Phương pháp cơ bản
Tại Ai Cập thời kỳ tiền vương triều (trước năm 3100 trước Công nguyên), các thi thể được bọc trong da hoặc vải lanh và chôn vào các huyệt nông trong sa mạc. Nếu các thi thể này không bị lũ chó hoang phát hiện hoặc bị quấy nhiễu thì cát khô nóng của sa mạc sẽ rút đi chất ẩm trong mô mềm, làm cho các xác khô quắt lại như da thuộc, nhưng hàng ngàn năm sau vẫn còn có thể nhận ra được.
Việc chôn xác trong các ngôi mộ đơn giản vẫn tiếp tục bình thường với nông dân, nhưng trong thời vương triều, các buồng chứa xác của Pharaoh và bậc quyền quý ngày càng trở nên tinh vi.
Điều không may là khi để các thi thể vào sâu trong các ngôi mộ dưới đất là nơi tương đối mát và ẩm, lại càng làm cho các điều kiện thối rữa dễ tác động. Nếu các vị Pharaoh vừa muốn hưởng một nơi an nghỉ lịch sự lại bảo vệ tốt thi thể thì cần các phương pháp mới để chuẩn bị thi thể cho một cuộc sống vĩnh hằng.
Có nhiều điều thêu dệt quanh các bí mật của kỹ thuật ướp xác Ai Cập, nhưng các bước đều cơ bản: Lấy hết nội tạng, làm khô xác hoàn toàn rồi bọc lại. Qua khoảng 3.000 năm, phương pháp và chất lượng công việc thợ ướp xác có thay đổi, nhưng phương pháp cơ bản hầu như không thay đổi.
Một phương thức bí mật và kỳ bí chắc chắn sẽ bảo đảm cho một lộ trình tốt đến cõi vĩnh hằng. Thay vì dùng cát khô, nóng hoặc nước muối có dấm, thợ ướp xác sử dụng bột muối nở (natron - hỗn hợp tự nhiên nhiều loại muối) làm chất làm khô và họ lấy đi các tạng dễ bị thối rữa nhanh. Quả tim, vốn được coi như là “trung tâm của trí tuệ” được để nguyên bên trong cơ thể.
Học giả Herodotus để lại nhiều tài liệu về cách ướp xác, nhưng ý kiến của vị này bị đánh giá chứa nhiều điểm đáng ngờ và chỉ đề cập đến giai đoạn sau, có thể đã bị mai một của kỹ thuật này. Theo Herodotus, có 3 phương pháp ướp xác thay đổi tùy theo giá cả và có bao gồm toàn bộ xác hay không.
Theo quy trình “hạng nhất”, thì thợ ướp xác sẽ moi lấy não bộ bằng một cái móc sắt qua lỗ mũi. Ruột thì lấy qua một đường cắt bên hông, ổ bụng được rửa bằng rượu cọ và hương thơm, sau đó nhét vào bụng những loại hương liệu, và cái xác bị móc ruột đó được ngâm trong natron khoảng 70 ngày. Khi quá trình ướp hoàn tất, người ta đem rửa cái xác, lấy vải len mềm quấn lại, bôi nhựa lên rồi cho vào một hòm gỗ mang dạng hình người.
Nếu được yêu cầu cách ướp xác tiết kiệm hơn, thì thợ ướp xác sẽ bỏ qua công đoạn móc lấy não bộ và móc ruột. Thay vào đó, họ bơm vào bụng một lượng “dầu bách hương” qua đường hậu môn và sau đó ướp xác bằng natron.
70 ngày sau, họ rút nút chặn ở hậu môn và tháo dầu có lẫn các phủ tạng phân rã ra ngoài. Cái xác giờ đây chỉ còn có da và xương, được trả lại cho thân nhân. Người nghèo hơn có thể mong chờ một cách tháo thụt đơn giản để làm sạch ổ bụng và sau đó ướp xác trong 70 ngày.
