Bi kịch hai người phụ nữ của điệp viên có công cứu Liên Xô

Richard Sorge
Richard Sorge
(PLO) -Là người có công lớn đối với Nga nhưng phải 20 năm sau khi bị Nhật tử hình vì tội làm gián điệp, Richard Sorge mới được vinh danh. Số phận 2 người phụ nữ trong đời ông – một người là vợ, người kia là người tình – cũng không kém phần bi đát, đặc biệt là vợ ông.

Richard Sorge sinh tại Nga năm 1895. Mẹ ông là người Nga nhưng cha ông là một kỹ sư người Đức. Khi Sorge chưa vào mẫu giáo, gia đình ông chuyển về Đức. Năm 1914, Sorge gia nhập quân đội Đức nhưng không may bị thương nên phải giải ngũ. Rời chiến trường, ông tập trung nghiên cứu về khoa học chính trị, kinh tế và chủ nghĩa Mác. Chiến tranh kết thúc cũng là lúc Sorge nhận được bằng thạc sỹ và gia nhập Đảng cộng sản Đức. 

Khởi đầu của bi kịch

Việc tích cực tuyên truyền về chủ nghĩa cộng sản đã khiến Sorge gặp vô số rắc rối với cảnh sát Đức. Vì thế nên, năm 1924, ông quyết định chuyển về Liên Xô và gia nhập Quốc tế cộng sản. Năm 1929, ông bắt đầu được đào tạo để trở thành một sỹ quan tình báo quân đội.

Trong thời gian này, với sức hút vốn có của mình, Sorge “tán đổ” được cô nữ sinh viên kinh kịch xinh đẹp Katya Maximova. Sau 3 năm hoạt động ở Trung Quốc, năm 1933, Sorge về Moscow và kết hôn với Maximova. Đây chính là sự kiện khơi mào cho những bi kịch của Maximova bởi, chỉ ít lâu sau khi đám cưới diễn ra, Sorge được tình báo Nga điều tới Nhật làm việc.

Lúc này, Nhật đã bắt đầu tấn công Trung Quốc được 2 năm và Moscow lo ngại rằng Nhật có thể sẽ chuyển mục tiêu tấn công tiếp theo tới vùng Viễn Đông của Nga. Nhiệm vụ của Sorge tại Nhật là thành lập một mạng lưới gián điệp để dò la ý định của Nhật với Liên Xô.

Tháng 9/1933, Sorge đến Nhật trong vai phóng viên đặc biệt của tờ báo nổi tiếng của Đức “Frankfurter Zeitung” cùng bức thư giới thiệu của chủ biên tờ báo với tùy viên quân sự của Đại sứ quán Đức tại Nhật – Đại tá Eugen Ott.

Vỏ bọc hoàn hảo

Tới Nhật, ngoài những bài báo xuất sắc về Nhật, Sorge còn gia nhập Đảng Quốc xã, nhờ đó mà có thể thường xuyên ra vào Đại sứ quán Đức. Không đi theo cung cách mà nhiều người khác sẽ chọn, Sorge không cố tỏ ra là một phần tử Đức quốc xã hăng hái mà ngược lại, thường xuyên bày tỏ thái độ khinh miệt đối với một số lãnh đạo của đảng mà ông cho là ngu ngốc, lố bịch.

Đánh trúng vào tâm lý nghĩ rằng một người có thể thoải mái nói ra những suy nghĩ của mình chắc chắn là một người bộc trực, Sorge không những không bị ghét bỏ mà còn càng được những người ở Đại sứ quán Đức tín nhiệm hơn. 

Không chỉ vậy, Sorge còn khôn ngoan khi tạo ra cho mình một vỏ bọc hoàn hảo khác: một kẻ nghiện rượu nặng, thường xuyên say xỉn và là một tay chơi thượng thừa chỉ chăm chăm đeo bám phụ nữ. Ngoài ra, thay vì những cách thức truyền thống, Sorge chọn phương pháp ẩn nấp ở chính nơi nguy hiểm nhất – thuê một căn nhà nhỏ ở ngay trước đồn cảnh sát Nhật để sống.

