Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu tại hội nghị. |
Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm đến công tác giải quyết việc làm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.
Năm 2022, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Nâng cao đời sống công nhân, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2026.
9 tháng năm 2023, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho trên 15.000 lao động.
Cùng với đó, tỉnh ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi giải trí dành cho người lao động.
Các cấp Công đoàn đã trích Quỹ Vì công nhân, lao động nghèo hỗ trợ kinh phí xây dựng “mái ấm công đoàn” cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn. Tổ chức ký kết chương trình phối hợp và thỏa thuận hợp tác nâng cao phúc lợi cho đoàn viên và người lao động…
Qua đó, các cấp Công đoàn tạo động lực để người lao động tích cực làm việc, yên tâm công tác, gắn bó với nghề. Từ đó, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất và kinh doanh của các đơn vị.
Tại buổi đối thoại, đại diện các chủ doanh nghiệp, công nhân lao động, cán bộ Công đoàn các cấp đã đặt nhiều câu hỏi với các lãnh đạo tỉnh.
Nhiều vấn đề được đưa ra tại Hội nghị như: Hỗ trợ kết nối cung – cầu lao động; đảm bảo, nâng cao tiền lương, thu nhập của người lao động; thực hiện các chính sách, chế độ về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho công nhân lao động; công tác chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ nhà ở cho công nhân lao động; phát triển Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp…
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc - bà Hoàng Thị Thúy Lan tiếp thu các ý kiến tham gia phát biểu, góp ý của các chủ doanh nghiệp, công nhân lao động, cán bộ Công đoàn các cấp trên địa bàn tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc - bà Hoàng Thị Thúy Lan tặng quà công nhân lao động Công ty cổ phần ống thép Việt Đức. |
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc chia sẻ với những khó khăn của người lao động và mong muốn thời gian tới, người lao động, với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cơ quan nhà nước, tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp sẽ tiếp tục cố gắng khắc phục khó khăn, phấn đấu lao động, sản xuất, đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp và của tỉnh.
Bà Hoàng Thị Thúy Lan yêu cầu sau buổi đối thoại này, UBND tỉnh có báo cáo đánh giá chung về tình hình lương, tình trạng nợ lương, chậm đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của các doanh nghiệp, từ đó, có những dự báo, giải pháp siết chặt công tác thanh tra, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm. Đồng thời, kịp thời biểu dương các doanh nghiệp có nhiều thành tích, đóng góp với sự phát triển của tỉnh; có các giải pháp giữ chân, thu hút người lao động.
Các doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định pháp luật lao động của Việt Nam; quan tâm, có kế hoạch cụ thể bảo đảm thu nhập, tiền lương, thưởng cho người lao động.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, khẳng định chỗ đứng trên thị trường, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Công nhân, lao động tiếp tục khắc phục khó khăn, hăng say lao động sản xuất, chấp hành nghiêm các quy định, đóng góp tích cực cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cũng yêu cầu các tổ chức Công đoàn tăng cường nắm bắt tình hình; thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhất là vấn đề tiền lương, tiền thưởng, thời gian làm việc của người lao động.