Nhiều chủ tiệm buôn ở miền Tây tin vào sức mạnh thần bí của bùa chú, ngải thiêng, họ tin những chậu hoa tóc tiên không chỉ dùng để trang trí mà còn là một loại “ngải đắt khách” hay còn được gọi là “ngải nàng mơn”.
Bởi thế những họ thường đặt những chậu hoa tóc tiên ở những vị trí trang trọng ngay trước cửa nhà để xua đuổi ma tà, quỷ quái, cũng như cầu cho chuyện làm ăn được “thuận buồm, xuôi gió”... Tuy nhiên theo lời các “ngải sư” thì cây ngải chỉ trở nên thực sự linh diệu khi được các thầy sên bùa, đọc chú và “thổi” vào đó một thứ ma lực đặc biệt...
Bỏ ngải... hại người
Vào sáng ngày 8/10/2013, bà Trần Thị Tuyết Hoa (73 tuổi, ngụ ấp Phước Lợi, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) đóng cửa nhà để sang nhà người con trai trông cháu như thường lệ. Bà vừa đi khỏi nhà được chừng 50m thì có 1 cô gái lạ mặt gọi giật lại rồi đề nghị được vào nhà chơi. Khi bà Hoa còn chưa kịp định thần xem đó có phải người quen hay không thì đã rơi vào trạng thái lơ mơ, nửa mê nửa tỉnh. Rồi như có một sức mạnh vô hình nào đó, kẻ lạ mặt kia cứ thế thản nhiên lột chiếc nhẫn vàng trên tay bà cụ.
“Lúc đó tôi muốn la lên mà không hiểu sao không tài nào la được. Đến lúc ả ta phóng xe đi mất thì tôi mới giật mình choàng tỉnh”, bà Hoa vẫn còn sợ hãi khi kể lại. Sau khi xảy ra chuyện bà Hoa mất vàng, nhiều người dân địa phương đồn đại rằng bà bị bỏ ngải nên mới bị mất trí tạm thời như vậy.
Trường hợp khác xảy ra cách đó vài năm cũng tại huyện Châu Thành. Đó là trường hợp của bà Nguyễn Thị Siệu (40 tuổi) bị hai thanh niên vờ hỏi đường rồi không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào bà tự động lột hết gần 8 chỉ vàng cống nạp hai kẻ không quen biết.
Một câu chuyện khác cũng được người dân kể lại ly kỳ không kém. Đó là vào khoảng cuối tháng 8/2013, một thanh niên cùng nhóm bạn bè từ TP Hồ Chí Minh đi thăm quan Chùa Dơi (TP Sóc Trăng). Khi trở về nhà, người thanh niên này bỗng dưng sốt cao, nói năng huyên thuyên lảm nhảm và nhất là trước đó chân cẳng vốn đi lại bình thường giờ cà nhắc bước thấp bước cao. Gia đình người thanh niên này sau khi đi khắp nơi tìm cách chữa bệnh cho con trai mình không được đành phải tìm đến một ông thầy bùa ở huyện Kế Sách cầu cứu.
Nhiều người cho rằng một chậu hoa tóc tiên đôi khi cũng trở thành "ngải thiêng" khi được thầy sên bùa, niệm chú. |
Ông thầy sau khi coi quẻ phán rằng anh ta bị một con ma ở lò thiêu của Chùa Dơi quấy phá, mà con ma này là ma cụt chân, phụ trách xếp củi trong lò thiêu nên khi nhập vào khiến cho anh ta cũng phải đi cà nhắc(?). Ngay sau đó ông thầy bùa làm phép, lấy một loại ngải trong vườn cho cậu thanh niên uống kèm theo một lá “bùa bình an”.
Kỳ lạ thay vừa uống thuốc ngải xong chàng thanh niên này đi lại bình thường, thần trí minh mẫn như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Không biết câu chuyện có mấy phần sự thật nhưng nó vẫn được người dân truyền tai nhau, làm tăng thêm vẻ huyền bí cho ngôi chùa cổ bậc nhất miền Tây này.
Bên cạnh đó là câu chuyện về bùa “ngải yêu”, cũng được khá nhiều người kể lại và còn một mực đảm bảo có thật “trăm phần trăm”. Chuyện là có một cô gái tên Ngọc khoảng 23 tuổi, trẻ trung xinh đẹp, mới tốt nghiệp đại học đang chờ xin việc làm. Trước nhan sắc mặn mà, quyến rũ của cô gái một người đàn ông lớn hơn cả chục tuổi đem lòng yêu cô đến “chết mê chết mệt”.
Thế nhưng Ngọc tỏ vẻ thờ ơ, thậm chí ghét cay ghét đắng người này. Rồi không hiểu sao, bỗng có một ngày cô gái cứ như người mất hồn, đi ra đi vào thơ thẩn một mình. Càng lạ hơn là tối ngày Ngọc cứ lẩm bẩm nhắc tên người đàn ông kia và đòi phải gặp mặt cho bằng được.
