Bí mật về tiệc cưới xuyên quốc gia tổ chức nhiều ngày tại Phú Quốc

Cô dâu Kaabia Grewal và chú rể Rushang Shah trong ngày cưới 9/3.
Cô dâu Kaabia Grewal và chú rể Rushang Shah trong ngày cưới 9/3.
(PLVN) - Chuẩn bị cho lễ cưới, họ thuê hai máy bay đưa 700 khách mời từ Ấn Độ sang Phú Quốc cùng hàng chục tấn hàng hoá, trang phục, trang sức, đạo cụ... Phần lớn khách mời của cô dâu, chú rể là những người siêu giàu. 45 đầu bếp, 5 phụ bếp cùng hầu hết thực phẩm sử dụng trong lễ cưới cũng được đưa sang từ Ấn Độ.

Tiệc cưới xuyên quốc gia

Chủ nhân của tiệc cưới này là chú rể Rushang Shah và cô dâu Kaabia Grewal. Rushang Shah và Kaabia Grewal có tiếng trong giới nhà giàu Ấn Độ. Chú rể Rushang Shah sở hữu công ty cung cấp dịch vụ an ninh cho các doanh nhân và chính trị gia... Cô dâu Kaabia Grewal (32 tuổi) đang là đồng sáng lập, sở hữu của hãng trang sức The Outhouse.

Chuẩn bị cho lễ cưới, họ thuê hai máy bay đưa 700 khách mời từ Ấn Độ sang Phú Quốc cùng hàng chục tấn hàng hoá, trang phục, trang sức, đạo cụ... Phần lớn khách mời của cô dâu, chú rể là những người siêu giàu. 45 đầu bếp, 5 phụ bếp cùng hầu hết thực phẩm sử dụng trong lễ cưới cũng được đưa sang từ Ấn Độ.

Đại diện nhà tổ chức cho hay, hơn 225 người bay từ gần 10 quốc gia đến Phú Quốc để phục vụ cho lễ cưới này. Trong đó, 30 người phụ trách lên kế hoạch cho các công đoạn trang phục, làm tóc, trang trí không gian diễn ra các sự kiện... Ngoài ra còn có 145 nhạc công, DJ, ca sĩ, nghệ sĩ múa, ca sĩ opera đến từ các quốc gia: Italy, Mỹ, Thái Lan, Anh, Thuỵ Sĩ, Ấn Độ và Việt Nam luân phiên biểu diễn liên tục phục vụ lễ cưới.

Lễ cưới của Kaabia và Rushang diễn ra liên tục từ ngày 7 đến hết ngày 10/3, với 11 sự kiện chính. Trong đó, phần quan trọng nhất diễn ra tại khu nghỉ dưỡng 5 sao ở thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc với chủ đề riêng cho mỗi ngày.

Cụ thể, ngày 7/3 là Lễ hội màu hồng với tiệc khiêu vũ, dạ hội hoá trang đặc biệt, yêu cầu toàn bộ khách mời đều mặc trang phục màu hồng. Chủ đề thứ hai của lễ cưới mang tên trang phục các dân tộc.

Tối 9/3, đôi uyên ương đã thực hiện nghi lễ để chính thức trở thành vợ chồng. Trong một không gian nhỏ được dựng lên bởi kính và hoa hồng, cô dâu chú rể cùng hai bên gia đình thực hiện nghi lễ cầu nguyện khoảng 60 phút theo nghi thức truyền thống của Ấn Độ; sau đó là tiệc mừng diễn ra trong không gian lung linh ánh nến, đèn màu và hàng nghìn hoa hồng...

Chương trình lễ cưới còn có nhiều hoạt động hấp dẫn khác dành cho các khách quý đến từ Ấn Độ như: thi chạy, làm đèn lồng, sơn nón, ngắm sinh vật biển, ca nhạc, biểu diễn nhạc rock, hát opera... Từng bữa tiệc cũng có chủ đề, màu sắc riêng và các trang phục khác nhau. Khách mời được thưởng thức tiệc buffet với hàng trăm món, bao gồm ẩm thực Ấn Độ, châu Âu, Việt Nam, Nhật Bản.

Chính quyền tỉnh Kiên Giang cho biết địa phương đã tạo mọi điều kiện tốt nhất, an ninh và và an toàn thực phẩm được đảm bảo tuyệt đối cho đám cưới này.

Điểm đến hoàn hảo

Kể về “cơ duyên” dẫn đến đám cưới hoành tráng này, ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ chia sẻ với báo chí, cho hay tháng 11/2018 là thời điểm ông bắt đầu nhiệm kỳ đại sứ, bắt đầu "chiến dịch lôi kéo các đại gia Ấn Độ tổ chức đám cưới tại Việt Nam". 

