Là mẹ đẻ của nạn nhân, hơn ai hết bà Ánh hiểu rõ ẩn tình đằng sau vụ việc. Vậy nên ba xót thương cho đứa con đoản mệnh nhưng cũng không thể nặng lời oán trách con dâu. Giờ đây, bà chỉ biết nuốt nước mắt ngược vào trong, xem đây như một tai nạn hy hữu mong hung thủ chịu hình phạt nhẹ nhất để sớm trở về với đàn con thơ...
Tìm đến rượu giải sầu
Vợ chồng Phạm Thanh An, Nguyễn Thị Thắm (cùng 31 tuổi, ngụ khu phố 6, phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) kết hôn đã hơn 10 năm nay. Cuộc sống nghèo khó đã đưa đến biết bao xung đột khiến nhiều lần cả hai phải kéo nhau ra tòa ly hôn. Cuối cùng, dù anh An không đồng ý ký đơn nhưng chị Thắm quyết dứt áo ra đi. Cuộc hôn nhân “hết hợp lại ly”, thiếu hạnh phúc tưởng đã khép lại từ khi 3 mẹ con chị Thắm dọn ra ở riêng. Thế nhưng, mọi chuyện lại không đơn giản như vậy...
Nói về cái chết đột ngột của người con trai, bà Nguyễn Thị Ánh (67 tuổi) ngậm ngùi kể: “Khoảng 13h chiều ngày 7/10, thằng An tìm đến quán cà phê của con Thắm rồi hai đứa xảy ra cãi vã. Vợ chồng nó xô xát, ẩu đả nhau. An cầm dao tấn công vợ nhưng con Thắm phản kháng quyết liệt giật con dao đâm ngược về phía An. Con trai tôi bị dao đâm trúng chỗ hiểm dẫn đến tử vong...”.
Trước đây, chị Thắm quen biết anh An từ năm 2004. Lúc đó, chị từ vùng sông nước miền Tây xa xôi lặn lội lên Bình Dương làm công nhân mưu sinh. Thắm vốn sở hữu nét duyên dáng, xinh đẹp của thiếu nữ xứ miệt vườn sông nước nên xung quanh lúc nào cũng có nhiều chàng trai để ý, nhưng trái tim cô vẫn không rung động. Anh An lúc đó tuy chẳng phải là con nhà giàu có nhưng nhờ đẹp trai, thông minh, chăm chỉ đã chinh phục thành công trái tim thiếu nữ.
Sau một thời gian tìm hiểu làm quen, cả hai nhanh chóng trao cho nhau lời thề nguyện gắn bó. Họ thưa chuyện với gia đình và được đôi bên chấp thuận. Một đám cưới nhỏ diễn ra trong sự chúc phúc của đông đảo người thân, bạn bè. Thời gian đầu vợ chồng anh An cùng chung sống trong nhà với bà Ánh. Đây cũng chính là khoảng thời gian yên bình hạnh phúc nhất của họ. Đôi vợ chồng trẻ quấn quýt bên nhau. Hai người cùng làm công nhân, ít khi rời nhau nửa bước.
Bà Ánh trò chuyện cùng PV |
Hạnh phúc tưởng như vẹn tròn khi chị An hạ sinh cậu con trai bụ bẫm. Nhưng chính nhu cầu “miếng cơm manh áo” đã khiến tình cảm hai người xa cách. Có con, đồng lương công nhân ít ỏi trước đây vốn chỉ đủ nuôi hai miệng ăn giờ thiếu trước hụt sau. Anh An bàn với vợ tính đường làm ăn để thoát nghèo. Người chồng trẻ dốc toàn bộ vốn liếng vào việc buôn bán. Nhưng càng làm càng thua lỗ khiến tình cảnh ngày một bi đát. Buồn phiền, anh An tìm đến rượu giải sầu.
Đẩy gia đình vào “vực thẳm”
Kể từ lúc đánh bạn với “ma men”, anh An đem tất cả sự bực tức, ấm ức trút lên đầu vợ con. Tiếng chửi bới, đánh đập, chén bát vỡ nát vang lên như cơm bữa trong căn nhà xập xệ. Những lần như vậy, chị Thắm chỉ biết ôm chặt con, cắn răng chịu đựng. Mọi chuyện càng tồi tệ hơn khi đứa con thứ hai của họ ra đời. Thêm người, thêm chi phí nhưng thu nhập hai vợ chồng kiếm được trái lại càng giảm sút. Không nhưng thế, phần lớn số tiền tự kiếm được anh An đều đem đổ vào rượu.