Một người thân trong nhà thấy vậy mới dắt cô gái đến nhờ một ông thầy bùa nhờ hóa giải. Ông thầy quả quyết rằng cô gái đã bị bỏ “ngải yêu”. Sau đó lấy 9 đọn non của cây khế, đem nấu nước cho Ngọc uống.
Rồi đợi đến đêm lại cắt cổ một con gà trống lấy huyết bôi vào lòng bàn tay, bàn chân, phần gà còn lại được dùng để nấu cháo đậu xanh cho cô gái ăn. Đồng thời cho uống thêm một loại “ngải đặc hiệu”. Sau khi uống xong thần trí Ngọc đột nhiên trở lại bình thường và kể lại cách đó khoảng một tuần, có uống một ly nước do người đàn ông si tình đó mời.
Cận cảnh vườn ngải kỳ dị
Để tìm hiểu thêm về sự công hiệu thần bí của các loại bùa ngải chúng tôi đã lần tìm đến nhà một ông thầy bùa theo lời giới thiệu đã có tới hơn 30 năm trồng các loại ngải. Đó là ông Thạch N (64 tuổi, ngụ ở xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng). Ngôi nhà của thầy N là một căn nhà bình thường, giản dị như bao ngôi nhà khác ở miền quê này.
Chỉ có điều phía trước nhà có trồng rất nhiều chậu cây. Có loại gần giống như cây dong riềng, có loại thân lá đâm tua tủa chỉ nhỉnh hơn sợi tóc chút. Ở góc nhà thiếu ánh sáng kê một chiếc bàn trải khăn hoa, bên trên có vài quyển sách cũ và vô số đồ đạc linh tinh, đây được coi là nơi làm việc và cũng là nơi tiếp khách của thầy.
Thầy N cho biết, là gốc người Khmer (Khơ Me), nên được thừa hưởng toàn bộ gia sản lẫn những bí truyền trong nghề thầy pháp, luyện ngải do cha, ông để lại. Để dẫn chứng, thầy N lấy cho chúng tôi coi 2 cuốn sách đã cũ mèm được coi như bảo bối.
Lật nhanh vài trang trong đó thì đều là dạng chữ Khmer cổ nên những “kẻ ngoại đạo” như chúng tôi chẳng hiểu mô tê gì. Chỉ có một vài hình vẽ giống như một ma trận kỳ ảo, lại có hình thể hiện 12 tháng trong năm nhưng biểu tượng của mỗi tháng thì lại rất kỳ dị.
Theo thầy N, những chậu cây trồng trước nhà đều là các loại “cây ngải”. Mặc dù đã có mấy chục năm sưu tầm, luyện ngải nhưng ông cũng chỉ sở hữu được 1 số ít trong đó. “Có vô số loại ngải với rất nhiều tên gọi khác nhau. Có loại có nguồn gốc từ vùng rừng Trường Sơn, có loại ở vùng núi Cấm, Thất Sơn (An Giang) lại có loại xuất xứ từ mãi Campuchia hay Lào”, thầy N cho biết.
“Chỉ riêng loại “ngải câu khách” cũng có nhiều loại và tên gọi khác nhau. Loại không có củ như Nenboc (tiếng Việt gọi là Nèn Bọc), Nenboi (Nèn Bôi). Loại có củ như Sareka, Linh thon Sareka (tiếng Việt là Linh thôn Sa-rê-ka).
Loại ngải Ha Len Sai (Ha-Lên-Sai) có củ, thân cọng dài giống lá hẹ. Các loại ngải này khi được “sên bùa” và đọc chú vào thì có tác dụng rất lớn, tùy theo nhu cầu của người nhờ giúp như thế nào thì nó sẽ có tác dụng như thế đó. Đặc biệt nó có tác dụng trong việc dẫn dụ khách hàng”, tiếp lời vị “ngải sư”.
Khác với “ngải câu khách”, “ngải móc” lại là các củ ngải móc vào nhau. Ngoài việc dùng để làm thuốc trị các loại bệnh như đau nhức, ngộ độc... thì còn có thể được dùng làm bùa theo nhu cầu của người nhờ giúp.
Loài ngải này có thể khiến cho người trúng ngải bị bệnh hoạn, toàn thân khó chịu, mê mẩn. Ngoài ra các loại nghệ đen, trắng, vàng cũng là một loại ngải có sức thu hút khách đến nhà mình chơi hoặc đến để mua bán nhưng phải có thầy “sên bùa” vào nó thì tác dụng mới hiệu quả, linh nghiệm.
Trong đó nghệ trắng là ngải quý nhất, bởi lẽ ngải này rất hiếm. Nghệ trắng ngoài tác dụng trị nhiều loại bệnh, còn được dùng để làm bùa chú và giải độc cho những người bị ngộ độc. Nếu như muốn ếm hại một người nào đó chỉ cần cắt một lát củ cho vào nước để người đó uống thì sẽ có tác dụng cao. Thậm chí chỉ cần ngửi thôi đã cho những hiệu lực hơn cả mong đợi(?).
(Kỳ tới: Sự thật về loại ngải thiêng)