Ngay từ sáng sớm, hàng trăm phóng viên các báo, đài đã có mặt quanh khu vực TAND TP HCM để theo dõi phiên tòa liên quan tới Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và nhiều đơn vị liên quan.
Bị cáo Lan (áo trắng), bị cáo Đỗ Thị Nhàn (áo vàng) đứng hàng đầu |
Trong phần kiểm tra lý lịch các bị cáo, Trương Mỹ Lan tỏ ra hết sức bình tĩnh, khai về nhân thân của mình. Theo đó, bị cáo sinh ngày 13/10/1956, tại TP HCM. Bị cáo là người dân tộc Hoa, có chồng là Chu Lập Cơ sinh năm 1956 và có 2 con sinh năm 1994 và 1995. Trước khi bị khởi tố, bị cáo là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bị cáo bị bắt tạm giam khoảng 8h đêm ngày 06/10/2022 khi đang đi trên đường (theo cáo trạng là ngày 08/10/2022). Thấy có sự chênh lệch về số ngày nên chủ tọa đã đề nghị HĐXX VKS kiểm tra lại mốc thời gian.
Trong vụ án này, ngoài bị cáo Trương Mỹ Lan còn có 85 bị cáo khác. Nhìn chung các bị cáo đều bình thản tại phiên tòa. Riêng bị cáo Đỗ Thị Nhàn được cho là gầy hơn, xuống sắc so với lúc trước khi bị bắt.
Khung cảnh bên trong phòng xử |
Hiện HĐXX vẫn tiếp tục phần kiểm tra lý lịch với các bị cáo và những người liên quan.
Theo cáo trạng vụ án, trong số 86 bị cáo trong vụ án này, có 13 bị cáo bị truy tố ở mức hình phạt cao nhất là tử hình. Trong đó, Trương Mỹ Lan bị truy tố 3 tội danh là “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ”. Một số bị cáo bị truy tố hai tội danh.
Ở hành vi “Tham ô tài sản” thuộc nhóm Vạn Thịnh Phát và SCB có 11 bị cáo bị truy tố khung tử hình, gồm Trương Mỹ Lan (sinh năm 1956 - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Đinh Văn Thành (sinh năm 1971, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB), Võ Tấn Hoàng Văn (sinh năm 1973, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), Tạ Chiêu Trung (TGĐ Công ty CP Tài chính Việt Vĩnh Phú - nguyên Thành viên HĐQT Ngân hàng SCB), Trương Khánh Hoàng (sinh năm 1986, nguyên quyền TGĐ Ngân hàng SCB), Trần Thị Mỹ Dung (sinh năm 1985, nguyên Phó TGĐ Ngân hàng SCB), Hồ Bửu Phương, Nguyễn Phương Anh, Đặng Phương Hoài Tâm, Trương Huệ Vân (sinh năm 1988, TGĐ Tập đoàn Quản lý Bất động sản Windsor).
Bị cáo Trương Huệ Vân (cháu của bị cáo Trương Mỹ Lan) bị truy tố ở khung tử hình về hành vi tham ô tài sản |
Cùng bị truy tố về tội tham ô với khung hình phạt tử hình còn có Dương Tấn Trước (sinh năm 1983, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Tường Việt vì có hành vi giúp sức, đồng phạm với Trương Mỹ Lan tham ô hơn 4,7 nghìn tỷ đồng.
Ngoài nhóm Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và doanh nhân Dương Tấn Trước thì chung khung hình phạt tử hình còn có bị cáo Đỗ Thị Nhàn (sinh năm 1966, nguyên Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) bị truy tố về hành vi “Nhận hối lộ” với 5,2 triệu USD.
Các bị cáo còn lại của nhóm Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB bị truy tố về một trong hai tội danh “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.
Nhóm bị cáo thuộc quan chức Nhà nước như: Nguyễn Văn Hưng, Nguyễn Thị Phụng, Bùi Tuấn Khoa, Vương Đỗ Anh Tuấn, Trần Văn Tuấn, Lê Thanh Hà, Nguyễn Văn Thùy, Nguyễn Tuấn Anh, Vũ Khánh Linh, Trương Việt Hưng, Nguyễn Duy Phương, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Thị Phi Loan, Võ Văn Thuần, Phan Tấn Trung, Nguyễn Tín, về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Riêng bị cáo Nguyễn Văn Du (nguyên Quyền Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) bị truy tố về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng).
Đáng chú ý, trong vụ án này còn có bị cáo Nguyễn Cao Trí (sinh năm 1970, quê Lâm Đồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư và Quản lý giáo dục Văn Lang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Capella) bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với số tiền 1.000 tỷ đồng của bà Trương Mỹ Lan.