiến tổng sản lượng vận chuyển hành khách đạt trên 14,7 triệu lượt, tăng 20,5% so với thực hiện 2010. Hệ số sử dụng ghế dự kiến 77,8%, tăng 1 điểm và thị phần đạt 60,5%, tăng 2,3 điểm so với thực hiện 2010. Phấn đấu trong năm 2011, tổng doanh thu toàn tổng công ty đạt gần 46,7 ngàn tỷ đồng, tăng 28,1% so với ước thực hiện 2010 và lợi nhuận trước thuế đạt 467 tỷ đồng, tăng 31,2% so với ước thực hiện 2010.
"Hàng không đang từng bước trở thành phương tiện giao thông phổ biến của nhiều tầng lớp nhân dân, đây là cơ hội và cũng là khó khăn không nhỏ với các hãng hàng không nội địa, trong đó có Vietnam Airlines …”, ông Minh phát biểu.
Thường trực với nỗi lo biến động tỷ giá, hàng không nội địa lại đang phải đối mặt với sự quá tải của hệ thống hạ tầng sân bay, đặc biệt là sân bay cửa ngõ Nội Bài - Tân Sơn Nhất. Mặc dù đã được khai thác khoa học, hợp lý nhất nhưng do nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của hành khách ngày càng tăng cao nên hiện tượng quá tải của hai sân bay cửa ngõ là không tránh khỏi.
Đơn cử như Nhà ga T1 Nội Bài có công suất thiết kế khoảng 6 triệu lượt hành khách mỗi năm nhưng năm 2010 đã đón 9,5 triệu lượt. Sân bay Tân Sơn Nhất tuy có khu vực nhà ga quốc tế và nội địa tách riêng nhưng ga nội địa cũng đang quá tải trầm trọng.
Bên cạnh đó, việc thiếu hụt cơ sở hạ tầng sân bay như sân đỗ chờ qua đêm, sân đỗ trước hangar bảo dưỡng, các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ và khu nhiên liệu sẽ làm hạn chế khả năng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường…
“Đây sẽ là khó khăn chung cho các hãng hàng không khi muốn tăng tải, tăng chuyến phục vụ hành khách…”, Tổng giám đốc Vietnam Airlines nhận định. Theo ông Minh, nếu không đầu tư, 5 năm nữa hàng không nội địa sẽ ách tắc…
Thanh Lan