Bí xanh thơm có hai loại là bí phấn và bí xanh, nhưng có chung đặc điểm là tất cả từ thân, lá, hoa, quả đều có mùi thơm như nếp cái hoa vàng. Khi chế biến thành phẩm sẽ có mùi thơm tự nhiên, độ dẻo và vị ngon hấp dẫn.
Từ chỗ chỉ trồng manh mún, nhỏ lẻ, đến nay cây bí xanh đã và đang được tập trung phát triển mạnh tại huyện Ba Bể, được mở rộng sang các xã Chu Hương, Thượng Giáo, Hà Hiệu… có khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng với các xã tiên phong trồng như Địa Linh, Yến Dương, Mỹ Phương.
Với giá trị sản xuất bình quân có thể lên đến 280 triệu/ha, so với cây lúa và các cây trồng ngắn ngày khác, cây bí xanh thơm đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Huyện Ba Bể đã xác định bí xanh thơm là cây trồng mũi nhọn kinh tế tại địa phương, cũng như xây dựng và triển khai Đề án phát triển sản xuất một số cây trồng, vật nuôi có thế mạnh trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, diện tích cây bí xanh thơm đạt trên 200 ha; huyện sẽ xây dựng mô hình thâm canh tăng vụ trồng bí xanh thơm với quy mô 10 ha tại xã Yến Dương và Địa Linh, mô hình ứng dụng công nghệ cao để sản xuất giống bí thơm với quy mô 0,1 ha tại xã Yến Dương.
Để nâng tầm thương hiệu Bí xanh thơm Bắc Kạn, tỉnh đã lồng ghép nhiều chương trình, dự án, các cơ chế, chính sách để hỗ trợ huyện Ba Bể nâng cao năng suất, chất lượng, phát huy giá trị thương hiệu.
Trong đó, tỉnh triển khai thực hiện đề tài bảo tồn nguồn gen, giống của cây bí bản địa, hỗ trợ canh tác theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch VietGAP, khuyến khích, hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, HTX tham gia liên kết với các hộ dân trồng và bao tiêu sản phẩm bí xanh thơm góp phần tạo đầu ra ổn định, giúp cây bí xanh phát triển bền vững.
Không chỉ trồng bí xanh thơm để bán hoặc chế biến, huyện Ba Bể đã quy hoạch, nâng tầm vùng trồng bí xanh thơm thành các mô hình du lịch trải nghiệm. Thôn Bản Váng, xã Địa Linh hiện trở thành điểm du khách trải nghiệm, tham quan mô hình sinh thái trồng bí xanh thơm của tỉnh Bắc Kạn.
Trải nghiệm mô hình liên kết bí xanh thơm tại thôn Bản Váng, xã Địa Linh, Ba Bể (Ảnh: backan.gov.vn) |
Ông Lưu Quốc Trung - Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết: “Bí xanh thơm Ba Bể không chỉ dừng lại ở chế biến sau thu hoạch, chính quyền và người trồng bí đã nâng tầm của vùng trồng bí xanh thơm thành các mô hình du lịch trải nghiệm, không chỉ trồng một vụ mà trồng hai vụ, diện tích sẽ tăng dần và phấn đấu đủ nguyên liệu để các nhà đầu tư đến đầu tư nhà máy chế biến hoa quả, tiến đến mong muốn xuất khẩu được bí xanh thơm Ba Bể.”
Đến các mô hình sinh thái này tham quan, trải nghiệm, du khách không chỉ được nghe bà con giới thiệu về xuất xứ, quy trình trồng cây bí xanh thơm, "check in" trong vườn bí mà còn được thưởng thức một số sản phẩm làm từ bí xanh thơm như trà bí xanh, nộm bí, bí luộc và mua những quả bí chất lượng mang về nhà làm thực phẩm hoặc quà biếu cho người thân, bạn bè.
Chị Vân (Thái Bình) đến vườn bí xanh du lịch trải nghiệm. Ngoài mục đích tham quan, chị còn muốn tìm hiểu thêm về sản phẩm nông sản này. "Là một người làm nông nghiệp, tôi muốn tìm hiểu thêm về một loại nông sản mới xem liệu có mang về địa phương mình được hay không. Ngoài ra tôi cũng muốn học hỏi thêm về các kỹ thuật canh tác và phương pháp tìm đầu ra cho nông sản”, chị Vân cho biết.
Từ năm 2020 đến nay, diện tích vùng trồng bí xanh đã liên tục được mở rộng, và dự kiến nhân rộng thêm nữa. Huyện Ba Bể đã và đang xúc tiến tổ chức thêm nhiều sự kiện thương mại gắn với du lịch trải nghiệm tỉnh Bắc Kạn như: Hội chợ OCOP tháng 6 năm 2022; “Tuần văn hóa - du lịch Bắc Kạn” gắn với trải nghiệm bí xanh thơm Ba Bể vào tháng 5 năm 2023; “Ngày hội bí xanh thơm Ba Bể” tháng 7 năm 2023 nhằm quảng bá giống nông sản bản địa này.
Huyện Ba Bể cũng phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng cây bí xanh thơm sẽ mở rộng trên 200 ha và sẽ đạt được những bước tiến mạnh mẽ, gây dựng được tiếng vang và tiến tới xuất khẩu, đưa nông sản Việt lên một tầm cao mới.