Đại diện lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đến dự và tặng quà cho cô dâu và chú rể.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đến dự và tặng quà cho cô dâu và chú rể.

Mục tiêu này của Đại sứ được đưa ra sau khi ông nghe một người bạn Ấn Độ tên là Kamal Kumar cho biết nghi lễ này rất nổi tiếng, riêng thiệp mời đã trị giá 80 USD vì đi kèm với rất nhiều quà cho khách. Sau đó, ông Châu được "mục sở thị" khi dự lễ ăn hỏi có quy mô 800 người, lễ cảm ơn hậu đám cưới có đến 1.200 khách tham gia.

Tìm hiểu thêm, Đại sứ càng bất ngờ khi biết chi phí cho đám cưới của các đại gia Ấn Độ trong một năm có thể lên đến 60 tỷ USD. Khách mời không chỉ đông mà còn đa dạng, đến từ ít nhất 12 quốc gia khác nhau. Đó là bạn học và đồng nghiệp của cô dâu, chú rể, bạn bè của gia đình hai bên, họ hàng định cư ở Mỹ, Australia, Canada và đối tác làm ăn ở khắp thế giới.

"Trong suốt nhiều ngày, đi đâu tôi cũng làm quen để dò hỏi: ông/bà đã tổ chức đám cưới cho các con chưa, vì sao không tổ chức ở Việt Nam", Đại sứ Châu kể lại.

Khi nghe câu trả lời "không biết Việt Nam thế nào", ông Châu, một người nhiều năm làm ngoại giao văn hoá cảm thấy "không đành lòng". Ông quyết tâm phải tìm bằng được người thay đổi điều đó. 

Đến tháng 12/2018, điều Đại sứ Châu mong chờ đến, khi ông Nitin Shah, một đại gia ở Mumbai, Ấn Độ, tìm gặp, thông qua Trưởng Thương vụ Việt Nam tại New Delhi, sau khi biết đến lời mời của các nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.

Rất nhanh chóng, ông Châu và gia đình ông Shah cùng thông gia tương lai sắp xếp cuộc gặp gỡ tại nhà hàng để thảo luận về nơi thành hôn của chú rể Rushang Shah và cô dâu Kaabia Grewal.  

"Chúng tôi trò chuyện rất thân tình. Khi nghe ông Shah nói đã đi khảo sát ở 30 quốc gia mà chưa ưng ý, vì muốn tổ chức đám cưới đình đám nhất 2019. Tôi tự tin khẳng định luôn nếu tổ chức ở Việt Nam, gia đình ông sẽ được mãn nguyện", ông Châu kể lại. Tiếp đó, ông giới thiệu các điểm nổi tiếng của Việt Nam, chạy dọc từ Bắc vào Nam. 

Bị thu hút bởi phong cảnh Việt Nam, gia đình ông Shah có thêm bốn cuộc gặp với Đại sứ Châu và năm cuộc họp bàn. Đại diện gia đình hai bên đã đến Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc để khảo sát.

Cuối cùng, Phú Quốc được chọn nhờ có cơ sở hạ tầng đủ đáp ứng được yêu cầu: có bãi biển đẹp, có nhiều không gian để tổ chức các buổi tiệc khác nhau mà không bị trùng lặp về cảnh quan và trang trí, đảm bảo độ riêng tư, thuận lợi về vận chuyển và thủ tục nhập cảnh, có một loạt khách sạn có số phòng đáp ứng quy mô 700 - 800 khách với hai loại rất cao cấp cho khách mời và bình thường cho người phục vụ. Trong đó, Phú Quốc còn đáp ứng có tiêu chí là "nơi chưa có đại gia Ấn Độ nào tổ chức đám cưới".

Những thỏa thuận đặc biệt

"Tôi không khỏi choáng ngợp khi chứng kiến đám cưới, cả về sự cầu kỳ và quy mô. Họ không hề tiết lộ từ trước", Đại sứ Châu kể lại. Để có một đám cưới như ý, ông Châu và gia đình đại gia Ấn Độ đã phải kiên nhẫn cùng xử lý hàng loạt vấn đề, thậm chí có lúc tưởng như hai bên sắp bỏ cuộc. 

Với tiêu chí "đám cưới Ấn Độ đình đám nhất 2019", gia đình ông Shah nêu các yêu cầu như có thảm đỏ ở hai đầu sân bay đón khách, bắn pháo hoa, nhóm múa biểu diễn trong sân bay, đưa rượu lên máy bay tổ chức tiệc.