“Lúc đó thấy vợ chồng con trai cực khổ, bất hòa, tôi bàn với cả nhà cầm cố nhà cửa, vay mượn tiền bạc hùn vốn cho hai đứa nó xây nhà sống riêng, tiện bề làm ăn. Vợ chồng An thuê mặt bằng ven quốc lộ, mở quán nước. Thời gian đầu, công việc buôn bán của chúng khá suôn sẻ, có đồng ra đồng vào. Thấy An tu chí hơn trước tôi vô cùng vui mừng. Nào ngờ, chỉ ít lâu sau nó lại vướng vào rượu chè, bỏ bê tất cả”, bà Ánh kể.
Để có tiền nhậu nhẹt, thết đãi bạn bè, người chồng lén lấy tiền lãi buôn bán của vợ con. Khi vợ phát hiện và ngăn cản thì lại bị chồng đánh đập. Mỗi lần say xỉn là anh An lại có “sở thích” bạo hành vợ con và nổi máu ghen tuông vô cớ. “Chị Thắm không chỉ giỏi chịu đựng, nhẫn nhịn, thương con mà còn tháo vát trong chuyện kinh doanh, buôn bán. Vậy mà vẫn phải chịu nhiều tai ương bất hạnh như thế”, một người hàng xóm cho biết.
Dù đã hai mặt con nhưng chị Thắm vẫn giữ được nét mặn mà, quán cà phê của vợ chồng chị mở ra cũng có không ít khách là nam giới đến. Điều này khiến cho người chồng từ một kẻ nát rượu lại thêm chứng ghen tuông vô lối. Anh thường tìm cách chửi bởi, lăng mạ, thậm chí đánh đập vợ trước mặt khách khiến quán dần dà mất “lộc”. Buôn bán ngày một ế ẩm trong khi chi phí cho con cái ngày một tăng lên, thêm vào đó người chồng thiếu tiền uống rượu lại quay qua trút giận lên đầu vợ.
Đã nhiều lần bà Ánh, họ hàng, chòm xóm tìm đến tận nhà khuyên bảo An từ bỏ rượu chè, có trách nhiệm hơn với vợ con. Tuy nhiên, anh An chỉ ậm ờ cho qua chuyện rồi bỏ ngoài tai tất cả. Đầu năm 2013, sau khoảng thời gian dài chịu đựng sự giày vò từ chồng, chị Thắm viết đơn ra tòa xin ly dị. An kiên quyết không chịu. Cuối cùng chị Thắm quyết định ôm hai đứa con thơ bỏ đi tự giải thoát cho bản thân.
Vốn là người chăm chỉ, tháo vát, chị Thắm tự mở cho mình quán cà phê riêng để kiếm tiền trang trải cuộc sống và nuôi các con. Ba mẹ con nương tựa vào nhau không quan tâm đến người chồng, người cha bê tha. Thấy vợ chồng con trai “đường ai nấy đi” nhưng với bà Ánh đó thực sự không hẳn là nỗi buồn phiền. Trong khi đó, anh An vẫn cứ mặc định coi chị Thắm là vợ mình nên tự cho mình cái gọi là “quyền” được lui tới quán quán cà phê của vợ cũ bất cứ lúc nào. Không chỉ ngang nhiên ra vào nơi chị Thắm làm ăn, anh An tìm cách “phá đám” việc làm ăn của vợ.
Đáng nói hơn, anh An vẫn giữ thói quen đánh vợ khi say xỉn. Hôm vụ án xảy ra, anh An trong cơn say tìm đến quán cà phê quậy phá, đòi đuổi tất cả khách ra về. Chị Thắm mất kiểm soát, phản ứng kịch liệt. Hai người xô xát. Trong lúc giằng co con dao, anh An đã không may tử nạn. Rồi đây, nghi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm về tội trạng gây nên nhưng trong thâm tâm nhiều người dân cũng có phần cảm thông cho chị. Người phụ nữ thường xuyên bị bạo hành phản ứng thái quá chẳng khác nào “con giun xéo lắm cũng quằn”.
Mất con trai, bà Ánh đứng giữa sự dằn vặt, đấu tranh gay gắt của lí trí và tình cảm. Thật khó có thể rộng lượng tha thứ cho tội ác của cô con dâu nhưng bản thân bà không muốn con dâu bị kết án nặng. Hơn hết, chị Thắm là mẹ ruột của hai đứa cháu nội thơ dại mà bà thương yêu nhất. Bà không muốn chúng vừa mất đi người cha nay lại rời xa vòng tay mẹ. Bà Ánh đưa ánh mắt đục ngầu, nhìn vào cõi xa xăm thở dài: “Con trai tôi mất, vợ nó chính là kẻ giết người. Tôi chẳng muốn bênh vực, oán trách ai cả. Chỉ thương cho hai đứa con thơ của chúng bơ vơ, không cha, không mẹ”...