[links()] Ông bố say rượu, giết gà, đập trứng của con. Con quyết định bắt bố ra tòa hầu kiện đòi bồi thường. Chuyện tưởng như lời tấu hài của bác Ba Phi, nhưng lại đang xảy ra và không chỉ như một lời mua vui, chọc cười.
Say sưa trút giận vào gà
ảnh minh họa |
Trưa 27/5/2011, sau cơn say chỉ còn trời và đất chao đảo, ông Tính (huyện Đất Đỏ - tỉnh bà Rịa Vũng Tàu) ngật ngưỡng về nhà. Cả ngôi nhà yên ắng lạ thường, duy nhất có con gà mái đang nằm ổ như ngửi thấy hơi men và quen với những trận “cuồng phong” của ông chủ mỗi khi say rượu, nên giật mình thoảng thốt. Ông say rượu tiến lại chỗ con gà đang nằm ổ, nắm đầu con gà, lôi lên, quật nó chết ngay tại chỗ. Khốn nỗi, con gà đó lại thuộc quyền sở hữu của anh Quảng - con trai ông Tính. Chiều đến, đi nhậu xỉn về, vẫn ám ảnh về tiếng con gà te tái cục tác lúc trưa, ông tiếp tục ra tay đập vỡ 14 quả trứng đang côi cút nằm trên ổ.
Chẳng hiểu vì tiếc con gà đang nằm ổ, và 14 quả trứng sắp sửa tách vỏ thành những chú gà con , hay vì ức chế chuyện ông bố đã “xâm phạm tài sản riêng tư” mà anh Quảng đã trình báo sự việc lên công an xã.
Từ thủa cha sinh mẹ đẻ, mấy cán bộ công an thụ lý vụ án, chỉ thấy chuyện con giết gà, đập trứng thiết đãi bố, chứ chưa thấy trường hợp nào con lại kiện bố vì con gà chết và mấy quả trứng vỡ. Thế nên họ còn loay hoay chưa biết xử lý thế nào.
Về gia đình ông Tính, từ khi con gà mái thiệt mại, bố con lời qua tiếng lại, lúc tỉnh lúc say, không khí gia đình rất căng thẳng. Ba ngày sau, lại nhằm lúc say, ông bố tới bên ổ gà, đập nốt 4 quả trứng còn lại... cho bõ tức. Đập xong, chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, ông Tính tóm tiếp con gà trống đang đứng gần đó đập xuống đất. Rất may là số phận của con trống này không đen đủi như “mụ vợ” của nó, nên con trống chỉ bị gãy chân mà không chết.
"Dạy bố" bằng luật
“Gà trống mà gãy chân thì còn đạp mái làm sao được!”. Càng nghĩ, càng tức, anh con trai cảm thấy không thể tha thứ cho ông bố nát rượu vì đã giết gà mái, đập vỡ trứng, lại làm con gà trống… mất khả năng sinh sản, nên một lần nữa gửi đơn lên công an xã. Trong đơn, anh đòi bố bồi thường cho mình 700.000đồng. Số tiền này tương ứng với giá trị con gà mái và ổ trứng bị “thiệt mạng” và con gà trống bị què chân, mất chức năng sinh sản.
Bị mời lên công an xã làm việc, phải đối mặt với “trát đòi nợ” của con, ông bố nhất quyết cho rằng mình chỉ đập vỡ có 4 quả trứng. Ông phủ nhận hoàn toàn việc gà mái bị chết, gà trống bị què, và 14 quả trứng bị vỡ khi sắp đến ngày “khai hoa nở nhụy”.
Dù cho vợ của ông- cũng là mẹ của nguyên đơn, người bị hại, trong vai trò của người làm chứng duy nhất, khẳng định toàn bộ sự việc đúng như con trai khai báo, nhưng ông vẫn nhất quyết không chịu bồi thường. Vụ việc kéo dài hơn nửa năm mà chưa đến hồi chấm dứt. Sau rất nhiều lần hòa giải không thành, anh con trai quyết định chính thức viết đơn khởi kiện bố đến tòa án nhân dân huyện.
Có hay không những thiệt hại của nguyên đơn trong vụ án này? Đây là câu hỏi khá quan trọng để cán bộ tòa án huyện Đất Đỏ quyết định thụ lý hồ sơ vụ việc. Một vị trực tiếp thụ lý vụ án cho hay: Mẹ anh Quảng chưa phải là nhân chứng thuyết phục trong vụ việc, hơn nữa, việc người bố đánh gà và đập trứng không được cơ quan, tổ chức nào ghi lại ngay khi xảy ra nên không có chứng cứ. Tuy nhiên, bởi ông Tính có thừa nhận đập bốn quả trứng gà tương ứng với khoảng 20.000 đồng và anh Quảng xin được đóng tạm ứng án phí, yêu cầu tiếp tục vụ kiện, đặc biệt là sau khi tìm hiểu nguyên nhân, sâu xa của vụ việc, Tòa án nhân dân huyện Đất Đỏ - tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã quyết định thụ lý hồ sơ vụ án. Vậy là yêu cầu đòi bố bồi thường 700.000 đồng vì đã dám đập trứng, giết gà của con, đã được tòa án tiếp nhận.
