Trước đó, vào đêm 20/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang lần lượt tiếp nhận 2 bệnh nhân C.S.P (nam, 23 tuổi) và G.T.M (nữ, 15 tuổi, cùng quê ở Lào Cai) nhập viện trong tình trạng khó thở, sụp mi mắt, chân tay yếu.
Hai nạn nhân đều là người dân tộc thiểu số, tới Bắc Giang ở trọ làm công nhân. Bệnh nhân C.S.P kể lại, khi đang ngủ thì thấy đau nhói ở mu bàn chân phải. Khoảng 1 giờ sau, anh P thấy tức ngực, khó thở dần, chân tay yếu, nghi ngờ đã bị rắn cắn nên nhờ người quen đưa vào bệnh viện.
Tại bệnh viện, bác sĩ xác định tình trạng người bệnh nặng nên đã chuyển khoa Hồi sức tích cực – chống độc để điều trị. Nhận định đây là những trường hợp có khả năng tử vong cao, sau thăm khám, các bác sĩ kết luận nguyên nhân khiến 2 bệnh nhân mất hết các phản xạ là do rắn cạp nia cắn.
Bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp nên được đặt ống nội khí quản, thở máy. Tiếp đó, 2 người bệnh được chỉ định lọc máu để loại trừ độc chất. Sau lọc máu, tình trạng liệt cơ của bệnh nhân đã có dấu hiệu cải thiện.
Trải qua gần 1 tháng điều trị bằng nhiều phương pháp hồi sức tích cực, sức khỏe hai bệnh nhân đã cải thiện dần, được bỏ máy thở và rút ống nội khí quản. Hiện tại, cả hai bệnh nhân đã được bác sĩ cho xuất viện.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hiếu - Phó Trưởng khoa Khoa hồi sức tích cực - Chống độc của Bệnh viện cho biết, bệnh nhi nữ là một trường hợp đặc biệt bởi khi vào viện, người bệnh được đánh giá là liệt cơ hoàn toàn, suy hô hấp, liệt tứ chi, mất hết các phản xạ, đồng tử giãn. May mắn bệnh nhi được cấp cứu kịp thời.
“Những ca bị rắn cạp nia cắn nếu được cấp cứu và điều trị kịp thời bằng các biện pháp hồi sức tích cực thì có thể hồi phục hoàn toàn không để lại di chứng. Ngược lại, người bệnh có thể tử vong nhanh do tình trạng liệt cơ hô hấp, hoặc để lại di chứng liệt và hôn mê vĩnh viễn do thiếu oxy não kéo dài, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”, Bác sĩ Hiếu thông tin.