Bí quyết thành công của trò chơi Pokémon Go

 Trò săn thú ảo đang gây sốt trên toàn thế giới
Trò săn thú ảo đang gây sốt trên toàn thế giới
(PLO) -Pokémon Go, trò chơi ra mắt từ đầu tháng 07/2016 đã nhanh chóng tạo nên cơn sốt trong giới game thủ và cả truyền thông. Đây là trò chơi trên các thiết bị di động chạy hệ điều hành iOS và Android, giúp người chơi dùng smartphone (điện thoại thông minh) lần theo dấu vết các nhân vật ảo tại các địa điểm thật. 

Ra mắt vào ngày 6/7 và dù chỉ giới hạn ở một vài quốc gia nhưng Pokemon Go nhanh chóng được cả thế giới biết đến và tìm chơi. Không như các tựa game thông thường, sức hấp dẫn của nó đến từ khả năng tương tác với thế giới thực.

Sau khi cài đặt lên thiết bị, người chơi sẽ tham gia hành trình đi bắt những chú Pokemon độc đáo. Nhờ kết hợp camera, cảm biến, bản đồ thực tế và hệ thống định vị GPS, những con thú ảo có thể lẩn trốn ở ngay trong những địa điểm ngoài đời thực. Bên cạnh đó, người chơi cũng có thể phối hợp với bạn bè để đi tìm, huấn luyện Pokemon và chiến đấu. 

Thay vì phải "chôn chân" một chỗ, người chơi phải ra ngoài tìm kiếm Pokemon. Đây cũng là dịp để con người có thể tập thể dục bằng cách đi/chạy bộ. Đồng thời, họ cũng sẽ tìm được cho mình những người bạn cùng sở thích ngoài đời thực thay vì làm quen với bạn ảo trên mạng. Nhà phát triển đang lên kế hoạch phát hành game này tại hơn 200 thị trường.

“Phát cuồng” vì săn Pokémon

Sau Mỹ, Úc và New Zealand, Pokémon Go lần lượt xuất hiện tại nhiều nước phương Tây. Chỉ trong vòng hai tuần, sản phẩm của công ty Mỹ Niantic, thuộc tập đoàn Nitendo, đạt được thành công ngoài sức tưởng tượng trên khắp thế giới, bỏ xa trò chơi vua Candy Crush Saga vẫn làm mưa làm gió.

Các game thủ Pokémon được coi là “phát cuồng” vì trò chơi mới này, như trường hợp một thanh niên người New Zealand xin nghỉ làm hai tháng để chơi Pokémon Go, quyết bắt hết những con thú “ảo” có mặt trên đất nước xinh đẹp của mình. Hay một thanh niên người Pháp, 27 tuổi, làm việc tại Indonesia đã bị bắt giữ ngày 19/07 khi đi lạc vào một doanh trại quân đội để… săn Pokémon.

Sau sự kiện hi hữu này, phát ngôn viên quân đội Indonesia kêu gọi người dân cẩn trọng, và cho rằng Pokémon Go có thể là cái cớ cho các hành vi mờ ám. Chính quyền Jakarta cũng cấm cảnh sát và quân đội chơi Pokémon Go trong giờ làm việc. Ngày 26/07, đến lượt quân nhân Trung Quốc đóng tại Hồng Kông cũng bị cấm chơi Pokémon Go và cấm mọi cá nhân xâm nhập vào các doanh trại quân đội.

Pokemon Go là tựa game do Niantic Labs phát triển, dựa trên trò chơi Pokemon xuất hiện từ năm 1996. Trong game, người chơi phải "săn" các nhân vật, huấn luyện và cho Pokemon chiến đấu. Khác với các phiên bản trước, Pokemon Go áp dụng công nghệ thực tế ảo, vị trí địa lý thực tế nên game thủ có cảm giác gần gũi.

Ban đầu, Pokemon Go phát hành giới hạn tại Australia, New Zealand, Mỹ và sau đó mở rộng ra nhiều quốc gia khác ở châu Âu. Tại Việt Nam, người chơi chưa thể tải và trải nghiệm game này theo cách chính thức, tuy nhiên đã có không ít cộng đồng người chơi tìm cách “bẻ khóa” để thưởng thức Pokemon Go.