Tháng 10/1934, Đại tá Ott mời Sorge tháp tùng tới Trung Quốc và nhờ ông viết giúp cho Ott một báo cáo. Với việc bản báo cáo sau đó nhận được đánh giá cao ở Berlin, Sorge chính thức trở thành cố vấn tin tưởng nhất của Ott về chính trị Nhật Bản. 

Chỉ trong một khoảng thời gian tương đối ngắn sau khi tới Nhật, Sorge đã xây dựng được một mạng lưới tình báo bí mật có tên Ramzai gồm hơn 30 thành viên. Nhân vật quan trọng thứ 2 trong mạng lưới này, chỉ sau Sorge, là nhà báo người Nhật Hotsumi Ozaki – một chuyên gia về Trung Quốc và là một người có quan hệ với nhiều nhân vật trong giới chính trị gia Nhật, trong đó có Chánh văn phòng nội các Nhật lúc bấy giờ Fumimaro Konoye.

Katya Maximova
Katya Maximova

Sau khi được Konoye thuê làm cố vấn, Ozaki đã chuyển vào khu dinh thự của thủ tướng và được tiếp cận với các văn bản mật, những báo cáo về chính sách đối ngoại cũng như các khuyến nghị cho chính phủ. Các ý kiến của Ozaki sau đó thường xuyên được Sorge nêu ra như quan điểm của mình trong các cuộc thảo luận với Đại sứ quán Đức, khiến ông càng được nể phục hơn. 

Mùa hè năm 1936, Sorge gặp một người phụ nữ Nhật xinh đẹp tên Hanako Iishi, 26 tuổi, là phục vụ tại nhà hàng mà ông thường xuyên lui tới. Một thời gian ngắn sau đó, Iishi chuyển tới nhà Sorge sinh sống. 

Anh hùng cứu Liên Xô

Ngày 28/12/1940, Sorge bắt đầu gửi cảnh báo nghiêm trọng đầu tiên về khả năng Đức tấn công về Moscow. Đầu tháng 5/1941, Sorge liên tục có những cảnh báo gửi về Nga, trong đó có thông tin “Ott tin rằng 95% chiến tranh sắp bắt đầu”.

Ngày 1/6, ông tiếp tục gửi tin mật về Moscow, thông báo khoảng 170 tới 190 binh đoàn của Đức đã tập trung ở biên giới với Liên Xô và cuộc xâm lược sẽ bắt đầu vào ngày 15/6. 

Tuy nhiên, tất cả các thông tin mà Sorge gửi về đều bị giới chức Liên Xô vứt bỏ. Ngày 20/6, ông gửi tin báo: “Ott nói với tôi rằng cuộc chiến giữa Đức và Liên Xô là không thể tránh khỏi”. Bản tin được gửi đi ngày 21/6 và một ngày sau đó, Đức tấn công Liên Xô trong sự ngỡ ngàng của Hồng quân. 5 tháng sau đó thực sự là thảm họa với Liên Xô vì họ không hề chuẩn bị trước cho khả năng này. 

Cuộc chiến tranh nổ ra đã giúp chứng minh sự trung thực của Sorge với Liên Xô. Chính vì thế nên sau đó Moscow đã vội vã yêu cầu ông tìm hiểu về ý định của Nhật đối với cuộc chiến Đức – Xô. Bởi, Liên Xô nhận thấy rõ Đức đang muốn thuyết phục Nhật tấn công Liên Xô và nếu Nhật quyết định tấn công vào vùng Viễn Đông, Liên Xô sẽ khó có thể chống cự được qua một cuộc chiến ở 2 mặt trận. 

