Ngày 27/8, ông Nguyễn Trần Lanh - Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên- cho biết, UBND huyện Thủy Nguyên đã ra quyết định, yêu cầu Liên hiệp HTX khai thác chế biến khoáng sản Cường Thịnh phải dừng ngay hoạt động thử nghiệm công nghệ sản xuất đất đèn của Nhà máy trên địa bàn xã Lại Xuân.
Trước đó, ngày 22/8, Liên hiệp HTX khai thác chế biến khoáng sản Cường Thịnh cho vận hành hoạt động thử nghiệm Nhà máy sản xuất đất đèn tại xã Lại Xuân. Theo kế hoạch của Nhà máy, thời gian chạy thử của dây chuyền sản xuất đất đèn diễn ra trong bốn ngày, nguyên liệu để sấy khô đất đèn là củi đốt. Tuy nhiên, khi Nhà máy đất đèn vừa tiến hành chạy thử, ngày 23/8, hàng trăm người dân các xã Lại Xuân, Kỳ Sơn, Liên Khê đã kéo đến cổng Nhà máy để phản đối việc Liên hiệp HTX khai thác chế biến khoáng sản Cường Thịnh đưa Nhà máy vào hoạt động.
Theo ghi nhận của các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, người dân đã cắt phá đường vào Nhà máy đất đèn, treo khẩu hiệu, yêu cầu Liên hiệp HTX khai thác khoáng sản Cường Thịnh di chuyển Nhà máy đất đèn đi nơi khác.
Theo phản ánh của người dân, khi Nhà máy hoạt động, khí thải nguy hại từ Nhà máy đất đèn đã khiến bốn người dân xã Lại Xuân, xã Kỳ Sơn bị ngất.... Người dân còn kéo lên UBND huyện Thủy Nguyên để yêu cầu chính quyền vào cuộc.
Theo ghi nhận của cơ quan y tế huyện Thủy Nguyên, bốn người bị ngất đã trình báo có triệu chứng tức ngực, khó thở, nôn ra thức ăn. Cơ sở y tế xác nhận các nạn nhân bị nhiễm khí độc chưa rõ nguyên nhân.
Ngoài ra, người dân xã Lại Xuân còn phản ánh, khi xảy ra vụ việc người dân “phong tỏa” Nhà máy sản xuất đất đèn, chị Nguyễn Thị Minh (SN 1983, HKTT tại thôn 9 xã Lại Xuân) bị lực lượng Công an xã Lại Xuân đánh gẫy chân. Việc chị Minh bị lực lượng Công an xã Lại Xuân đánh gãy chân cũng được PV một số báo phản ánh lên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của CA huyện Thủy Nguyên, chị Minh được CA huyện Thủy Nguyên đưa đi giám định tại Bệnh viện đa khoa huyện Thủy Nguyên, chị Minh không bị bất cứ một vết xây xát nhỏ nào trên cơ thể.
Điều đáng nói, theo ghi nhận của Phòng TN & MT, Thanh tra, Công an, Y tế... huyện Thủy Nguyên, tại thời điểm người dân phản ánh Nhà máy đất đèn xả khí độc gây ô nhiễm môi trường, Nhà máy đất đèn mới vận hành lò đốt bằng nguyên liệu củi, gỗ, chưa có hoạt động trộn nguyên liệu để sản xuất đất đèn.
Đây không phải lần đầu tiên người dân xã Lại Xuân “bao vây” nhà máy sản xuất đất đèn của Liên hiệp HTX khai thác chế biến khoáng sản Cường Thịnh. Năm 2011, người dân cho rằng Nhà máy hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, Nhà máy vẫn đang trong giai đoạn lắp đặt, hoàn thiện các dây chuyền sản xuất, thời điểm này, Nhà máy đất đèn thậm chí còn chưa kéo được điện vào sản xuất.
Do sự việc người dân phản kháng hoạt động của Nhà máy trên địa bàn, Nhà máy đất đèn của Liên hiệp HTX khai thác chế biến khoáng sản Cường Thịnh đã phải dừng thi công từ năm 2011 đến nay. Sau khi được các cơ quan chức năng của Hải Phòng kiểm tra, kết luận dây chuyền sản xuất đất đèn của Nhà máy không gây ô nhiễm môi trường, Liên hiệp HTX khai thác chế biến khoáng sản Cường Thịnh mới tiếp tục lắp đặt thiết bị, dây chuyền sản xuất, đưa vào chạy thử.
Linh Nhâm