Thành phố giàu nhất Nam Phi… cạn nước
Là thành phố lớn có dân số đông thứ hai tại Nam Phi, Cape Town là nơi tập trung nhiều cơ quan ban ngành Chính phủ; quốc hội. Bên cạnh đó, thành phố này còn nổi tiếng với nhiều điểm tham quan hấp dẫn, đặc biệt là núi Bàn – bàn ăn của Chúa thu hút du khách mọi nơi tới chiêm ngưỡng. Cape Town còn nằm trong top 100 thành phố đẹp nhất thế giới với vẻ đẹp thiên nhiên vừa hoang dã vừa hiện đại, xứng đáng là vùng đất màu mỡ nhất tại Châu Phi. Cape Town là thủ phủ của tỉnh Westerm Cape, đồng thời cũng là thủ đô lập pháp của Nam Phi.
Nhìn lại cách đây một năm, vào đầu tháng 2/2018, Chính phủ thành phố Cape Town ở Nam Phi thông báo người dân thành phố này chỉ được sử dụng 50 lít nước/ngày, bởi cuộc hạn hán kéo dài dẫn đến tình trạng khan hiếm nước. Trong gần 400 năm qua, Cape Town chưa từng rơi vào cảnh tệ hại như vậy. Thậm chí, trời tiếp tục không mưa trong vòng ba tháng sau đó, thành phố này phải cấp nước theo đầu người. Cùng với nguồn nước khan hiếm, người dân Cape Town phải đối mặt với những nguy cơ lây bệnh gia tăng do thiếu nước sạch, ví như nhiễm khuẩn listeria, bệnh thương hàn, bệnh tiêu chảy….
Được biết, Cape Town - một trong những khu du lịch nổi tiếng nhất tại châu lục này. Trong nhiều năm qua, bên cạnh nông nghiệp và khai thác khoáng sản, người dân cũng như chính quyền châu Phi chủ yếu tập trung thúc đẩy kinh tế bằng ngành du lịch. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, tình trạng khan hiếm nguồn nước ngọt diễn ra liên miên tại châu Phi do những đợt hạn hán kéo dài đã khiến cho ngành du lịch tại châu lục này chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là ở thành phố Cape Town. Theo đó, ngành du lịch tại Cape Town đóng góp 3,4 tỉ USD cho nền kinh tế của Nam Phi mỗi năm, đồng thời cũng giúp hỗ trợ việc làm cho khoảng 300.000 lao động tại khu vực này.
Đối mặt với tình trạng khan hiếm nước ngọt kéo dài, toàn bộ công tác du lịch và các ngành dịch vụ khác đều phải trì trệ. Sau ba năm hạn hán, lượng mưa tại Cape Town đã giảm xuống chỉ còn một phần ba, nguồn cung cấp nước của Cape Town chỉ còn bằng 26% mức dự trữ. Chính quyền Cape Town đã hội ý với các cơ quan cấp cứu, quân đội, các chuyên gia dịch tễ và y tế để lên kế hoạch về ngày cạn nước “Zero Day”, tức ngày mà nguồn cung cấp nước xuống dưới 13,5%. Lúc đó nếu trời không mưa, hệ thống cấp nước thủy cục sẽ phải ngừng cấp nước cho hơn 1 triệu hộ gia đình (chiếm 75% dân số).
Trong những “Ngày không nước” năm 2018, chính quyền thành phố lắp 200 vòi nước công cộng trên toàn thành phố, tương đương với mỗi vòi nước sẽ phục vụ cho khoảng 5.000 hộ gia đình, khoảng 20.000 dân. Mỗi hộ gia đình sẽ chỉ được cấp khoảng 25 lít nước/người/ngày. Cho rằng, khủng hoảng nguồn nước có thể dẫn đến nhiều cuộc khủng hoảng, căng thẳng khác trong xã hội, chính quyền thành phố phải huy động cảnh sát và quân đội để canh gác, giữ gìn an ninh trật tự tại các trạm cấp phát nước.
Theo thống kê, mỗi người dân Cape Town tiêu thụ bình quân 200 lít/ngày vào năm 2014. Năm 2017, họ được chính quyền khuyến cáo chỉ nên dùng 87 lít/ngày. Đến ngày 1/2/2018, chính quyền thông báo người dân chỉ được sử dụng không quá 50 lít nước mỗi ngày, bao gồm 10 lít để tắm, 10 lít để nấu ăn và rửa chén, 10 lít để giặt đồ, 9 lít dùng cho vệ sinh, 5 lít dùng cho nội trợ, 3 lít để uống, 2 lít để đánh răng và rửa tay, 1 lít để nuôi vật nuôi trong nhà. Trong những ngày không nước, người dân phải xếp hàng chờ nhận nước theo chế độ 25 lít nước/người/ngày. Tiêu chuẩn này là mức sống sót tối thiểu theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Đập Theewaterskloof cung cấp phần lớn nguồn nước cho Cape Town - Ảnh: QZ |
Khủng hoảng ngành du lịch…
Trong bối cảnh thiếu nước, người dân Cape Town đã bắt đầu tìm kiếm nước từ mạch nước ngầm, giếng khoan hoặc nước mưa trong bể dự trữ. Tình hình thiếu nước sẽ tác động đến kinh tế, nông nghiệp, du lịch, môi trường của thành phố đông dân thứ hai của Nam Phi. Xã hội có nguy cơ hỗn loạn vì thiếu nước. Khan hiếm nguồn nước thực sự đã gây ra những thiệt hại nặng nề, đặc biệt là đối với ngành du lịch tại Nam Phi trị giá khoảng 35 tỉ USD vào năm 2017. Bà Christine Colvin, người phụ trách chương trình nước sạch của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) ở Nam Phi và là ủy viên hội đồng thành phố Cape Town, nhận định Cape Town đang trong thời kỳ quá độ nguy kịch.