Một lần nữa, bản lĩnh và năng lực làm việc của Sorge lại được chứng minh. Chỉ 2 tuần sau khi nhận được lệnh, Sorge gửi tin về Moscow, thông báo Nhật nhiều khả năng sẽ tấn công vào Đông Dương và sẽ chỉ nhảy vào cuộc chiến ở Liên Xô nếu Hồng quân bị đánh bại nhanh chóng.

Đến ngày 14/9/1941, Sorge báo tin “dựa trên phán đoán cẩn thận, khả năng Nhật phát động một cuộc tấn công đã biến mất”. Nhờ bản tin đó mà Stalin có thể quyết định chuyển phần lớn các sư đoàn ở vùng Viễn Đông về mặt trận phía Tây, dồn sức chống trả và đẩy lùi đội quân Hitler đang hùng hổ đổ về Moscow. Cùng thời điểm, Nhật tấn công Trân Châu cảng. 

Kết cục buồn

Khi Sorge chứng minh được năng lực của mình thì cũng là lúc mạng lưới của ông bắt đầu bị phát giác. Tháng 10/1941, cảnh sát Nhật thẩm vấn một thợ may là chân rết của Ozaki tên Yotoku Miyagi. Người này đã khai ra tên Ozaki và Sorge. Ngày 18/10, Sorge bị bắt. Sau 1 tuần chống cự, ông cuối cùng đã thú nhận toàn bộ hoạt động của mình tại Nhật Bản để đổi lấy an toàn cho người tình Hanako Iishi và vợ của một số đồng nghiệp. 

Tháng 9/1943, Sorge bị kết án tử hình. Tuy nhiên, đến lúc này, ông vẫn nghĩ rằng mình sẽ không phải đối mặt cái chết vì nghĩ Tokyo sẽ trao đổi ông lấy một tù nhân người Nhật. Phía Nhật cũng muốn vậy và đã 3 lần đề nghị trao đổi với Nga nhưng, Moscow cả 3 lần đều đáp lại như nhau: “Chúng tôi không biết Richard Sorge là ai”.

Ngày 7/11/1944, Richard Sorge bị treo cổ. Theo nhiều nguồn tin, sở dĩ Sorge không được cứu là do chính quyền Liên Xô lúc bấy giờ không muốn thừa nhận những sai lầm từ trước khi cuộc tấn công của Đức diễn ra.

Đến tận khi chết, Sorge không hề hay biết về số phận bi thảm của vợ mình ở Nga. Sau nhiều năm mòn mỏi chờ Sorge ở Nga, tháng 9/1942, bà Katya Maximova bị bắt giữ với cáo buộc làm gián điệp cho Đức nhưng nhiều người nói rằng “tội” thực sự của bà là “vợ của Richard Sorge”. Bà qua đời ở một trại cải tạo tại Siberia 1 năm sau đó. Con chung duy nhất của 2 người cũng đã qua đời trước đó khi chưa được nhìn thấy ánh mặt trời. 

Hanako Iishi.
Hanako Iishi.

Người tình Iishi của Sorge thì có số phận khá hơn chút đỉnh. Giới chức Nhật đã giữ lời hứa không truy tố bà. Iishi sau đó được sống nốt phần đời còn lại trong ảm đạm ở Tokyo. Bà đã bỏ tiền thuê người đưa hài cốt Sorge từ nghĩa địa của nhà tù ra một nghĩa trang ở ngoại ô Tokyo để tiện hương khói.

Mãi đến năm 1961, tức 20 năm sau khi Sorge bị hành hình, một bộ phim của Pháp có tên “Sorge, ông là ai?” trở nên nổi tiếng ở Liên Xô, nhà lãnh đạo Liên Xô lúc bấy giờ là Nikita Khrushchev mới hỏi KGB về Sorge.

Khi thông tin này được xác nhận, Khrushchev mới phong danh hiệu Anh hùng cho Sorge. Tên tuổi cũng như những công lao to lớn của ông lúc này mới được người dân Liên Xô biết đến. Bà Iishi kể từ đó cũng được nhận trợ cấp của chính phủ...

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.