[links()]“Tôi khẳng định không phải vụ án này mà bất cứ vụ án nào khác Bí thư không chỉ đạo Toà phải xử nặng hay nhẹ, xử thế này, xử thế khác”, Bí thư Huyện ủy Yên Thành Phan Văn Tân nói quanh vụ thẩm phán “ăn” tiền chạy án gây xôn xao dư luận.
“Tôi có phần trách nhiệm”
- Ông cảm thấy thế nào khi Công an huyện bắt quả tang thẩm phán của TAND huyện Yên Thành vòi vĩnh và nhận hối lộ của bị can?
- Lúc đó, tôi đang đi công tác tại TP. HCM thì Công an huyện điện thoại báo việc họ bắt quả tang Thẩm phán Bùi Anh Đức có hành vi nhận hối lộ. Đây là vụ lần đầu xảy ra ở huyện khiến chúng tôi cảm thấy rất đau buồn.
Tuy nhiên, đối với cán bộ thoái hóa, biến chất chúng ta không dung túng. Vì thế, trong quá trình điều tra, khi các anh bên Tòa, Công an gặp tôi để xin ý kiến tôi nói thẳng là Đảng không can thiệp vào công việc chuyên môn. Để sự việc xảy ra như thế là rất buồn nên xử lý sao cho hài hòa, đúng pháp luật, tránh xung đột giữa các cơ quan, đừng để mang tiếng cho huyện.
Tòa án quản lý theo ngành dọc nên khi để xảy ra vụ việc, trách nhiệm đầu tiên là của lãnh đạo TAND tỉnh. Nhưng vì Tòa án Yên Thành nằm trên địa bàn huyện, cán bộ tòa sinh hoạt Đảng ở đây nên người đứng đầu như tôi cũng có phần trách nhiệm trong đó. Tôi có gặp TAND tỉnh để chia sẻ chuyện này, tôi có nói với anh Hà (Chánh án TAND tỉnh Nghệ An – PV) đây là chuyện rất buồn, anh em mình phải cùng nhau mà nhận trách nhiệm.
- Quá trình nhận tiền chạy án thẩm phán Đức đã đưa ra phương châm “barem và không mặc cả”, khiến dư luận đặt vấn đề tiêu cực trong ngành tòa đã diễn ra từ lâu, gắn kết với nhau bằng “lợi ích nhóm”, ông nghĩ gì về điều này?
- Tôi không tin có nhóm lợi ích để ngã giá, chia chác quyền lợi trong chuyện này. Tôi nghĩ anh Đức chỉ lợi dụng để vòi vĩnh thôi, tuy nhiên, có hay không chuyện này chúng ta cứ chờ CQĐT làm rõ. Còn về cơ quan Đảng, tới đây tôi sẽ đưa vấn đề ra tại các cuộc họp nội chính để thảo luận.
Sẽ khó có ai thừa nhận mình vi phạm nếu không có chứng cứ, nhưng những cuộc thảo luận như vậy là cần thiết bởi nếu có anh nào giả sử đã hay có ý định “nhúng chàm” chưa bị phát giác thì người ta cũng phải chột dạ. Nếu không có thì đó cũng là bài học cho cán bộ đúc rút mà điều chỉnh hành vi của mình trong công tác.
“Tôi không chỉ đạo xử nặng hay nhẹ”
- Dư luận cho rằng, có chỉ đạo từ đâu đó để “dằn mặt” người phanh phui vụ việc và TAND huyện đã trút giận lên đầu bị cáo Thảo - người đã giúp công an bắt quả tang thẩm phán nhận tiền chạy án - một mức án nặng nề và nhiều bất thường. Xin hỏi ông có chỉ đạo gì trong quá trình đưa vụ án này ra xét xử?
- Ai chỉ đạo thì tôi không được biết. Tôi khẳng định không phải vụ án này mà bất cứ vụ án nào khác, Bí thư không chỉ đạo là Tòa phải xử thế này, xử thế khác. Khi giải quyết công việc, đặc biệt là công việc xét xử, thì phải công tâm để có bản án thấu tình, đạt lý. Vụ ông Thảo tham ô tài sản nhà nước rõ ràng là phải xử, nhưng xử mà để dư luận nhân dân không đồng tình như thế là không được. Tôi không khẳng định Tòa xử 54 tháng tù với bị cáo Thảo là nặng hay nhẹ, đúng luật hay không đúng luật, nhưng khi mọi việc còn “nhạy cảm” mà tuyên như thế là chưa hài hòa, dư luận phản đối thì phải xem lại.
- Sự lãnh đạo của Huyện ủy đối với các cơ quan nội chính ở địa phương được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Đảng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để hạn chế tiêu cực. Khi phát hiện tiêu cực là phải xử lý, loại bỏ những cán bộ kém về phẩm chất, yếu về năng lực. Khi còn làm Chủ tịch rồi đến Bí thư huyện, thông qua các cuộc họp định kỳ với khối nội chính, tôi thường xuyên nhắc nhở anh em cán bộ Công an, Tòa án và Kiểm sát phải giữ mình.
Với các vụ việc nổi cộm, bức xúc, mỗi cơ quan thường quan điểm khác nhau, tôi với vai trò là Bí thư phải khâu nối các công việc, thảo luận đi đến thống nhất, rồi chỉ đạo thực hiện. Qua các cuộc họp nhằm tìm được phương án tối ưu, đồng thuận tránh tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan đồng thời cũng tránh được việc xử lý oan sai đối với từng vụ việc cụ thể.
Xin cảm ơn ông!
• Ông Trần Thanh Thủy, Viện trưởng VKSND huyện Yên Thành: Bị cáo Thảo bị truy tố ở Khoản 2 điều 278 Bộ luật Hình sự nhưng vì có 4 tình tiết giảm nhẹ nên được xử lý dưới khung hình phạt. Sau khi cân nhắc, Viện đề nghị Tòa xử bị cáo từ 3 đến 4 năm tù là hợp tình, hợp lý. Mặc dù Tòa xử nặng hơn so với đề nghị nhưng so với quy định của ngành là chưa vượt quá ngưỡng nên Viện không kháng nghị bản án. Bị cáo Thảo nên kháng cáo để được xem xét. • Ông Ngô Sỹ Tiến, Chánh án TAND huyện Yên Thành: Tôi không chỉ đạo xử nặng đối với bị cáo Thảo. Thẩm phán độc lập xét xử và chịu trách nhiệm trước pháp luật với phán quyết của mình. Không phải Tòa không hợp tác với CQĐT để làm rõ vụ án mà vì trong thời gian 2 năm số lượng án anh Đức xử là rất nhiều nên chúng tôi đã có công văn trả lời CQĐT là cần cụ thể hồ sơ vụ án nào thì lúc đó mới có thể cung cấp được. |
Phi Hùng - Tuấn Ngọc (thực hiện)