Tuy nhiên các quy định của Việt Nam không cho phép cá nhân thực hiện các đề nghị đó.  Đại sứ Châu phải nói rõ với gia đình họ là lần đầu tổ chức thì cũng có một số điều chưa xử lý ngay được, những gì có thể thì Việt Nam đều đáp ứng hết, trong đó có thông báo trên loa ở sân bay chào mừng khách đến, phát thiệp mời và kẹo trên máy bay. 

Đại sứ Châu cũng đích thân đứng ra dàn xếp việc thuê máy bay để đưa 800 khách mời đến đám cưới. May mắn có một hãng hàng không Việt Nam nhận lời, sau khi bốn hãng khác của cả Việt Nam và Ấn Độ từ chối. Cơ quan quản lý hàng không hai nước cũng phải thảo luận để bỏ quy định "chở đi bao nhiêu khách thì về phải đúng bấy nhiêu", tạo điều kiện cho nhiều người ở lại Việt Nam đi tham quan thêm.

Sau khi mọi việc diễn ra suôn sẻ, Đại sứ Châu giữ liên lạc thường xuyên với gia đình ông Shah. Đại gia này thông báo đã nhận được hơn 100 cuộc gọi từ các bậc phụ huynh ở Ấn Độ, họ muốn tìm hiểu thêm về việc chuẩn bị lễ cưới cho các con của mình ở Việt Nam. Trước đây, các đại gia Ấn Độ chủ yếu tổ chức đám cưới ở Phuket (Thái Lan), Bali (Indonesia), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và một số đảo ở Tây Ban Nha. 

Không gian tiệc cưới sang trọng.
Không gian tiệc cưới sang trọng.

Đại sứ Châu cho hay ông rất lạc quan rằng sẽ có thêm nhiều đám cưới của Ấn Độ được tổ chức ở Việt Nam. Hai bên cũng có thể kết hợp tăng cường trao đổi các dự án đầu tư, xuất các sản phẩm hoá sinh, tranh vẽ sang Ấn Độ.

"Để đón chờ nhiều đám cưới Ấn hơn, tôi cho rằng Việt Nam nên xem xét áp dụng linh hoạt các quy định để đáp ứng nhu cầu của giới nhà giàu. Đồng thời những nơi cung cấp dịch vụ cũng cần tìm hiểu kỹ văn hoá, tôn giáo của Ấn Độ để không lúng túng", ông Châu gợi ý.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Việt Nam phát biểu chung đại diện nhóm các nước tại Khóa họp 55 Hội đồng Nhân quyền

 Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Anh Hiển/TTXVN
(PLVN) - Theo tin từ Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại thế giới và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva, trong khuôn khổ Khóa họp 55 của Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) LHQ tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 27/3, Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn đã có bài phát biểu chung trong Phiên thảo luận chung tại đề mục về việc theo sát và thực hiện Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA) với chủ đề về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu người dân trong xung đột vũ trang, thu hút đông đảo các nước tham gia quan tâm và đồng bảo trợ.

Việt Nam – Hoa Kỳ thúc đẩy việc triển khai các thỏa thuận cấp cao

Hình ảnh tại Đối thoại.
(PLVN) - Nhận lời mời của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và triển khai thực hiện Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tháng 9/2023 về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện, ngày 25/3, tại thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Antony Blinken đã đồng chủ trì Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ nhất.

Pháp nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất

Tháp Eiffel là biểu tượng nổi tiếng và hấp dẫn nhất của thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: REUTERS/Sarah Meyssonnier.
(PLVN) - Chính phủ Pháp đã nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất sau vụ xả súng đẫm máu tại nhà hát ở ngoại ô Moscow, Nga. Thông báo được đưa ra sau cuộc họp giữa các quan chức an ninh và quốc phòng cấp cao của Pháp với Tổng thống Emmanuel Macron.

Lái máy bay khi say rượu, phi công Mỹ bị kết án tù

Ông Lawrence Russell Jr bị phát hiện uống rượu vượt quá giới hạn cho phép của hãng hàng không gấp gần 2,5 lần.
(PLVN) - Phi công Lawrence Russell (63 tuổi), một công dân Mỹ, vừa bị kết án 10 tháng tù tại Scotland sau khi bị phát hiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép trong máu trước khi tiến hành chuyến bay xuyên Đại Tây Dương vào ngày 16 tháng 6 năm 2023.

Chưa ghi nhận công dân Việt Nam gặp nạn trong vụ tấn công khủng bố tại Nga

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng.
(PLVN) - Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, đến nay, chưa ghi nhận có công dân Việt Nam là nạn nhân trong vụ việc. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán đang khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại bám sát tình hình, sẵn sàng các biện pháp bảo hộ cần thiết trong trường hợp có công dân Việt Nam gặp nạn.