Afghanistan là một trong những nước có tỉ lệ tảo hôn cao nhất thế giới. Ước tính, khoảng từ 60 đến 80% các cuộc hôn nhân ở nước này là ép buộc và cô dâu thường là những thiếu nữ còn rất trẻ. Đây là một phần nguyên nhân của nạn tự thiêu đang nhức nhối tại nhiều làng quê Afghanistan.
Aatifa đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: AFP |
Quằn quại trên giường bệnh với những vết thương rỉ máu cả ra ngoài lớp băng dày trắng toát, Aatifa rên lên từng hồi đau đớn khi các bác sỹ đang chuẩn bị làm phẫu thuật cấy ghép da cho cô. Ánh lên trong đôi mắt của cô gái 16 tuổi là những tia nhìn đầy giận dữ.
Cô gái trẻ nức nở trong dòng nước mắt khi kể về nguyên nhân dẫn cô đến quyết định tự thiêu, như một hành động chống lại sự bất công mà mình phải chịu đựng. Kể từ khi bước chân vào nhà chồng ở tuổi 14 – độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, nói gì đến thu vén gia đình - Aatifa thường xuyên bị mẹ chồng mắng mỏ.
Không chỉ vậy, bà còn xúi người chồng vũ phu của Aatifa đánh đập vợ chỉ vì mẹ của Aatifa rất hay đến thăm con gái. Trước những trận đòn roi của chồng, Aatifa đã làm đơn tố cáo gửi nhà chức trách nhưng đáp lại chỉ là những lời nhiếc móc về “tội” thích gây rắc rối.
Chừng ấy vẫn chưa đủ, chỉ hơn 1 năm sau ngày cưới, người chồng lạnh lùng tuyên bố đã chán Aatifa và muốn cưới vợ hai. Chơi vơi trong cảm giác giận dữ và chán nản, cô gái trẻ đã dại dột quyết định tự kết liễu cuộc đời để trốn tránh thực tại. Aatifa đã tẩm xăng khắp người và tự biến mình thành ngọn đuốc sống ngay bên ngoài ngôi nhà của cô.
May mắn thay, một người anh đã phát hiện ra và dập đám cháy trước khi những người hàng xóm đưa Aatifa tới bệnh viện trong tình trạng bỏng đến 2/3 diện tích cơ thể.
“Cháu chỉ muốn kết thúc cuộc sống của mình. Cháu có thể làm gì được nữa. Cháu chẳng còn làm được gì nữa. Cháu muốn ly hôn, tốt nhất là kết thúc mọi việc ở đây” – cô gái nói, quờ quạng cánh tay với những vết bỏng thâm tím, đôi chỗ lộ cả xương ra ngoài.
Bị đẩy vào những bi kịch gia đình khi bị ép phải kết hôn ở độ tuổi quá trẻ, hàng chục cô gái tại thành phố Herat, miền Tây Afghanistan như Aatifa đã quyết định tự thiêu hòng thoát khỏi bế tắc.
Chỉ trong vòng một năm qua, các bác sỹ tại khoa bỏng tại một bệnh viện trong thành phố đã tiếp nhận 83 trường hợp tự thiêu, với 2/3 các nạn nhân đã không qua khỏi. Nạn nhân thường là những cô gái sinh ra trong những gia đình nghèo, không có điều kiện học hành đầy đủ và bị ép phải kết hôn ở độ tuổi vị thành niên.
Ông Khan Bawa cũng nói rằng, do những căng thẳng, trầm cảm và tình trạng bạo lực kéo dài tích tụ mà không được giải quyết nên những người phụ nữ này chỉ tìm cách để thể hiện sực bực tức và trầm cảm, để giải thoát bản thân “Đôi khi họ tự thiêu chỉ vì những vấn đề rất nhỏ. Tuy nhiên, hầu hết những cô gái này đều phàn nàn về gia đình nhà chồng” – ông Ghafar Khan Bawa - trưởng khoa phẫu thuật tái tạo da tại một viện bỏng nói.
Lặng lẽ ngồi tựa vào một chiếc gối trong ngôi nhà ở thị trấn, nụ cười thỉnh thoảng hé trên môi cô gái 18 tuổi Zarkhuna. 65% diện tích cơ thể đã bị bỏng nặng bọc trong lớp băng trắng toát. Cô gái cho hay, cuộc sống hôn nhân của cô ban đầu diễn ra khá tốt đẹp khi gia đình nhà chồng tỏ ra khá dễ chịu.
Tuy nhiên, mọi việc đã hoàn toàn thay đổi khi mẹ chồng và em chồng chuyển đến cùng với 2 vợ chồng. “Chồng tôi đối xử tốt với tôi. Tuy nhiên, mẹ chồng và em chồng lại suốt ngày kêu ca, phàn nàn về công việc của tôi. Họ tỏ ra vô cùng ghen tức. Họ muốn tôi phải nằm dưới sự kiểm soát của họ chứ không phải chồng tôi” – Zarkhuna kể về những áp lực khiến cô hành động một cách dại dột để giờ đây dù giữ được mạng sống nhưng cô lại bị cấm gặp đứa con mới 10 tháng tuổi của mình sau khi tự thiêu 4 tháng trước.
Nhiều người khuyên Zarkhuna nộp đơn khiếu kiện nhưng cha cô lại cho rằng cô không được báo vụ việc với các nhà chức trách mà để Chúa trời phán định số phận. “Tôi để mọi người cho chúa trời phán quyết. Tôi không muốn làm gì chống lại họ, bởi họ cũng nghèo. Tôi không nghĩ chính phủ có thể giúp chúng tôi” – người cha Khor Mohammad nói.
Trong khi nhiều phụ nữ có học thức ở thành phố đã được hưởng lợi từ những thay đổi ở Afghanistan, được làm việc và học tập thì ở những ngôi làng và khu vực bộ lạc xa xôi, thân phận của phụ nữ vẫn còn rất hẩm hiu. Con gái thường bị các gia đình ép buộc lấy chồng, để trao đổi con dâu, trừ nợ hay bồi thường cho gia đình về tội ác nào đó. Khi kết hôn, các cô gái trẻ đến sống với nhà chồng, bị mẹ chồng quản lý chuyện gia đình và thường thì họ được coi không hơn gì một nguồn lao động mới.
Cảnh sát, trưởng tộc, các giáo sỹ Hồi giáo và tòa án vốn tồn tại để giải quyết những tranh chấp trong khi đó lại thường tìm cách lảng tránh những khiếu nại của người phụ nữ. “Hệ thống này đang tồn tại một khiếm khuyết lớn khi không để người phụ nữ có quyền được khiếu nại. Và một khi họ đã không được chấp nhận trước khi tự thiêu thì làm sao họ có thể được chấp nhận khi đã ở trong tình trạng biến dạng, dị tật và khuyết tật” – ông Bawa nói thêm.
Bảo An (Theo AFP)