Chúng tôi gặp ông Nguyễn Hữu Lý đúng vào dịp Đảng bộ và nhân dân xã Phú Nhuận long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Đảng bộ xã (19/08/1959 - 19/08/2019). Tiếp đón chúng tôi với sự cởi mở, gần gũi, Bí thư Đảng bộ xã cho biết, Phú Nhuận là xã đầu tiên về đích trong phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.
Ông Nguyễn Hữu Lý (thứ 2 từ phải sang) đang trao đổi với bà con về kinh nghiệm trồng chè |
Từ một địa phương còn gặp nhiều khó khăn, đến nay diện mạo xã Phú Nhuận đã ngày càng "thay da đổi thịt”. Đời sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đạt trên 36 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 8,3%.
Đạt được những kết quả này là nhờ sự đoàn kết, sáng tạo của chính quyền địa phương cũng như người dân xã Phú Nhuận, trong đó có sự đóng góp của ông Nguyễn Hữu Lý. Với cương vị của mình, ông Lý luôn chủ động, sáng tạo trong các phong trào của địa phương, thường xuyên quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế.
Những đồi chè xanh mướt ở xã nông thôn mới Phú Nhuận |
Với sự trách nhiệm, nhiệt tình, lăn lộn không biết mệt mỏi suốt những năm tháng làm việc nhưng ông Lý vẫn luôn giữ được tâm thái vô cùng lạc quan, yêu đời và phong cách rất “thanh niên”. Vui vẻ kể về quá trình công tác của mình, Ông cho biết, Hơn 26 năm công tác, ông đã trải qua nhiều cương vị sau 4 năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, thời gian đầu là tham gia công tác đoàn, thường trực đảng ủy, sau đó bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND (2 khóa), trưởng phòng kinh tế huyện (6 năm), hội nông dân, sau đó được sự điều động của huyện ủy và theo nguyện vọng của bản thân, ông xin về công tác tại quê nhà với cương vị Bí thư Đảng ủy xã Phú Nhuận.
Trong cuộc sống cũng như quá trình công tác, phải thoát nghèo mới xây dựng được cuộc sống nông thôn mới hiện đại, văn minh, no ấm; mà để chiến thắng được nghèo nàn lạc hậu là vấn đề nan giải. Để vượt qua được điều đó không những cần thời gian mà bản thân còn phải học hỏi, nỗ lực không ngừng. Ông luôn đau đáu làm sao xây dựng cho gia đình cũng như giúp đỡ bà con thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu tiến tới ấm no hạnh phúc.
Bởi vậy, đầu năm 1990, ông đã quyết định đưa giống cây chè, quế trồng tại địa phương cũng như kết hợp nuôi thủy sản. Theo ông, mô hình này có thể phát triển bền vững trên mảnh đất này. Với bản lĩnh, kiến thức từ rất nhiều lớp đào tạo, tập huấn và kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn, ông đã vững vàng vượt qua thử thách. Hầu hết những kinh nghiệm, kiến thức ấy đều được ông chia sẻ với người dân quê mình. Với phương châm thực hiện theo khẩu hiệu “Ba cây, ba con” (cây chè, cây quế, cấy lúa; con lợn, con gà, con cá), đến nay xã Phú Nhuận có hơn 300 ha chè, 1.350 ha quế, 111 ha thủy sản.
Hiện tại, gia đình ông cũng đã trồng được 3 ha chè, khoảng 30 ha quế, 0,5 m² nuôi thủy sản. Không dừng lại ở việc làm kinh tế giỏi mà ông còn có nhiều hoạt động quan tâm, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Với tư duy quản lý, điều hành khoa học, ông luôn chủ động trong mọi công việc. Hằng ngày, người dân vẫn bắt gặp hình ảnh một cán bộ xã với những tập tài liệu đồ sộ, với khối lượng công việc nhiều như vậy, ông phải sắp xếp thời gian hết sức chặt chẽ mới có thể đảm nhiệm hết. Ngoài thời gian làm việc tại Đảng ủy xã, ông thường xuyên đến những cơ sở để kiểm tra, chỉ đạo và hiểu hơn về những khó khăn của người lao động.
Ông Nguyễn Hữu Lý chia sẻ: “Tôi luôn xem mình là người con của nông dân, vì thế, từ lý luận đến thực tiễn chỉ một mục tiêu duy nhất đó là làm được những gì tốt nhất cho dân, qua đó giúp được người dân có được cuộc sống ấm no là điều khiến tôi vô cùng hạnh phúc”./.