Được biết, nguyên nhân sâu xa của vụ việc không phải là bởi anh con trai không biết đạo hiếu với bậc sinh thành, cũng không phải anh xót con gà mái bị chết, thương con gà trống bị què chân, tiếc mấy quả trứng sắp nở, mà bởi anh muốn bố mình có một bài học, nhận thấy hậu quả của việc để con ma men sai khiến, làm những điều ảnh hưởng đến vợ con, đến cuộc sống gia đình. Điều mong muốn của anh không phải là đôi gà và mấy quả trứng, cũng không trông chờ bố anh có thể đền bù cho anh 700.000 đồng, mà anh chỉ muốn có sự can thiệp của pháp luật, để bố anh tu tỉnh, thay đổi, không nhậu nhẹt rồi đánh đập vợ con, phá hoại đồ đạc.
Việc say xỉn triền miên của ông Tính cũng được thừa nhận, bởi chính quyền xã. Nhiều năm nay, ông Tính thường xuyên nhậu nhẹt say xỉn, về nhà chửi mắng vợ con. Thậm chí, khi vợ con mua gà, bò về chăn nuôi để có thêm thu nhập, ông Tính mỗi lần nhậu say, vẫn về đập phá chuồng gà, đòi chém cả bò của con. Những trận đánh vợ, chửi con, đập phá đồ đạc của ông Tính ngày càng nhiều hơn khiến gia đình lục đục, Tình cảm bố con, vợ chồng cũng vì thế mà cạn dần đi. Và như đến bước đường cùng, anh con trai quyết định kiện bố ra tòa bởi nguyên nhân khiến nhiều người phải ngạc nhiên sửng sốt.
Hoàn toàn có căn cứ khởi kiện nhưng...
Có lẽ, với cái tài, cái tâm của người cán bộ tòa án, chuyện con kiện bố hi hữu này sẽ không phải đưa ra xét xử, mà được giải quyết êm thấm trong phiên hòa giải dân sự. Rất có thể, ông bố sẽ tỉnh ngộ khi nhận ra rằng bởi cơn ma men đã khiến ông mất đi nhiều thứ quý giá trong cuộc sống. Rất có thể, dù không nhận được số tiền 700.000đ tương ứng với số tài sản bị thiệt hại, người con cũng sẽ hài lòng với mục đích mong muốn lớn nhất của mình. Nhưng câu chuyện này cũng là bài học lớn về đạo làm con, làm cha trong gia đình thời hiện đại.
Theo ông Nguyễn Văn Nam – cán bộ Tòa Dân sự - Tòa án nhân dân Tối cao, nguyên cớ để khởi kiện vụ án này hoàn toàn có cơ sở. Đối với những tranh chấp bồi thường về tài sản về nguyên tắc là không có quy định hạn mức tối thiểu để Tòa án thụ lý giải quyết nên anh Quảng có thể khởi kiện và Tòa án phải thụ lý giải quyết.
Về thẩm quyền, theo Khoản 6 Điều 25 Bộ luật Tố tụng Dân sự thì anh Quảng có quyền khởi kiện ông Tính để yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo quy định tại Điều 607 BLDS 2005 và Điều 159 BLTTDS thì thời hiệu khởi kiện là 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích của anh Quảng bị xâm phạm. Đây là tranh chấp không cần thiết phải hòa giải tại cơ sở nên anh Quảng có quyền khởi kiện ngay ra Tòa án nhân dân huyện để yêu cầu được giải quyết.
Về phương diện đạo đức thì việc con kiện cha chỉ vì một tài sản không lớn là không phù hợp. Tuy nhiên, ông Tính là người thường xuyên say xỉn và gây gổ nên việc khởi kiện của anh Quảng tuy không phù hợp nhưng có thể chấp nhận được. Tựu chung vụ việc này, là tranh chấp nhỏ trong đời sống xã hội, pháp luật khuyến khích việc hòa giải tại cơ sở để giải quyết tranh chấp. Xét cho cùng thì hòa giải thành mới là biện pháp giải quyết tranh chấp tốt nhất nó triệt tiêu những mâu thuẫn sau này có thể phát sinh và giữ được tình cảm của những người tranh chấp.
Nếu những việc tranh chấp nhỏ nào cũng yêu cầu Tòa án giải quyết thì Tòa án không thể giải quyết hết được việc. Hơn nữa, Tòa án cũng chỉ một kênh để giải quyết tranh chấp mà người dân lựa chọn.
Mộc Miên