Quan điểm sai lệch về “bột xác ướp” thời Trung cổ
Nhiều ý kiến sau này cho rằng Herodotus đã nhầm lẫn một vài chi tiết trong quy trình ướp xác. Những nguồn tài liệu khác cho thấy thợ ướp xác sử dụng dầu cây bách xù (juniper) thay vì dầu bách hương và toàn bộ quy trình ướp xác mất 70 ngày, nhưng trong đó có 40 ngày dành cho việc làm kiệt nước của cái xác bằng cách nhét bên trong và chèn bên ngoài các bao chứa bột muối nở dạng viên nhỏ.
Đôi khi, thợ ướp xác dùng tới các phương thức đơn giản hơn, không cần moi các tạng và nhét vào đó hành và tỏi thay vì các chất bảo quản có mùi thơm đúng cách.
Một đoàn thám hiểm người phương Tây tại Ai Cập đầu thế kỷ 20 |
Trên nhiều xác ướp cũng thấy được tay nghề kém và sự gian lận trắng trợn với các phủ tạng bị cắt xẻo, xương bị mất hoặc bị gãy, hài cốt của động vật hoặc những mảnh gỗ được nhét vào cho đầy. Các nhà hóa học đã cố tái tạo và phân tích thành phần của những chất bảo quản thời xa xưa.
Một số nhà khoa học tin rằng người ta dùng một chiết xuất của gỗ bách hương bởi vì gỗ bách hương có chứa chất guaiacol mà dầu cây bách xù không có. Các nhà hóa học có thể so sánh các xác ướp có dầu bách hương với những mẫu xác khác không sử dụng vật liệu ướp xác. Dầu bách hương ngăn được sự phát triển của vi khuẩn và rất hiệu quả để bảo quản các mô.
Một trong những cách sử dụng kỳ dị nhất vào thời Trung cổ với xác ướp Ai Cập là đem nghiền xác ướp thành bột để đắp chữa các vết thương và máu bầm. Đến cuối thế kỷ 16 “bột xác ướp” được bán ở tất cả các tiệm thuốc ở châu Âu.
Cái khôi hài khi chế tạo thuốc bằng cách phá hủy hài cốt mong có một cuộc sống vĩnh cữu đã được một thầy thuốc người Anh, Thomas Browne (1605-1682) tác giả bộ “Religio Medici” (1642), ghi nhận. Ông nhận xét là các xác ướp được thời gian và những nhà chinh phục thời trước “cất giữ thì nay lại được tiêu thụ. Xác ướp đã trở thành hàng hóa... và Pharaoh bị bán làm thuốc cao”.
Nhiều năm sau, khi cao trào “bột xác ướp” qua đi, phát minh ra tia X của William Konrad Roentgen đã làm cho phương Tây chú ý trở lại những cổ vật Ai Cập. Trong suốt thời gian ban đầu, có khoảng 8.000 xác ướp được nghiên cứu vội vã và sơ sài.
Tại trường Y khoa Cairo, bộ ba nhà khoa học gồm Grafton Elliot Smith - giải phẫu học, Marc Armand Ruffer - vi trùng học, và Alfred Lucas - hóa học, đã tiên phong đưa ra phương pháp phân tích các mô xác ướp và làm thực nghiệm với các phương pháp ướp xác.
Gần đây nhất, các nhà cổ sinh bệnh học đã khảo sát các xác ướp bằng X quang, kính hiển vi điện tử, phân tích hóa học, miễn dịch và các kỹ thuật phân tích khác. Những xác ướp được bảo quản tốt cung cấp các thông tin về các bệnh ký sinh trùng, chấn thương, nhiễm trùng, bệnh chuyển hóa và các khuyết tật di truyền.
Sự đầy rẫy các bệnh tật hoành hành tại Ai Cập thời cổ đại đã củng cố cơ sở cho một nhận xét là đất nước này thời xưa có các thầy thuốc có trình độ chuyên nghiệp cao chuyên chữa những bệnh về mắt, đầu, răng, dạ dày và nhiều bệnh ít biết đến khác.
Không phải tất cả các thầy thuốc thời cổ đại đều là thầy thuốc chuyên khoa và còn có bằng chứng là những chuyên gia, thầy thuốc tổng quát, tu sĩ, và thầy pháp đều làm việc nhịp nhàng và giới thiệu bệnh nhân cho nhau khi cần thiết.