Đứng trước những tác động đáng lo ngại của tình trạng khan hiếm nguồn nước đối với ngành du lịch mũi nhọn cũng như đời sống của người dân trong khu vực, chính quyền các thành phố về du lịch lớn tại Nam Phi đã có những hành động cụ thể và rõ rệt. Chính quyền của nhiều thành phố tại châu Phi yêu cầu người dân giảm 26 triệu gallon (tức là tiết kiệm khoảng 98 triệu lít nước) trong tổng mức tiêu thụ nước sinh hoạt mỗi ngày. Quan chức các thành phố này cũng đưa ra kế hoạch hạn chế nước đến tối đa, thể hiện ở các lệnh cấm sử dụng nước bên ngoài để rửa xe, tưới cỏ và đổ bể bơi.
Nhiều nhà hàng tại khu vực đã chuyển sang phục vụ bằng bát đĩa và khăn trải bàn giấy để tiết kiệm nguồn nước. Các khách sạn và khu nghỉ dưỡng cũng đã bắt đầu lắp đặt những vòi tắm có lưu lượng thấp, dừng hoạt động các vòi phun tưới ngoài trời để bảo vệ cho những giọt nước quý giá cuối cùng. Đối với Cape Town nói riêng, việc duy trì lượng du khách đặt chân tới thành phố đang được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền và người dân nơi đây nhằm tăng trưởng kinh tế, cải thiện cuộc sống xã hội
Đập nước Theewaterskloof gần Cape Town cạn trơ đáy vào ngày 20-1-2018. Đập nước này vốn trữ nước sinh hoạt cho Cape Town - Ảnh: REUTERS |
Bi kịch khan hiếm nhân tài
Bi kịch của thành phố Cape Town cũng tượng trưng cho một vấn đề nhức nhối của đất nước Nam Phi hiện nay. Các chuyên gia cho rằng, cội nguồn gốc rễ không chỉ nằm ở môi trường, một vế còn lại chính là đất nước này đang chịu tổn thất nặng nề bởi hiện tượng “chảy máu” nhân tài. Được biết, kết quả mà người dân Nam Phi đang phải hứng chịu ngày nay đã được dự đoán từ cả thập kỷ trước đây.
Một nghiên cứu năm 2008 ở Nam Phi đã chỉ ra rằng phần lớn nguồn nước ở đây có thể bị nhiễm độc vi khuẩn cyanobacteria, còn được biết đến là một loại tảo độc màu lục lam mọc trên bề mặt nước khi thời tiết ấm lên. Tuy nhiên, dường như không ai biết có thể tìm đến chuyên gia nào để giải quyết vấn đề này. Theo Tiến sĩ Anthony Turton, một nhà nghiên cứu cấp cao của Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp (CSIR) tại Ấn Độ, quốc gia này đã từng được hưởng lợi từ một chương trình nghiên cứu tiến sĩ về các vấn đề vệ sinh nước.
Turton cũng khẳng định: Vấn đề mà quốc gia này đang đối mặt là hơn một nửa số đô thị Nam Phi đều khan hiếm những kỹ sư có trình độ về nước nói riêng và về môi trường nói chung. Đến nay, không chỉ thiếu hụt về các chuyên gia môi trường, đất nước này còn đối mặt với sự thiếu hụt nguồn nhân lực ở hầu hết các lĩnh vực khác. Đó còn là các kỹ sư công nghệ thông tin, các nghệ nhân, giám đốc điều hành tài chính, chuyên gia trong lĩnh vực y tế, quản lý điều hành, chuyên gia và học giả trong các lĩnh vực khác và phiên dịch viên ngoại ngữ.
Người dân thành phố Cape Town xếp hàng thu thập nước dự trữ từ mùa xuân tại vùng ngoại ô Newlands - Ảnh: REUTERS |
Dân thị trấn Saint-James thuộc Cape Town hứng nước từ mạch nước ngầm ngày 19-1-2018 - Ảnh- AFP |
Theo báo cáo từ các nhóm hỗ trợ di cư và các ngân hàng địa phương, người di cư từ Nam Phi đang ngày càng tăng mạnh. Pew Research ước tính rằng ít nhất 900.000 người sinh ra ở Nam Phi đã sống ở các quốc gia khác vào năm 2017, với nhiều người trong số họ có trình độ giáo dục và kỹ năng nghiệp vụ cao.
“Dù các thành phố của Nam Phi đang dần bắt kịp vào hoà nhập với thế giới, nhưng tiến độ phát triển rất chậm. Điều này chủ yếu là do khoảng cách giàu nghèo lớn giữa người da trắng và người da màu ở Nam Phi. Đó phần lớn do sự yếu kém của những nhà chức trách, tình trạng tham nhũng và sự thiếu hụt các chính sách kinh tế - xã hội kìm hãm tăng trưởng chung của xã hội, kéo dài khoảng cách giàu – nghèo. Tuy nhiên, có hy vọng rằng điều này sẽ được cải thiện dưới thời Tổng thống Cyril Ramaphosa” – Theo lời ông Murray, 52 tuổi, một cư dân của thành phố Cape Town trả lời phỏng vấn của tờ Guardian (Anh). Người dân Nam Phi đều mong muốn sẽ có những người tài trong tương lai vực dậy đất nước này, sau 25 năm chế độ phân biệt chủng tộc A-pac-thai (Apartheid) chấm dứt.