Vẫn vì lý do an ninh tại Bosnia, khi trò chơi xuất hiện từ ngày 19/07, chính quyền khuyến cáo các Pokémon thủ tránh xa những khu vực có mìn, tàn tích từ cuộc nội chiến (1992-1995).

Tại Mỹ, một trong những thị trường đầu tiên có thể chơi, Pokemon Go thực sự khiến cộng đồng ở đây "phát cuồng", như cách gọi của một tờ báo.

Đoạn video được đăng trên Twitter là một minh chứng rõ ràng cho điều này. Tại Công viên Trung Tâm (Central Park) ở New York (Mỹ), hàng trăm người đã đổ xô về một điểm khi có một Pokemon hiếm xuất hiện ở đây. Hầu hết trong số đó là người trưởng thành, tay giơ cao chiếc điện thoại và mắt không rời khỏi màn hình.

Tại Pháp, giới “game thủ” cũng hừng hực khí thế, liên tục xuất hiện những thông báo tổ chức săn Pokémon tập thể tại nhiều địa điểm nổi tiếng ở Paris, Toulouse, Lille, Lyon…, bất chấp tình trạng khẩn cấp vẫn đang có hiệu lực. Sự mong mỏi này rồi cũng được đền đáp.

Ngày 24/07, Pokémon Go chính thức xuất hiện trên Apple Store và Google Play sau khi bị hoãn vì sự kiện khủng bố tại Nice đêm Quốc khánh Pháp 14/07.

Mải bắt Pokemon có thể khiến người chơi gặp tai nạn trên đường.
 Mải bắt Pokemon có thể khiến người chơi gặp tai nạn trên đường.

Vừa thực vừa ảo

Một nhà báo viết: “Nhờ giải thích của một game thủ Pokémon, tôi đã được gia nhập đội ngũ “dính mũi vào màn hình” để hỗ trợ “công trình nghiên cứu” cả đời của giáo sư Saul (trong phiên bản tiếng Pháp hay giáo sư Willow trong phiên bản tiếng Anh) với nhiệm vụ là đi tìm và sưu tập những chú Pokémon “có mặt khắp nơi trên hành tinh. Một số con sống ở những vùng đồng bằng rộng lớn, một số khác sống trên không, ở những nơi núi cao, rừng sâu và đầm lầy…” (giải thích khi đăng ký chơi).

Theo người hướng dẫn: "Đơn giản là người ta sử dụng một phần mềm GPS, kiểu Google Maps. Rồi người ta để bất kỳ một con Pokémon nào ở đâu đó và mình phải đi tìm chúng. Mình phải thực sự đi chứ không thể ngồi ở nhà và chờ Pokémon đến. Những con vật này sẽ hiện trên bản đồ. (…)

Người chơi sẽ đi tìm những con Pokémon khác. Cứ mỗi lần bắt được, họ sẽ có thêm kinh nghiệm và được lên level (trình độ). Khi đạt tới level 5, người chơi sẽ được chọn một trong ba đội (đỏ Valor, vàng Instinct, và xanh nước biển Mystic) để thi đấu với các đội khác".

Còn theo nhận xét của một kỹ sư tin học và cũng là một game thủ: "Trò chơi này cũng mang một chút hơi hướng chính trị. Vì ngoài sưu tập những chú Pokémon, đây cũng là một trò chơi “tranh giành quyền kiểm soát lãnh thổ” mà trong trò chơi được gọi là những “Arènes” (PokéGym). Tại những võ đài này, game thủ thuộc ba nhóm khác nhau, cho các con vật của mình thi đấu. Qua đó, người chơi cố kiểm soát lãnh địa của mình, dù chỉ mang tính biểu tượng.

Ví dụ cách đây vài ngày, rất nhiều game thủ Trung Quốc đã “lừa” được GPS trên điện thoại của họ để chiếm Nghị vịện Nhật Bản, trong khi đáng lẽ ra phải có mặt tại chỗ mới làm được. Còn ở Pháp, tại những địa điểm nổi tiếng, như tháp Eiffel, cũng có rất nhiều nhóm giành nhau kiểm soát những công trình mang tính biểu tượng".

