Những con số gây sốc
Trong tuần qua, dư luận Mỹ chấn động trước việc bồi thẩm đoàn bang Pennsylvania, Mỹ công bố thông tin từ 6 giáo phận Công giáo tại địa phương, theo đó cho thấy hơn 300 linh mục bị tố cáo đã xâm hại tình dục hơn 1.000 trẻ em.
Các vụ việc được cho là đã xảy ra trong suốt 7 thập kỷ qua, từ năm 1947 cho đến gần đây. “Trước đây đã có nhiều báo cáo về tình trạng trẻ em bị xâm hại trong các Nhà thờ Công giáo nhưng con số chưa bao giờ kinh khủng như vậy. Nhiều người trong chúng ta còn nghĩ rằng những câu chuyện như vậy xảy ra ở một nơi xa xôi nào đó nhưng giờ chúng ta biết được sự thật rằng những việc đó diễn ra ở khắp mọi nơi, không loại trừ ở ngay quanh ta”, báo cáo của bồi thẩm đoàn cho hay.
Đặc biệt, báo cáo cũng khẳng định đã xảy ra tình trạng bao che ở các nơi bị tố để xảy ra sai phạm. “Điều quan trọng nhất đối với giới lãnh đạo các giáo phận tại địa phương đó không phải là giúp những nạn nhân là những đứa trẻ mà là tránh tai tiếng. Các linh mục đã hiếp dâm nhiều cô bé, cậu bé nhưng cấp trên của họ không những không làm gì mà còn giấu nhẹm vụ việc trong nhiều thập kỷ. Các Đức ông, hồng y, tổng giám mục, giám mục và giám mục phụ tá thường được bảo vệ khỏi luật pháp. Một số người còn được thăng chức”, báo cáo tiết lộ.
Bản báo cáo nói trên là kết quả điều tra kéo dài 2 năm của bồi thẩm đoàn ở Pennsylvania, nhắm vào các giáo phận Allentown, Erie, Greensburg, Harrisburg, Pittsburgh và Scranton. Tại những giáo phận này có tổng cộng khoảng hơn 1,7 triệu giáo dân. Tại cuộc họp báo về vụ việc được tiến hành hôm 14/8, Tổng chưởng lý bang Pennsylvania Josh Shapiro gọi bản báo cáo của bồi thẩm đoàn bang là “bản báo cáo có quy mô lớn và toàn diện nhất về vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em tại Nhà thờ Công giáo từng được đưa ra ở Mỹ”. Tuy nhiên, con số thực sự được cho là có thể còn cao hơn rất nhiều. “Chúng tôi tin rằng số hồ sơ nạn nhân bị thất lạc hoặc số trẻ không dám tố cáo có thể lên đến hàng nghìn trường hợp”, báo cáo cho biết.
Về phía các nạn nhân, trong báo cáo, nhiều nạn nhân cho biết họ đã phải chịu đựng nhiều tổn thương về cả thể chất và tinh thần sau khi bị xâm hại. Có người nói rằng họ đã gặp nhiều khó khăn trong việc thể hiện tình cảm với người thân, bạn bè vì cảm giác sợ hãi bị xâm hại khi còn nhỏ. Tuy nhiên, các nạn nhân cũng khẳng định họ không muốn trả thù giáo hội Công giáo mà chỉ muốn những kẻ xâm hại tình dục họ phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.
Một người đàn ông tố cáo bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ. |
Hồi tháng này, giáo phận Harrisburg đã công bố tên của 71 linh mục và các thành viên khác trong giáo hội địa phương bị cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ nhỏ. Người đứng đầu giáo phận Harrisburg Ronald Gainer đã lên tiếng xin lỗi về các vụ việc. Song, một thành viên trong bồi thẩm đoàn bang Pennsylvania cho biết, chỉ có 2 trong số các linh mục bị cáo buộc có hành vi sai trái bị truy tố trách nhiệm hình sự, số còn lại hoặc đã qua đời hoặc thời hiệu truy tố đã hết vì các vụ xâm hại đều xảy ra từ quá lâu.
Một số linh mục cũng như cựu linh mục bác bỏ các cáo buộc chống lại họ đã đòi hỏi phải xóa tên của họ trong bản công bố ra ngoài. Theo các thành viên trong bồi thẩm đoàn bang Pennsylvania, “chương” về bê bối xâm hại tình dục trong Nhà thờ Công giáo ở Mỹ vẫn chưa thể khép lại nếu tình trạng trên chưa chấm dứt.
