Bi hài chuyện 'tâm linh' mùa thi

Đến mùa thi học sinh, phụ huynh “rồng rắn” đi xem bói, cầu cúng. (Ảnh: học sinh xếp hàng vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám)
Đến mùa thi học sinh, phụ huynh “rồng rắn” đi xem bói, cầu cúng. (Ảnh: học sinh xếp hàng vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một mùa thi nữa lại tràn về trên khắp mọi miền Tổ quốc. Bên cạnh những căn phòng chong đèn “dùi mài kinh sử” đến tận khuya, còn đó các sĩ tử ngày đêm đi xem bói, cầu cúng để mong thần phật “độ kiếp” đỗ được vào các trường tốp, lớp giỏi.

“Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”

Lo lắng, hoang mang trước kết quả khó dự đoán của những kỳ thi, cứ đến mùa hè, các “sạp” xem bói lại “cháy hàng”, học sinh, phụ huynh nhộn nhịp đến xem. Thậm chí nhiều người xem bói ở nhiều nơi một lúc để an định tinh thần của mình.

Em Nguyễn Lan Anh (Tây Hồ, Hà Nội) năm nay thi vào lớp 10, em đăng ký thi Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) hệ không chuyên. Chọn thi trường tốp đầu, nên dù có lực học tốt, nhưng Lan Anh vẫn rất lo lắng, đặc biệt là môn Ngữ văn: “Từ đầu năm đến giờ, em đã đi xem bói bốn, năm chỗ từ bói tarot, bài tây, xem chỉ tay,.. để hỏi về vấn đề thi cử”. Nghe ở đâu có thầy xem hay, xem tốt, Lan Anh giấu bố mẹ, sử dụng tiền tiết kiệm rủ bạn bè cùng đi, những thầy bói phán em sẽ đủ điểm đỗ, Lan Anh rất vui mừng. Ngược lại, khi nghe được thông tin trái với mong muốn, tâm trạng của em rơi vào suy sụp cả ngày. Mặc dù đã kết thúc kỳ thi vào 10, nhưng tâm trạng của Lan Anh vẫn vô cùng bối rối: “Mỗi thầy có một kết quả bói khác nhau khiến em rất hoang mang. Dù đã thi xong, nhưng em vẫn chưa thể thả lỏng tinh thần thư giãn, nghỉ ngơi như bạn bè đồng trang lứa”.

Xem bói đề thi đang được nhiều thí sinh quan tâm trong nhiều năm trở lại đây. Em Nguyễn Minh Phúc (TP HCM) bày tỏ, năm nay, em dự định dùng điểm thi THPT Quốc gia để xét tuyển vào Trường Đại học Luật TP HCM. Minh Phúc cho biết: “Em lựa chọn ban D (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) để xét tuyển. Môn Ngữ văn có rất nhiều tác phẩm phải học, nên em vô cùng lo lắng”. Dù còn vài tuần nữa mới đến kỳ thi, nhưng Phúc đã xem bói đề thi ba, bốn nơi nổi tiếng ở TP HCM. Em chia sẻ: “Mỗi lần coi bói rẻ nhất là 300 nghìn đồng, đắt nhất lên đến gần 1 triệu. Em cảm thấy xứng đáng, vì đây đều là những thầy bói nổi tiếng và được nhiều học sinh biết đến”.

Không chỉ xem bói với quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, cứ đến mùa thi để bảo đảm con em mình không xảy ra bất cứ đề “xui xẻo” nào các gia đình cũng chuẩn bị rất kỹ lưỡng mọi thứ. Từ việc ăn uống trước ngày thi cho đến chọn giờ “xuất hành”, phương hướng đến điểm thi, ngay cả việc ai đưa đi thi cũng cần được các gia đình thảo luận, bàn bạc chặt chẽ, tránh chọn người không hợp tuổi với các thí sinh.