Trong trò chơi còn có những PokéStop và PokéGym. PokéStop được đánh dấu bằng một chấm màu xanh trên bản đồ, thường là những tòa nhà, tượng đài hoặc địa điểm mang tính văn hóa. Tại các PokéStop, game thủ có thể “thả thính” để thu hút Pokémon tới và bắt chúng, hoặc mua được một số mặt hàng như PokéBall hoặc trứng Pokémon, dùng công cụ ấp trứng và nó sẽ nở ra một con Pokémon mới. Còn PokéGym là nơi để thi đấu và để huấn luyện những chú Pokémon”.

Vẫn tác giả trong bài báo trên: “Với trình độ còn non tay, trong vòng bốn ngày, tôi bắt được ba Pokémon. Chiến lợi phẩm thứ ba là một chú Soporifik/Drowzee, ngay trước cơ quan, và bắn trúng ngay cú đầu tiên. Con vật nửa voi nửa heo cũng là chú to nhất: nặng 33,29 kg và cao 1,04 m.

Ba con vật bị sập bẫy chưa thấm vào đâu so với con số 250 theo quy định và để đạt đến cấp độ 5 mới được phép mang vật đi thi đấu hay gia nhập nhóm với những game thủ khác. Nhưng có lẽ hành trình đi bắt Pokemon là quãng thời gian thú vị nhất và phải đi bộ nhiều nhất, như trải nghiệm của một bạn trả lời câu hỏi của tôi trên một diễn đàn”.

Hàng trăm người cùng hội về một điểm trong Công viên Trung tâm Mỹ để "săn" một Pokemon hiếm.
Hàng trăm người cùng hội về một điểm trong Công viên Trung tâm Mỹ để "săn" một Pokemon hiếm.

Tai nạn khi “dính mũi vào màn hình”

Nhược điểm của Pokémon Go, theo nhận xét của người này, là khi “người chơi quá tập trung thì sẽ không chú ý đến giao thông và việc này rất nguy hiểm”. Đây cũng chính là lời cảnh báo khi game thủ bật trò chơi: “Luôn luôn chú ý và quan sát quanh bạn”. 

Sự cố đầu tiên được ghi nhận diễn ra vào hôm 8/7. Một thanh niên bị đâm trọng thương khi mải mê tìm kiếm Pokemon và đi vào khu vực hoang vắng, địa bàn của các băng đảng tội phạm. Cảnh sát cho biết, tội phạm đã tấn công nạn nhân để cướp chiếc iPhone anh chàng này đang chơi.

Một ngày sau, một người khác đã gây ra tai nạn trên đường cao tốc khi dừng xe vì "không muốn để sổng mất con Pikachu".  Nghiêm trọng nhất là hôm 14/7, một người đàn ông đã rơi xuống vực sâu và tử vong trong khi đi săn Pokemon tại bãi biển gần San Diego, California. Người đi cùng cũng bị rơi xuống vực trọng thương và được cứu bằng một sợi dây thừng. 

Tại Mỹ, cảnh sát đã cảnh báo mọi người lưu ý khi chơi, tránh đâm vào gốc cây, các chướng ngại vật hay gây ảnh hưởng khi tham gia giao thông. Cơ quan này còn yêu cầu người dân không gọi số khẩn cấp 911 tìm kiếm Pokemon. Ngoài ra, biển nhắc nhở cũng được đặt trên cao tốc với thông điệp: "Lái xe đi, bắt Pokemon sau".

Thậm chí, trước khi Pokémon Go xuất hiện tại Nhật Bản, chính phủ nước này đã phát hành một tờ rơi gồm một loạt lời khuyên nhỏ, như tránh đi săn Pokémon bằng xe đạp, đội mũ nón khi đi săn lúc trời nắng lớn, không nên đi vào những nơi nguy hiểm, luôn có pin dự phòng, đăng kí dưới một biệt danh để bảo vệ đời tư, cẩn trọng trước những nguy cơ bị đánh cắp dữ liệu…”.

