Tại bờ biển cuối đường Nguyễn Tất Thành nhìn ra ghềnh đá Nam Ô, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã xem bản đồ vị trí dự án Lancaster Nam Ô của Tập đoàn Trung Thủy.
Ông Nghĩa cho biết có nghe Chủ tịch phường (bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam- PV) ủng hộ doanh nghiệp làm hàng rào này.
Ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch quận Liên Chiểu trả lời, doanh nghiệp làm hàng rào để không nguy hiểm cho dân, không gây ô nhiễm bãi biển. Đất ở khu vực rào cũng chưa giao cho doanh nghiệp, chưa được cấp giấy phép xây dựng.
Dự án bít đường xuống biển của dân |
Bí thư chỉ đạo, quận Liên Chiểu cần phải xem lại dự án bao lâu rồi chưa triển khai. “Phải có con đường đi xuống cho dân, bãi cát phải trả lại cho cộng đồng. Chủ trương có con đường đi bộ, đường đi xe đạp ở khu vực này. Tôi đề nghị phải giải tỏa ngay hàng rào khu vực trên cho dân đi lại ngay. Lãnh đạo Liên Chiểu nói nguyên do dựng hàng rào không đúng. Về việc nguy hiểm ở ghềnh đá, bãi biển phải có biển báo cho dân biết chứ không được bít lại. "
Trước đó, PLVN thông tin, liên tiếp ngày 20, 21/3, hàng chục người dân làng Nam Ô đã tụ tập tại dự án Lancaster Nam Ô phản ứng. Theo nhiều người, đây là con đường ra biển đã có hàng trăm năm của bà con. Song, gần 2 năm nay, chủ đầu tư cho dựng hàng rào bịt kín sân bóng, khu sinh hoạt cộng đồng, lối đi. Đáng nói, bà con ở đây chủ yếu sống nhờ nghề đánh bắt cá, nên việc cản trở không cho ra biển đã vô hình “triệt đường sống” của họ và độc chiếm luôn cả bãi biển rộng lớn.
Người dân chia sẻ thêm, gềnh đá Nam Ô lâu nay đẹp nổi tiếng nên thu hút nhiều du khách đến tham quan, vui chơi, chụp ảnh. Nhưng từ khi tiếp nhận đầu tư, chỉ có dân địa phương mới được phép đi vì bảo vệ biết mặt, còn người nơi khác đến đều bị cấm xuống biển.
Quá bức xúc, 2 ngày qua, mọi người tập trung lại phản ứng, yêu cầu chính quyền và chủ đầu tư phải giải quyết điều này để đảm bảo quyền lợi cho người dân.