Chị Nguyễn Phương Thảo (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, năm nay con chị thi vào lớp 10 công lập. Trước kỳ thi ba ngày, chị đã cùng con đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám để thắp hương, đốt vàng mã, đọc bài khấn hy vọng đỗ được vào ngôi trường mơ ước: “Tôi được các phụ huynh có kinh nghiệm đưa con đi thi khuyên nên ra Văn Miếu - Quốc Tử Giám thắp hương, đọc văn cúng có ghi tên trường, nguyện vọng và số điểm mong muốn đạt được”. Chị Phương Thảo cho rằng thi cử 50% phụ thuộc vào “vận may” nên chị cố gắng hết sự để con đạt được kết quả tốt nhất trong kỳ thi.

Cực đoan hơn, nhiều gia đình còn nhờ thầy bói chọn ngành nghề, trường thi cho các em học sinh, bỏ qua khả năng, sở trường của mỗi bạn. Nguyễn Khánh Ly (THPT Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, năm nay em thi tốt nghiệp THPT quốc gia, trước kỳ thi, bố mẹ đã đưa em đi xem bói để chọn ra ngành nghề phù hợp. Em cho biết: “Thầy bói xem lá số tử vi của em và kết luận, số em hợp với những ngành nghề như làm Marketing, PR, Truyền thông, dù em có sở trường về việc tính toán, nhưng lời thầy bói đã phán khiến em rất hoang mang, bối rối khi chọn nghề”.

Phép vua thua lệ... thầy bói

Vì mê tín, mà nhiều phụ huynh, học sinh gặp phải những câu chuyện bi hài trong các kỳ thi. Chị Nguyễn Thị Thủy (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, năm nay chị được cả dòng họ giao nhiệm vụ đưa cháu trai đi thi vào Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội): “Tôi và cháu trai hợp tuổi nhau, nhà tôi có hai con đang học những trường chuyên ở Hà Nội, nên cả dòng họ họp bàn và quyết định để tôi đưa cháu đi thi lấy “vía” may mắn”. Gia đình của chị Thủy cẩn thận đến mức mời thầy bói về xem ngày, xem giờ tốt để hai bác cháu “xuất kích” đến điểm thi.

Chị chia sẻ, 8 giờ 30 phút buổi sáng, cháu sẽ bước vào thi môn đầu tiên. Theo thầy bói, đúng 7 giờ hai bác cháu mới được xuất phát từ nhà đi đến điểm thi. Nhà xa trường hơn 10km, cộng thêm nhiều cung đường tắc nghẽn, phải đến sát giờ thi, hai bác cháu mới đến nơi: “Lúc đến nơi, tình nguyện viên không cho phụ huynh vào vì sắp đến giờ thi, cháu của tôi rất vội vàng di chuyển đến phòng thi. Tôi chỉ lo cháu quên giấy tờ, dụng cụ học tập sẽ không thể kịp quay về nhà lấy”.

Nhiều câu chuyện bi hài vì phụ huynh, học sinh quá tin lời thầy bói. (Ảnh trong bài: PV)

Nhiều câu chuyện bi hài vì phụ huynh, học sinh quá tin lời thầy bói. (Ảnh trong bài: PV)

Có những trường hợp, phụ huynh đi xem bói, mua rất nhiều bùa, vật phẩm phong thủy may mắn để học sinh đem vào phòng thi. Em Nguyễn Hoàng Anh (Đông Anh, Hà Nội) năm nay dự thi vào lớp 10 công lập cho biết, trước khi đi thi, bố mẹ em đi xin bùa may mắn để em đem vào phòng thi: “Sợ bùa bình an bị rơi ra ngoài, bố mẹ em cẩn thận mua bốn cái, một cái đeo trên cổ, một cái đeo ở tay, một cái cất trong túi quần và một cái để trong hộp bút đem vào phòng thi. Mẹ em dặn tuyệt đối không được vứt đi”. Vì xấu hổ với bạn bè và sợ vi phạm quy chế thi, Hoàng Anh quyết định bỏ lại hai bùa bình an trong cặp để ở ngoài phòng thi. Em cũng không dám kể cho bố mẹ biết.

