Trong tiểu thuyết đầu tay của Bích Ngân, Thế giới xô lệch, câu chuyện gói gọn chỉ trong một gia đình, với ba thế hệ. Một gia đình Việt Nam bình thường cùng những câu chuyện rất bình thường của thời hậu chiến - kinh tế thị trường.
Nhân vật của Bích Ngân có vẻ hiền lành so với thực tế ngoài đời. “Kẻ xấu” của chị cũng chỉ xấu một cách vừa phải. Đó là nhân vật Anh Ba, đã biết tận dụng uy tín của ông bố cán bộ, để có một vị trí trong ngành xây dựng, “ăn” các thứ sắt thép, xi măng, xây biệt thự và sống cuộc đời khá phủ phê so với gia đình mình, bên cạnh một cô vợ tầm tầm. Đó cũng là anh tài xế vẫn rút trộm xăng từ chiếc xe riêng của sếp hoặc khai khống tiền sửa xe, suýt trở thành kẻ gây ra bi kịch hôn nhân cho con trai út của sếp.
“Người tốt” của Bích Ngân thì tốt một cách sâu sắc hơn, trong đó có Tôi, nhân vật chính, đã bị mất cả đôi chân trên chiến trường và không thể không trở nên yếm thế, khi ý thức được sự bất lực của mình trong cuộc chiến mới với vũ khí là đồng tiền.
Lơ lửng giữa anh em trai của mình, lãng mạn và sách vở, nhân vật Chị Hai lại đánh mất một thứ vô hình nhưng rất quan trọng sau cuộc nổi loạn nhỏ và ngỡ rằng đã tìm được thứ mà mình khao khát: tình yêu đích thực, được đồng hóa với niềm tin đích thực.
Luôn gánh vác, hy sinh và chịu đựng một cách bao dung như một hiền triết dân gian đầy thấu hiểu, nhân vật Người Mẹ là điểm tựa vô điều kiện và có lẽ vĩnh cửu của cái gia đình ba thế hệ ấy, hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Trong khi đó, nhân vật Người Cha giống như một hình mẫu giản đơn hơn là một con người đúng nghĩa với đầy đủ hỉ nộ ái ố, luôn hành xử theo một quy tắc bất biến, với quan niệm mình sinh ra cho những việc “đại sự” chứ không dành cho những chuyện “nhỏ bé” của gia đình. Khi cần có mặt giữa người thân, ông luôn ngồi vào chiếc ghế dành riêng cho mình (một chiếc ghế cũng không lành lặn mấy), đưa ra những lời truyền phán có tính giáo huấn và răn đe, không thấy chút bóng dáng nào của sự trìu mến thân thương vốn là bản chất tự nhiên giữa những người cùng huyết thống. Và khi ông quyết biến cô con dâu ít học xuất thân nông dân thành một “người nhà nước”, ông đã khiến cho con trai út suýt nữa mất vợ...
Từ một truyện vừa là tác phẩm tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du được viết từ năm 1992, Bích Ngân đã phát triển thành một tiểu thuyết 300 trang, trong đó chị đặt vấn đề về sự “xô lệch” trong một gia đình mà mỗi thành viên đều có những bi kịch dù hiển nhiên hay thầm lặng. Ông bà nội, mẹ, cô chú, các anh chị em ruột, dâu rể, và cả một con chó Phèn trung thành, tất cả đều ở trên cùng một vòng quay mà người đứng ở trục trung tâm chính là người cha, người đưa ra quyết định cho vận mệnh những người khác, nhưng lại luôn “vắng mặt” trong ngôi nhà của mình.
Có thể đặt câu hỏi: Tại sao lúc nào ông cũng đặt mình cao hơn người khác, và chỉ luôn phát ra những mệnh lệnh một chiều? Ông đã không độ lượng với người cha lầm lỗi nhưng tại sao ngay với người mẹ bất hạnh của mình, ông cũng không hề có được sự xốn xang để cố đi tìm bằng được nắm xương xiêu lạc của bà? Luôn tin vào sự anh minh công chính của mình nhưng ông lại không ý thức được rằng, con trai tật nguyền của mình là kẻ yếu trong cuộc chinh phục người vợ đẹp nhưng còn đầy mông muội, bản năng...
Người cha chính là nhân vật có tính tiểu thuyết nhất, cho dù chân dung của ông thiếu hấp dẫn, thế nhưng hiểu theo một nghĩa nào đó, ông mới chính là nhân vật có tính “bi kịch” nhất. Cho đến trang cuối của tiểu thuyết, có vẻ như ông đã bắt đầu nhận ra một điều gì đó, nhưng tác giả đã không làm rõ.
Các nhân vật Anh Ba, Tài xế, Cô Vợ đều đã biết quay đầu về phía sáng, cho dù chỉ bởi những tính toán thực dụng, chỉ còn “vấn đề” cuối cùng của tiểu thuyềt: Người Cha. Nếu Người Cha vẫn không chịu thay đổi cái đầu chỉ chấp nhận các định đề, vẫn tin rằng sự bất tử chỉ tồn tại nhờ ở sự tưởng niệm thì, sự bất tử trong đầu ông vẫn còn một khoảng cách quá diệu vợi so với sự bất tử hằng có trong đời thực.
Theo TN