Bị lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, người dân nên làm gì?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLVN) - Bạn đọc Nguyễn Minh Ngọc hỏi: Gia đình tôi cho một người hàng xóm vay 400 triệu đồng trong thời hạn 3 năm, có giấy vay tiền và có chữ ký của người vay. Tuy nhiên, 11 năm qua, gia đình tôi nhiều lần đến yêu cầu người hàng xóm trả số tiền trên nhưng người này lại nói là không vay tiền và chữ ký trong giấy vay tiền là giả mạo. 

Vậy cho tôi hỏi, nếu kết quả giám định cho thấy chữ ký trên giấy vay tiền là đúng của người hàng xóm thì người đó có bị xử lý theo tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản không? Và việc giám định chữ ký thì giám định ở đâu và thủ tục như thế nào?

Vay tiền không trả là vi phạm pháp luật

Về vấn đề trên, Bộ Công an cho biết, hợp đồng vay tiền là một trong những hợp đồng dân sự phổ biến hiện nay, tồn tại rất nhiều trong đời sống xã hội cho dù là thành thị hay ở nông thôn. Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”. 

“Như vậy, đầu tiên cần khẳng định rằng, hành vi vay tiền nhưng không trả là hành vi vi phạm pháp luật” – Bộ Công an cho biết. Cụ thể, điều này được thể hiện rõ tại Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau: “1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. 2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý…”. 

Ngoài ra, Bộ Công an cũng cho biết, khi đến hạn mà người vay không trả tiền, ngoài các trường hợp vi phạm nghĩa vụ dân sự thông thường nêu trên thì có thể liên quan đến trách nhiệm hình sự khi người vay thực hiện một số hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 4 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:  Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm. 

4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. 

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Bị hại nên làm gì?

Theo đó, Bộ Công an cho biết, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, căn cứ các điều 144, 145 và 146 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, người bị hại cần làm đơn tố giác tội phạm gửi đến Cơ quan điều tra (CQĐT) cấp huyện nơi cư trú kèm theo các đồ vật, tài liệu có liên quan trực tiếp đến việc giải quyết tố giác về tội phạm như: Giấy vay tiền có chữ ký của người vay, bản ghi âm cuộc giao dịch vay tiền, nội dung tin nhắn vay tiền hay nội dung email, người làm chứng xác nhận có vay tiền…; Đề nghị CQĐT tiến hành điều tra làm rõ vụ việc.

Sau khi tiếp nhận đơn, CQĐT sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh và tiến hành các hoạt động điều tra như: Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; Trưng cầu giám định…

Nếu người vay tiền của bạn khai không vay tiền của bạn và chữ ký trên giấy vay tiền là giả mạo nhưng kết quả trưng cầu giám định cho thấy chữ ký trên giấy vay tiền là đúng của người hàng xóm của bạn thì CQĐT sẽ xem xét, đánh giá những tài liệu đã xác minh, thu thập nhằm làm rõ người này có “thủ đoạn gian dối” hoặc thực hiện một trong các hành vi được quy định tại khoản 1 Điều 175 Bộ luật Hình sự để chiếm đoạt tài sản của bạn hay không? 

Nếu có đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh thì CQĐT sẽ ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” để tiến hành điều tra theo luật định. 

Trong trường hợp có một trong các căn cứ quy định tại Điều 157 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì CQĐT sẽ ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Khi đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại TAND cấp huyện nơi bạn cư trú. Trình tự, thủ tục khởi kiện vụ án tranh chấp hợp đồng dân sự về vay tài sản tại TAND bạn có thể tham khảo tại Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

Về giám định chữ ký, hiện nay, Viện Khoa học hình sự; Phòng Kỹ thuật hình sự Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là các tổ chức giám định tư pháp công lập có chức năng giám định chữ ký. Để kết quả giám định có giá trị pháp lý, bạn nên liên hệ với TAND hoặc cơ quan công an nơi gia đình bạn cư trú để được giải quyết theo đúng thẩm quyền và trình tự pháp luật.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Đọc thêm

Người đi bộ vi phạm giao thông sẽ bị xử lý thế nào?