Ngoài việc chọn giờ xuất hành, đeo các vật phẩm phong thủy bình an, nhiều phụ huynh, thí sinh cẩn thận đến mức chọn màu sắc trang phục, đồ ăn để đem lại may mắn trong kỳ thi. Câu chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu như không gây ra những tình huống “oái oăm” cho các thí sinh.

Em Nguyễn Phương Ly (Đống Đa, Hà Nội) năm nay tham gia kỳ thi Đánh giá năng lực tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vào tháng 5 vừa qua, kể lại: “Ngày đi thi, bố mẹ đã chuẩn bị tất cả các món màu đỏ, từ xôi gấc, nước ép dưa hấu, dâu tây,... cho tới việc bắt em phải mặc áo màu đỏ dù hôm đó thời tiết rất oi bức. Không biết bố mẹ học được từ ai, nhưng đã viết một dãy số may mắn lên tờ giấy đề can có ghi họ tên, ngày tháng năm sinh và để trong giầy của em”. Phương Ly cho biết, thi tốt hay không thì em chưa thấy, nhưng hôm đó do ăn quá no nên bụng em vô cùng khó chịu, cộng thêm việc phải mặc màu áo đỏ đô giữa thời tiết oi bức, bên trong giầy có một tờ giấy cọ vào gan bàn chân. Ly tâm sự: “Ngồi trong phòng thi mà em “dở khóc, dở cười” vì khó chịu trong người, bài thi cũng không hoàn thành thuận lợi như mong muốn”.

Đừng để việc xem bói ảnh hưởng đến học tập

Sau kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Trần Gia Bảo (Hai Bà Trưng, Hà Nội) ngậm ngùi thi trượt vào ngôi trường mơ ước. Em cho biết, theo lời thầy bói năm nay em sẽ đỗ vào ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học Công nghệ (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), nhưng em thiếu rất nhiều điểm mới đủ để đỗ vào ngành: “Thầy phán em cần thi một lần là đỗ ngay, dù trường mở rất nhiều lượt đăng ký thi, nhưng tin lời thầy bói, em chỉ đăng ký đợt thi vào ngày 12/5”. Sau khi thi trượt, Gia Bảo bắt đầu quyết tâm nỗ lực học tập thật tốt để hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia năm 2024, đồng thời tham dự kỳ thi Đánh giá tư duy của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Em chia sẻ: “Đây như một “đòn giáng” khiến em nhận ra không thể mải mê xem bói mà bỏ bê việc học hành”.

Khác với Trần Gia Bảo, chị Minh Tâm (Cầu Giấy, Hà Nội) có con thi vào lớp 10 năm nay cho biết: “Cháu đăng ký thi vào Trường THPT Cầu Giấy, sức học của cháu tương đối tốt. Đầu năm nay, cháu cùng bạn bè đi xem bói tarot về việc thi cử, thầy bói phán cháu sẽ thi trượt. Cháu rất buồn, mất hết ý chí học hành”. Gia đình chị Tâm vẫn luôn động viên, sát cánh bên con, đưa ra lời khuyên đúng đắn. Sau kỳ thi vào lớp 10 các trường công lập, chị Tâm vui vẻ cho biết: “Cháu đã hoàn thành bài thi rất tốt, dự đoán sẽ đạt được kết quả như mong đợi”.

Cô Chu Hà Phương (giáo viên Trường THCS Trương Công Giai, Hà Nội) cho biết, áp lực từ việc thi cử rất lớn, khiến học sinh, phụ huynh muốn tìm đến việc xem bói, cầu cúng như một biện pháp để “an định” tinh thần. Tuy nhiên, có rất nhiều em học sinh lệ thuộc vào lời thầy bói phán, bỏ bê học tập, từ đó mất thời gian vào những việc vô bổ, dẫn đến thi trượt các ngôi trường mơ ước. Cô Phương đưa ra lời khuyên: “Học tập là một chặng đường dài, học sinh cần phải học thực chất, tự cố gắng, phấn đấu, không nên dựa dẫm vào việc mê tín dị đoan. Thay vì tốn thời gian, tiền bạc, công sức đi xem bói toán, cầu cúng, học sinh nên chú tâm học tập, rèn luyện trí tuệ và bản lĩnh cho mình”.

