Lập facebook giả để lừa tiền quyên góp
Tối 26/8/2018, Đàm Vĩnh Hưng công khai clip phối hợp cùng công an hình sự xử lý một trường hợp giả mạo facebook cá nhân. Nam ca sĩ đã phải ra tận Nghệ An, tìm đến nhà người giả mạo facebook anh để "nói chuyện phải trái" sau một thời gian cảnh báo nhưng không thành. Facebooker nói trên đã lập một facebook giả mạo trang cá nhân của Đàm Vĩnh Hưng, "có đầu tư" đến mức nam ca sĩ đăng bài viết nào facebook này cũng cập nhật ngay, facebook thật đổi hình gì facebook giả cũng đổi theo như thế.
Không dừng lại ở đó, kẻ giả mạo còn giả danh Đàm Vĩnh Hưng để đưa ra những phát ngôn bậy bạ, kích động anti-fan khiến nhiều người hâm mộ (fan) hiểu lầm vào chỉ trích Đàm Vĩnh Hưng là người nổi tiếng mà ăn nói thiếu văn hoá, thậm chí nhiều fan của Đàm Vĩnh Hưng đã mâu thuẫn nhau gay gắt từ lời nói của kẻ giả mạo này.
Đàm Vĩnh Hưng đã nhiều lần liên lạc, cảnh báo với chủ nhân facebook này mà không thành. Để bảo vệ mình, nam ca sĩ phải nhờ cậy đến cơ quan điều tra và bạn bè để tìm ra nhà riêng của kẻ giả mạo, bay ra tận Nghệ An để nói chuyện, yêu cầu người kia viết cam kết không tái phạm.
Trước đó, nữ diễn viên Nhật Kim Anh cũng đã phải dùng giải pháp tương tự khi có một anti-fan liên tục đặt điều nói xấu cô trên một nhóm giải trí: ngủ với nhiều người trong showbiz, hám tiền, lấy chồng đồng tính... Nhật Kim Anh cũng phải nhờ đến cơ quan điều tra để có được địa chỉ nhà riêng và “đến làm ra lẽ”, cảnh cáo anti-fan nói trên, sau đó sự việc mới chấm dứt.
Những ngày qua, NSND Hồng Vân và nghệ sĩ Quốc Thuận cũng bức xúc vì những facebook giả tên mình để vòi vĩnh khán giả ủng hộ cho nghệ sĩ Lê Bình và diễn viên Mai Phương. Hoa hậu Thu Thảo cũng từng bị một phụ nữ giả danh quản lý để lừa đảo, kêu gọi quyên tiền từ thiện, cũng như thay cô ký những hợp đồng thương mại nhằm chiếm đoạt tiền. Đỉnh điểm là việc người này tự ý thay mặt cô để ký hợp đồng đóng phim cho Thu Thảo và yêu cầu nhận trước 30% giá trị hợp đồng.
Không chỉ bị làm facebook giả để lừa khán giả ủng hộ, các sao Việt còn bị lợi dụng quảng cáo sản phẩm nào đó. Diva Mỹ Linh đã bày tỏ sự bức xúc về việc một website mạo danh vợ chồng chị để quảng cáo thuốc chống ngáy ngủ.
Trước đó, từ các tỉnh, thành lớn nhỏ đến các fanpage bán hàng online giả mạo hình ảnh người nổi tiếng xuất hiện tràn ngập khắp nơi, nhiều nhất là Ngọc Trinh, Phương Trinh, Hồ Ngọc Hà...
Cần nhờ pháp luật xử lý
Còn nhớ, cách đây vài năm, hình ảnh Hoa hậu Kỳ Duyên bị cắt ghép để làm poster quảng cáo cho bìa đĩa sex và phòng khám dành cho nam giới lớn tuổi tại Nhật Bản. Đây không chỉ “hạ nhục” hình ảnh Kỳ Duyên mà còn ảnh hưởng lớn tới phụ nữ Việt Nam bởi cô đang là đương kim Hoa hậu Việt Nam.
Đầu năm 2008, MC kiêm diễn viên Đan Lê vướng tin đồn lộ clip sex. Cư dân mạng truyền tay nhau một clip ngắn và cho rằng nhân vật nữ chính giống Đan Lê. Sự việc cũng dần dần lắng xuống sau khi Đan Lê và công chúng chỉ ra cô gái trong clip đen nói tiếng nước ngoài.
Thực tế, chuyện người nổi tiếng bị bêu riếu, nói xấu, giả mạo và xúc phạm không quá hiếm trên mạng xã hội. Nhưng người đủ mạnh mẽ và quyết tâm để "làm đến cùng" nhằm bảo vệ mình cũng không mấy ai. Để yên chuyện, nhiều sao vẫn chọn cách "sống chung với tai tiếng" cho xong. Như trường hợp của Hồ Ngọc Hà.
Hồ Ngọc Hà có lẽ là ca sĩ có lượng anti-fan nhiều nhất trong showbiz Việt. Tên tuổi, mọi hình ảnh của Hồ Ngọc Hà hầu như xuất hiện hàng ngày trên các hội, nhóm bàn tán về showbiz với lời lẽ không hay, thậm chí có hẳn những nhóm kín lập ra chỉ chuyên để... nói xấu Hồ Ngọc Hà. Tuy nhiên, đối phó với vấn nạn này, Hồ Ngọc Hà vẫn chỉ bình tĩnh, thậm chí mới đây cô còn cảm ơn anti-fan đã tạo áp lực cho mình cố gắng.
Không mạnh mẽ như Hà Hồ, nhiều sao Việt khác đã phải chấp nhận tình trạng này trong tâm thế bức bối, bất lực, thậm chí nhiều sao phát khóc, sốc và trầm cảm. Đan Lê cho biết cô đã mất 3 tháng nghỉ không lương để tập trung theo đuổi vụ kiện. Cũng trong ba tháng đó, cô trải qua cuộc tra tấn thực sự về tinh thần khi phải đọc hàng nghìn bình luận, đàm tiếu, phán xét, chụp mũ độc ác.
Việc lập facebook giả mạo người khác là hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Công nghệ thông tin và các văn bản hướng dẫn luật này. Nếu cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu dùng facebook giả mạo xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác thì có thể cấu thành tội làm nhục người khác theo quy định tại Bộ luật Hình sự.
Đàm Vĩnh Hưng, Đan Lê chỉ là số hiếm nghệ sĩ Việt nhờ pháp luật bảo vệ danh dự cho mình. Trên thực tế, có nhiều nghệ sĩ ngại va chạm hoặc nghĩ quy trình kiện tụng khá phức tạp và mất nhiều thời gian theo đuổi mà chọn cách bỏ qua, “ngậm đắng, nuốt cay” khi thấy hình ảnh mình bị bôi nhọ, lợi dụng vào mục đích xấu chứ không nhờ đến pháp luật bảo hộ quyền lợi.
Nếu vậy, đến bao giờ, hình ảnh nghệ sĩ bị xâm phạm cũng như vi phạm về quyền hình ảnh, quyền riêng tư tràn lan như hiện nay mới được chấm dứt?