Ảnh minh họa
(PLVN) - Thực tế cho thấy, có nhiều người đi bộ bắt xe, tập thể dục trên làn đường khẩn cấp của đường cao tốc, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông. Vậy người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ sẽ bị xử lý thế nào?

Người lao động tự do xin xác nhận thu nhập để mua nhà ở xã hội tại đâu?

Luật sư Tống Chí Cường.
(PLVN) - Bà Nguyễn Mừng (Hà Nội) hỏi: Hai vợ chồng tôi là lao động tự do, không có hợp đồng lao động, tổng thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng dưới 30 triệu đồng. Hiện vợ chồng tôi có nhu cầu mua nhà ở xã hội để ổn định cuộc sống. Xin hỏi, gia đình tôi cần đến cơ quan nào để xin xác nhận về điều kiện thu nhập?

Một bạn đọc phản ánh 'bị chậm bàn giao tài sản trúng đấu giá': Trả lời của Cục Thi hành án dân sự Vĩnh Phúc

Cục THADS tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: Nguyễn Tuấn)
(PLVN) - Liên quan phản ánh của ông Đỗ Văn Hiếu (ngụ xã Liên Châu, huyện Yên Lạc) cho rằng có việc chậm bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá, đại diện Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, người phải thi hành án (THA) không tự nguyện thi hành, vụ việc phức tạp, Chi cục THADS huyện Yên Lạc đang phối hợp tuyên truyền, vận động, chuẩn bị cưỡng chế giao tài sản theo quy định.

Doanh nghiệp có được cắt giảm nhân sự do ảnh hưởng bởi thiên tai?

Luật sư Đoàn Trung Hiếu.
(PLVN) -  Bạn Ngọc Minh (Lào Cai) hỏi: Doanh nghiệp của tôi đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai. Việc kinh doanh bị đình trệ, doanh thu giảm sút và doanh nghiệp không thể duy trì số lượng nhân sự như trước. Xin hỏi, theo quy định pháp luật hiện hành thì doanh nghiệp có thể cắt giảm nhân sự với lý do thiên tai không? Nếu có, doanh nghiệp cần tuân thủ những điều kiện và thủ tục nào?

Văn hóa pháp lý từ vụ kiện tờ vé số

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) -  Vụ án người mua vé số thắng kiện một Cty Xổ số tại miền Trung vừa khép lại là minh chứng rõ ràng cho sức mạnh pháp luật, vai trò của cách ứng xử văn minh trong xã hội hiện đại…

Xây dựng Trường tiểu học Bình Hưng Hòa A: Người dân mong được đền bù, hỗ trợ thỏa đáng hơn khi bị thu hồi đất

Dự án Trường tiểu học Bình Hưng Hòa A đang được triển khai xây dựng nhưng chưa thực hiện xong việc đền bù, hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất.
(PLVN) - Phản ánh về quá trình triển khai xây dựng Trường tiểu học Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh), một số người dân có đất bị thu hồi bày tỏ quan điểm là rất ủng hộ việc xây dựng trường học để con em có chỗ học hành tử tế, nhưng băn khoăn về phương án bồi thường, hỗ trợ khi bị thu hồi đất.

Tìm hiểu về những ưu điểm của loại hình doanh nghiệp tư nhân

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)
(PLVN) - Trong số các loại hình doanh nghiệp tại nước ta, doanh nghiệp tư nhân (DNTN) là một loại hình doanh nghiệp (DN) khá quen thuộc và phổ biến. Đây không chỉ là loại hình doanh nghiệp có hình thức tổ chức đơn giản mà còn mang nhiều ưu điểm đặc biệt phù hợp với nền kinh tế của Việt Nam nên đã được các nhà đầu tư lựa chọn.