Vẫn còn dấu hiệu bao che
Bê bối lạm dụng tình dục trẻ em trong các giáo phận của Mỹ bắt đầu bùng nổ vào năm 2002, khi tờ The Boston Globe khởi đăng một loạt bài điều tra cho thấy, trong khoảng thời gian từ năm 1984 đến năm 2002, các linh mục trong giáo phận Boston thuộc bang Massachusetts đã lạm dụng tình dục hàng trăm trẻ em. Tuy nhiên, các vụ việc đều bị ém nhẹm. Các linh mục phạm tội ấu dâm chỉ bị luân chuyển trong giáo phận Boston còn cha mẹ của các nạn nhân hoặc cảnh sát không hề được thông báo về những việc đã xảy ra với con em họ. Vụ việc sau khi bị công bố đã khiến Hồng y Bernard Law – Tổng Giám mục thành phố Boston lúc bấy giờ - phải từ chức vì thiếu trách nhiệm và che giấu sai phạm.
Vụ việc sau khi bị phanh phui đã làm rúng động Giáo hội Công giáo Mỹ, đồng thời châm ngòi cho làn sóng tố cáo lạm dụng tình dục trên khắp nước này cũng như nhiều nước khác ở châu Âu. Chỉ riêng tại Mỹ, các giáo phận trên khắp cả nước đã phải đối mặt với những tiết lộ về hành vi lạm dụng tình dục xảy ra tràn lan. Tại một số nơi, các giáo phận đã tự nguyện đứng ra công khai kết quả điều tra để làm trong sạch đội ngũ. Tại các giáo phận ở các thành phố như Boston; Los Angeles; Seattle; Portland ở Oregon; Denver; San Diego; Louisville, Kentucky… các giáo phận đã phải trả hàng triệu USD để dàn xếp các đơn kiện với các nạn nhân.
Tuy nhiên, một vấn đề được nhiều người đặt ra là việc công khai danh tính của các linh mục bị tố có hành vi sai phạm chưa được làm nghiêm túc và triệt để. Theo thống kê, cho đến nay mới chỉ có khoảng 40 trong tổng số gần 200 giáo phận ở Mỹ đã công bố danh sách các linh mục bị cáo buộc có hành vi lạm dụng trẻ em và mới chỉ có 9 cuộc điều tra do công tố viên hoặc bồi thẩm đoàn tiến hành. Kết quả những cuộc điều tra đó đều đưa tới những con số giật mình. Ví dụ như trong trường hợp mới nhất ở 6 giáo phận tại Pennsylvania đã có 300 linh mục bị tố lạm dụng tình dục hơn 1.000 nạn nhân. Tại Boston, ít nhất 250 linh mục và hơn 500 nạn nhân. Theo một con số thống kê, hơn 17.000 người trên cả nước đã Mỹ đã trình báo bị các mục sư và những người khác tại các giáo phận lạm dụng tình dục trong khoảng thời gian từ năm 1950 đến nay.
Sửa luật để giúp các nạn nhân
Ông Phil Saviano – một người đàn ông ở bang Massachusetts cáo buộc một mục sư lạm dụng tình dục ông vào những năm 1960, khi ông mới 11 tuổi – cho biết ông hy vọng rằng báo cáo của bồi thẩm đoàn ở Pennsylvania sẽ là hồi chuông báo động, khiến cơ quan công tố ở các bang khác mở các cuộc điều tra tương tự. Ông Saviano cũng cho rằng các giáo phận sẽ không công bố danh tính của các linh mục bị tố có sai phạm trừ khi bị buộc phải làm vậy.
Luật sư Mitchell Garabedian ở Boston cũng cho biết ông đã đại diện cho khoảng 3.000 nạn nhân bị các linh mục lạm dụng tình dục. Để phục vụ công việc của mình, ông đã gửi thư cho khoảng 24 giáo phận để nêu chi tiết các thông tin mà ông nhận được nhưng đều bị từ chối phúc đáp với lý do các vụ việc đã hết thời hạn khởi tố.
Liên quan đến vấn đề này còn một tình trạng nữa là ở nhiều bang tại Mỹ, thời hạn tố cáo chỉ cho phép những người bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ đệ đơn kiện dân sự cho đến năm họ 21 tuổi. Sau cuộc khủng hoảng vì hàng loạt những vụ tố cáo như đã nói ở trên, một số bang đã sửa luật, thay đổi về thời gian khởi tố nhưng ở nhiều bang khác, luật vẫn không được thay đổi, khiến việc kiện đòi công lý của các nạn nhân trở nên khó khăn hơn. Trong vụ việc ở Pennsylvania, bồi thẩm đoàn cũng thông báo hầu hết các vụ việc đã hết thời gian truy tố hình sự.
Về phía giáo hội Công giáo, trong những năm gần đây, các giám mục của Mỹ đã tiến hành một loạt những cải cách, trong đó có việc kiểm tra lý lịch bắt buộc đối với các linh mục và nhân viên giáo hội, đình chỉ những người đang bị điều tra… Tuy nhiên, linh mục Thomas Reese cho rằng như vậy là chưa đủ. Theo ông, các giáo phận cần phải thuê các nhóm bên ngoài để tiến hành điều tra độc lập về những cáo buộc mà họ nhận được và sau đó công khai kết quả.