Khi nhà báo nói trên liên hệ với chủ trang mạng yêu cầu gỡ bỏ những hình ảnh vi phạm bản quyền, người này thản nhiên cho biết mình lên mạng tìm hình và tải về, rồi chỉnh sửa “nâng cấp” cho ảnh đẹp, sáng sủa hơn nên gắn tên vào. Thậm chí người này còn tuyên bố “đó là chuyện thường, ai cũng làm vậy”.
Trưởng ban Văn hoá một tờ báo ở TP HCM mới đây cũng bức xúc vì các hình ảnh do anh chụp và thông tin độc quyền của anh từ phía gia đình các nghệ sĩ, do anh đăng tải trên trang cá nhân của mình bị nhiều đối tượng lấy về đăng trên các trang giải trí, biến thành của mình với nhiều thông tin “câu view” giật gân, sai sự thật. Nam nhà báo khẳng định, mọi hình ảnh trên Facebook cá nhân là thuộc sở hữu của anh, mọi hành vi lấy để sử dụng vào mục đích riêng, không xin phép là vi phạm pháp luật.
Có một thời gian dài, nhiều nghệ sĩ đã hết sức mệt mỏi vì bị nhiều đối tượng trên mạng xã hội lập Facebook giả mạo mình đi lừa đảo fan hâm mộ. Sau một thời gian nghệ sĩ lên tiếng mạnh mẽ, cộng đồng truy tìm, tẩy chay, cùng với chính sách “tick xanh” cho chính chủ, hiện nay hiện tượng giả mạo trang cá nhân người nổi tiếng đã lắng xuống.
Nhưng mới đây, mạng xã hội lại rộ lên sự việc hàng loạt tài khoản tự nhận fan hâm mộ của một số nghệ sĩ cải lương để liên tục cập nhật thông tin, hình ảnh nghệ sĩ đến khán giả. Trong nhiều bài viết trên các trang này, người lập trang có lúc xưng là “đại diện fan hâm mộ”, nhưng cũng có lúc thay lời nghệ sĩ để gửi lời thăm hỏi đến người mộ điệu. Không chỉ thế, nhiều bài viết còn kêu gọi lên tiếng để các nghệ sĩ giành danh hiệu, hoặc kêu gọi quyên góp ủng hộ nghệ sĩ. Các trang này nhanh chóng có được lượng tương tác khổng lồ.
Thực tế, chuyện dùng hình ảnh nghệ sĩ để “câu view” ngày càng phổ biến trên mạng xã hội. Không ít trang Fanpage, hội nhóm, kênh Youtube… đã lấy các hình ảnh trên báo chí, trên trang cá nhân của người khác… gắn thêm chữ, thêm logo để biến thành của mình. Cùng với cách giật tựa “câu view”, các trang này thu hút một lượng lớn người xem và có sức ảnh hưởng không nhỏ, đồng thời cũng trục lợi từ hành vi này, khiến hình ảnh nghệ sĩ bị ảnh hưởng ít nhiều, nhiều người hâm mộ chân chính bị lừa đảo, trục lợi.
Không thể phủ nhận, trên mạng xã hội có tồn tại những trang mạng lập ra để làm nơi gặp gỡ của những người hâm mộ nghệ sĩ. Hoạt động của họ đàng hoàng, xuất phát từ tấm lòng yêu nghệ thuật. Tuy nhiên, nhiều kẻ đã lợi dụng tình hình này để lập ra các trang FC mạo danh, vừa “lách luật” vì không giả mạo chính nghệ sĩ, vừa lợi dụng tình hình các nghệ sĩ cải lương ít tương tác mạng xã hội để “câu view”, lừa gạt khán giả.
Thế nên, thiết nghĩ, tới đây khi bỗng dưng phải đối mặt với tình huống này thì để bảo vệ mình, các nạn nhân của nạn mạo danh trên mạng xã hội cần tiến hành thu thập bằng chứng để đề nghị cơ quan chức năng can thiệp, xử lý.