Tin cùng chuyên mục

Triển lãm "Sáng đạo trong đời" diễn ra từ ngày 21-28/11/2024 tại Trung tâm triển lãm Tràng Tiền (Hà Nội). (Ảnh: Thùy Dương)

51 tác phẩm độc đáo tại triển lãm 'Sáng đạo trong đời'

(PLVN) - Bằng những nét vẽ và cách thể hiện tinh tế trên các chất liệu hội họa, 12 hoạ sỹ tham gia triển lãm “Sáng đạo trong đời” đã tái hiện lại những hình ảnh, biểu tượng quen thuộc của Phật giáo theo cách riêng, đưa người xem vào một hành trình tâm linh độc đáo và cảm xúc.

Đọc thêm

Tha thứ - Liều thuốc chữa lành tâm hồn

Tha thứ - Liều thuốc chữa lành tâm hồn
(PLVN) - Trong cuộc sống, tha thứ không chỉ là cách giúp người khác có cơ hội sửa sai, mà còn là liều thuốc giúp chính chúng ta nhẹ nhõm hơn, bớt đi những gánh nặng tâm hồn.

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

(PLVN) - Những năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến, tăng trưởng hàng năm và có những tác phẩm “ăn khách”.Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, ngành điện ảnh vẫn đang đối mặt với những khó khăn, rào cản về chi phí, đặc biệt vấn đề dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng - GTGT (sửa đổi) sắp tới.

Đạo làm người – con đường khó nhất

Đạo làm người – con đường khó nhất
(PLVN) - Mỗi tôn giáo, mỗi đạo lý đều dạy chúng ta cách sống hiền lành, tử tế, biết yêu thương và đối xử tốt với nhau. Nhưng trong tất cả các đạo, có lẽ đạo làm người là con đường khó nhất để thực hành.

Lặng lẽ với chính mình

Ảnh minh họa
(PLVN) - Sau những đêm trắng sẽ luôn là ánh bình minh. Và đôi khi, chỉ cần một tia sáng nhỏ bé cũng đủ để soi rọi cả một đêm dài.

Huế thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam

Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa” thu hút hàng nghìn người dân, du khách tham dự.
(PLVN) - Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong việc tổ chức một hình thái lễ hội đương đại mang tầm quốc gia, quốc tế. Trải qua hơn 24 năm tồn tại và phát triển, Festival Huế đã khẳng định được thương hiệu trong lòng du khách gần xa. Festival Huế đã là một sự kiện văn hóa tiêu biểu, trở thành thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế, là dịp để giới thiệu và quảng bá hình ảnh, đất nước, con người và văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Huế nói riêng một cách sinh động.

Hơn 300 doanh nghiệp Quảng Ninh tung gói kích cầu mùa du lịch cuối năm 2024

Một góc TP Hạ Long, Quảng Ninh điểm đến thân thiện và an toàn.
(PLVN) -  Ngày 20/11, Sở Du lịch Quảng Ninh phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh và Tập đoàn Sun Group tổ chức lễ công bố chương trình kích cầu du lịch “Quảng Ninh - Điểm đến bốn mùa”. Chương trình nhằm tăng sức hút du khách dịp cuối năm 2024. Thu hút h ơn 300 doanh nghiệp từ các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan, và du thuyền đã tham gia .

Nâng hình ảnh địa phương thu hút và hấp dẫn

Cuốn sách “Thương hiệu địa phương: Hình ảnh và bản sắc góp phần thu hút du lịch và môi trường văn hóa, kinh tế phát triển (ảnh T.T)
(PLVN) - Ngày 20/11/2024, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật giới thiệu cuốn sách “Thương hiệu địa phương: Hình ảnh và bản sắc” do Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung biên soạn. Cuốn sách tập trung làm rõ nhiều nội dung và phạm trù gắn với hình ảnh và bản sắc của địa phương cũng như cách thức vận hành để đạt đến một hình ảnh địa phương thu hút và hấp dẫn.