 Pokémon Go, ai được tiền?

Pokémon Go được tải miễn phí, nên game thủ là người được lợi đầu tiên. Điều này cũng giải thích số lượng người tham gia trò chơi này rất đông. Ngoài ra, ai còn có lợi trong trò chơi này? Một kỹ sư tin học giải thích :

“Công ty phát triển trò chơi này là Niantic, cho đến khoảng tháng 11/2015, vẫn là một công ty con của tập đoàn Google. Chỉ cách đây vài tháng, Niantic mới tách ra hoạt động độc lập, nhưng Google vẫn đầu tư vào công ty này. 

Ngoài ra, còn có công ty Nitendo, nhà sản xuất trò chơi điện tử của Nhật Bản, đồng sở hữu bản quyền các trò chơi liên quan đến Pokémon cùng với Pokémon Company, một công ty mà Nitendo là cổ đông, giống như trường hợp của Niantic với Google.

Tất cả những công ty này đều thu được lợi từ trò chơi Pokémon Go. Đây là trường hợp chưa từng có khi rất nhiều tập đoàn lớn cùng “có lợi” trong một dự án như vậy.

Trò chơi được tải miễn phí. Nhưng để khuyến khích các game thủ “tự vệ” nên tại các PokéStop trong trò chơi, họ có thể tiếp tế một số “mặt hàng” bằng PokéPiece, được mua bằng tiền thật (các gói PokéPiece có giá từ 0,99 euro đến 99,99 euro).

Các tập đoàn cũng kiếm tiền được bằng cách này. Tiền sẽ được Niantic thu về, sau đó ba tập đoàn mẹ sẽ chia nhau số tiền đó. Hình như Nitendo đã thông báo mỗi ngày thu về khoảng 1 triệu đô la từ khi phát hành Pokémon Go.

Hiện tại, tôi chưa thấy có các thông tin chính xác về việc các tiểu thương tìm cách đàm phán với các nhà phát triển trò chơi để trở thành một PokéStop nhằm thu hút khách hàng. Nhưng McDonald đã làm việc với Niantic để các tiệm ăn nhanh này trở thành một PokéStop để có thể nâng số lượng khách hàng”.

Đọc thêm

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”
(PLVN) - “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải dù chưa ra rạp song đã nhận sự quan tâm khi quy tụ dàn diễn viên bậc nhất trong cả series, lên đến 50 người. Trong phần phim mới, có nhiều “bóng hồng” xinh đẹp, tài năng cùng góp mặt.

Nam tài tử đời đầu của màn ảnh Việt

Ông ghi dấu bằng vẻ ngoài đẹp trai, tài năng diễn xuất. (Nguồn: Cô Hai Kim Cương)
(PLVN) - Trước những năm 1975, La Thoại Tân cùng với Trần Quang, Lê Quỳnh, Hùng Cường, được mệnh danh là những nam diễn viên điện ảnh tài năng, phong độ nhất của mảnh đất Sài Gòn phồn hoa. Mười sáu năm sau khi La Thoại Tân mất (13/3/2008), người hâm mộ vẫn chưa bao giờ quên chàng nghệ sĩ lịch lãm, với những vai diễn để đời.

Gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu

Sinh viên hào hứng với chương trình Sân khấu học đường. (Nguồn: NVH Sinh viên TP Hồ Chí Minh)
(PLVN) - Nhiều năm qua, không ít nhóm nghệ sĩ tâm huyết đã cố gắng đưa các vở diễn có giá trị nhân văn đến học đường biểu diễn cho các em học sinh. Những nỗ lực này nhằm giúp lan tỏa tinh thần yêu sân khấu đến với thế hệ trẻ, gìn giữ một bộ môn nghệ thuật di sản, đồng thời gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu.

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà"

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà" (ảnh trong phim).
(PLVN) - Trong “Người một nhà”, nghệ sĩ Vân Dung vào vai người mẹ vừa lạ vừa dị. Người mẹ này đã bỏ hai anh em Tuệ để chạy theo cuộc sống riêng và đó cũng là một phần lý do tạo nên tính cách, hoàn cảnh và những xung đột trong cuộc sống của họ.