“Mặc áo mưa, mũ bảo hiểm”… đi dạo
Sự cẩu thả của một số người khiến cho cư dân sống ở các khu chung cư luôn nơp nớp lo sợ vì vật thể nguy hiểm từ “trên trời” rơi xuống đầu mình. Ngày 2/7/2019, tại chung cư CT8C thuộc khu đô thị Đại Thanh (Thanh Trì, Hà Nội), một cụ ông đang đi bộ dưới sân chung cư thì bị một ổ khóa “bay” từ trên cao xuống, rơi trúng đầu. Ngay lập tức, nhiều người dân nhanh chóng đến sơ cứu và gọi xe cứu thương tới giúp cụ ông.
Vào khoảng 19h ngày 27/1/2019, tại tòa chung cư HH Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội), một người đàn ông khoảng 40 tuổi đang ngồi uống nước ở quán trà đá thì bất ngờ bị một “vật thể lạ” rơi từ tầng cao của chung cư trúng đầu. Tại hiện trường, nhiều viên đá nhỏ bắn trên nền đất, máu của nạn nhân vương vãi xung quanh.
Trước đó, người dân chung cư Linh Đàm còn bị một phen hết vía khi một chiếc thớt gỗ lim có trọng lượng khoảng 5kg “bay” từ tầng 11 xuống khoảng sân chơi chung ở khu vực giữa các tòa nhà HH. Chiếc thớt này đã làm lõm mặt sân khi rơi xuống. Chỉ mấy phút sau một con dao cũng rơi từ tầng 11 xuống đất xuýt “lấy mạng” một cư dân khác đang đi trong khu vực này.
Chưa hết, cách đây không lâu, tại chung cư HH1A Linh Đàm, một chiếc cốc thủy tinh rơi xuống chân tòa nhà rồi vỡ tan. Tại thời điểm đó có 2 mẹ con đang di chuyển dưới sân và vị trí chiếc cốc rơi xuống chỉ cách vị trí 2 mẹ con chỉ 20cm.
Ngoài những vật nguy hiểm rơi vào đầu, nhiều cư dân còn bị ức chế khi “lĩnh lộc”: nước thải, băng vệ sinh, bịch rác… từ trên cao “phi” trúng người. Anh Thanh Hải- cư dân chung cư tại đường Phạm Hùng bức xúc: “Buổi sáng tôi đang dắt xe chuẩn bị đưa con đi học. Bỗng nhiên, tôi thấy có gì rơi trúng người rồi rơi xuống đất. Nhìn xuống, tôi choáng váng là một chiếc bỉm có chứa đầy chất thải.
Chiếc áo trắng đã bị chiếc bỉm làm bẩn, ám đầy mùi khó chịu. Tức khí, tôi chạy thẳng vào ban quản lý toà nhà để phản ánh và tìm “hung thủ” nhưng chỉ nhận được câu trả lời: “Chung cư hàng trăm hộ thế này, biết truy ai bây giờ”?
Trong nhóm kín mạng xã hội, chị Nguyễn Hoa - cư dân chung cư ở Gia Lâm (Hà Nội) không kìm nổi sự bực tức. Theo chị, ngày cuối tuần vừa qua, chị mặc váy đẹp, nước hoa thơm lừng để đi ăn cưới. Đang đi bộ dưới sân tòa nhà chung cư để ra cổng bắt taxi thì bỗng một bịch nước đựng trong túi nilon ở đâu bay vèo xuống người chị.
Nước trong túi tóe ra làm ướt hết đầu tóc và người chị và để lại mùi nước thải khó chịu trên người. Ngó lên các tầng nhà thì không thấy ai. Ức muốn nổ con mắt mà không làm gì được, chị đành nuốt “cục tức” về nhà tắm gội, giặt giũ chẳng còn thiết tha, hứng thú gì việc đi ăn cưới.
Dường như suy nghĩ “ai biết là ai” càng khiến những người vô ý thức, thiếu văn hóa đã mạnh tay vứt rác mà không cần suy nghĩ. Ức chế khi những sự việc ấy khó có thể tìm ra thủ phạm. Nhiều người bức xúc, sợ hãi khi đối mặt với những “vũ khí” nguy hiểm có thể “tặng” mình bất cứ lúc nào.
Chẳng còn cách nào khác, người dân hò nhau, đi bộ dạo mát dưới sân các chung cư phải mặc áo mưa và đội mũ bảo hiểm để tự bảo vệ mình.
Và hàng xóm… “Chí phèo”
Còn nhớ vụ việc “đình đám” tới chơi, “tè bậy” trong thang máy mới đây. Khi người dân chung cư phát hiện bãi nước có mùi lạ trên sàn thang máy đã báo cho ban quản lý tòa nhà xem xét. Trích xuất camera giám sát, đơn vị quản lý toà nhà phát hiện hai vị khách nữ đến một căn hộ tại tầng 27 của toà nhà này chơi.
Trong quá trình chờ chủ hộ xuống đón, một người phụ nữ đã dùng mũ bảo hiểm để che camera giám sát, một người phụ nữ khác tiểu tiện xuống sàn thang máy. Sự việc “quái dị” này diễn ra tại chung cư Gelexia Riverside (Hà Nội) vào ngày 22/6/2019.
Chủ căn hộ có hai người bạn có “hành động lạ” này đã nộp phạt cho Ban quản lý chung cư số tiền 2 triệu đồng. Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP, người có hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng.
Chị H ức chế khi hàng xóm "chí phèo" thường đái bậy và nôn ọe vào tường nhà chị |
Chung cư Gelexia Riverside lắp camera giám sát còn dễ dàng xử phạt những người vô ý thức, thiếu văn hóa nhưng nhiều khu chung cư bậc trung, thu nhập thấp không có camera khiến cho việc bắt “thủ phạm” gây ra những: bãi nôn, bãi thải của người và động vật (chó, mèo) ở cầu thang máy, hành lang chung, thang bộ… khó khăn như đếm sao trên trời.
Lại có không ít cư dân khổ sở khi ở chung với hàng xóm… “chí phèo”. Hàng xóm “chí phèo” ấy thường ở những chung cư khá, trung bình, chung cư xã hội hoặc chung cư tái định cư mà ít khi ở chung cư cao cấp, chung cư hạng sang. Chị H. kể, vợ chồng chị mua được căn chung cư khu đô thị Dương Nội. Tưởng nơi đây là tổ ấm của gia đình, nào ngờ có lúc chị muốn “khô máu” với người hàng xóm khó ưa.
Chị H. than thở trên hội kín của chung cư này, không ít lần về người hàng xóm của mình khiến chị ám ảnh. Cả gia đình chị có hôm vừa đi làm thì gặp ngay bãi nước tiểu của người hàng xóm tiểu bậy ngay trước cửa nhà chị. Không chỉ nước tiểu, cái hành lang tòa nhà tầng của chị chẳng khác gì cái “hố xí” cho lão hàng xóm xả.
Hôm thì đái bậy, hôm thì đổ nước điếu, hôm thì vứt rác nhà ra lối đi. Không chỉ chị H. mà những người cùng tầng cũng cảm thấy... bất lực trước người hàng xóm này. Nước điếu, rác, nước tiểu chưa đủ, thi thoảng chị H. lại gặp ngay một bãi nôn mỗi khi ông hàng xóm quá chén về khuya. Có lần thấy hàng xóm đứng trong nhà, chĩa “vòi” tiểu ra hành lang, chị H. vọng to kiểu nói vống để nhắc nhở, thì đến hôm sau ông hàng xóm này mang cả đống chất thải đổ ra ngay cửa nhà chị.
Nhiều lần chị H. đã báo ban quản lý tòa nhà cũng như ban quản trị cư dân nhưng họ cũng... không thể xử lý được. Thậm chí công an khu vực cũng mời người này ra phường làm việc. Sau khi xử phạt hành chính, gã “chí phèo” ấy vẫn “chứng nào, tật đấy”.
Cũng khổ vì “chí phèo” là anh Hoàng Nam, cư dân chung cư Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ngay sát tường nhà anh có vợ chồng hàng xóm làm lô đề. Hầu hết, tối nào vợ chồng đó cũng mời các “chiến hữu” tới nhà để ăn nhậu với đủ loại lý do: lúc thì lý do ăn mừng vì “ôm lô đề trắng bảng”, lúc lại “chán đời” vì thua đậm.
Các ông bà và các “chiến hữu” nhậu nhoẹt, hò la, chém gió, chửi thề tới 11 giờ đêm. Chưa thỏa, họ lại mở karaoke hát “xả sờ trét”. Quá ồn ào và phức tạp, anh Hoàng Nam và các gia đình kế bên cũng như ban quản lý tòa nhà đã đề nghị họ yên lặng. Nhưng những “chiến hữu” hung tợn ấy không những không nghe mà còn có thái độ thách thức.
Có thể thấy, không ít cư dân sống tại các chung cư khi vẫn giữ thói tùy tiện, thiếu văn hóa dù sống trong môi trường tập thể. Và việc xử lý những trường hợp thiếu ý thức như vậy gặp nhiều khó khăn khi chưa có một hệ thống giám sát và cơ chế xử lý rõ ràng với hành vi này. Cần tôn trọng không gian chung
Để xây dựng nếp sống văn hóa, trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị, Thành phố Hà Nội đã ban hành bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng với những khuyến cáo cụ thể, có thể áp dụng cho cả khu vực chung cư. Nhiều chung cư đã niêm yết bộ Quy tắc này tại khu vực thang máy, thang bộ, nhà sinh hoạt cộng đồng để cư dân dễ tiếp cận.
Tuy nhiên, văn hóa ứng xử tại các chung cư vẫn cần quy định riêng phù hợp với tính chất, môi trường sống, sinh hoạt của cư dân.
Cuối tháng 6/2019, quận Hoàng Mai đã triển khai mô hình tuyên truyền Quy tắc ứng xử “Chung cư văn hóa, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng không gian chung”. Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Trần Quý Thái cho biết, mỗi phường trên địa bàn quận sẽ xây dựng một mô hình tuyên truyền chung cư mẫu theo mô hình
“Chung cư văn hóa, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng không gian chung” để nhân dân đang sinh sống trong các tòa chung cư thực hiện, từ đó nhân rộng, tạo sự lan tỏa, đồng thuận trong việc thực hiện quy tắc ứng xử tại địa phương. Đây có thể coi là mô hình tốt để địa bàn khác, các chung cư có thể áp dụng nhằm xây dựng nếp sống văn hóa chung cư
Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn cư dân sớm làm quen với kiểu tổ chức cuộc sống mới và hiện đại, ngay từ khi các khu chung cư ra đời, các cơ quan chức năng - nhất là các cơ quan quản lý văn hóa ở địa phương, cần sớm quan tâm tới việc tuyên truyền, động viên dân cư tổ chức, xây dựng lối sống văn hóa - văn minh.
Nhà đầu tư, ban quản lý cần xây dựng một khuôn mẫu đạo đức, hướng người dân vào khuôn mẫu đó và có chế tài xử lý những hành vi thiếu văn hóa, làm ảnh hưởng tinh thần và sức khỏe cho người khác, làm ô nhiễm môi trường công cộng... Như vậy sẽ dần tạo ra nền tảng văn hóa, hình thành lối ứng xử văn minh cho các cư dân.