Sơ yếu lý lịch chỉ có giá trị pháp lý khi có chứng thực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Và theo quy định, việc chứng thực vào Sơ yếu lý lịch của UBND cấp xã chỉ là chứng thực chữ ký của công dân mà không cần xác nhận hay ghi thêm những nội dung khác. Nhưng trong nhiều trường hợp, vì những lý do khó biện minh, UBND cấp xã đã “tiện tay” “chứng” thêm nhiều nội dung không thuộc thẩm quyền, gây bất lợi cho người dân.
Gia đình khiếu nại, con lãnh nạn
Nguyệt là con gái út trong gia đình làm nghề nông. Cha mẹ cô nuôi chị cả và anh hai học đến đại học, cao đẳng cũng nhờ vào những đồng tiền bán thóc gạo và chăn nuôi lợn, gà. Ngoài 5 sào ruộng hai vụ lúa, gia đình Nguyệt còn có một đầm rộng để thả cá và nuôi vịt. Nhưng gần đây, người dân trong thôn được cán bộ xã thông báo rằng, Nhà nước đã có quyết định thu hồi gần như toàn bộ diện tích cánh đồng trồng lúa của thôn để thực hiện dự án xây dựng khu liên cơ hành chính của huyện.
Do tiền đền bù, hỗ trợ về đất và hoa màu mà người dân nhận được quá thấp, nhiều hộ gia đình không nhận số tiền ít ỏi đó, đồng thời họ làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng đề nghị giải quyết. Gia đình Nguyệt cũng nằm trong số ấy.
Đang trong lúc bế tắc vì chưa có việc làm thì ông chú ruột xin cho Nguyệt đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan làm công nhân may mặc với mức lương gần hai chục triệu đồng mỗi tháng. Nguyệt làm hồ sơ cho chuyến xuất ngoại. Một trong những giấy tờ không thể thiếu trong hồ sơ là bản Sơ yếu lý lịch của cô.
Rút khiếu nại mới được chứng nhận tốt
Nhưng oái oăm thay, khi Nguyệt lên UBND xã trình bày lý do để xin xác nhận vào Sơ yếu lý lịch thì vị Phó Chủ tịch xã xác nhận nội dung khá lạ: “Gia đình không chịu nhận tiền đền bù đất và hoa màu. Bản thân cô Nguyệt còn viết đơn khiếu nại lên cấp trên”.
Cầm bản Sơ yếu lý lịch trên tay, Nguyệt muốn rơi nước mắt. Những lời nhận xét của vị Phó Chủ tịch xã chẳng khác nào một vật cản lớn chặn ngang con đường đi xuất khẩu lao động của cô.
Được biết, vì chữ nghĩa của cha mẹ có hạn nên giao cho cô thảo đơn khiếu nại. Nhiều người trong xóm thấy ý tứ trong đơn của Nguyệt rành mạch nên cũng nhờ cô hướng dẫn. Có lẽ vì chuyện này mà chính quyền xã “trả đũa” chăng?
Ông chú đã gọi điện khuyên cô làm một Sơ yếu lý lịch khác và lựa lời nói khó với lãnh đạo xã để họ nhận xét tốt hơn, nếu không sẽ nhỡ chuyến đi. Nhưng dù có nói khó kiểu nào, lãnh đạo xã cũng bảo lưu quan điểm, họ còn “gợi ý” cho Nguyệt rằng, muốn có một bản lý lịch “đẹp” thì Nguyệt phải về động viên bố mẹ nhận tiền đền bù đất và rút đơn khiếu nại.
Thời gian qua, có không ít người bị UBND cấp xã làm khó khi xin xác nhận Sơ yếu lí lịch. Ngoài nhận xét “cha mẹ không tuân thủ pháp luật, đang còn nợ nhiều khoản thu của xã” hay “gia đình chưa chịu di dời nhà, trả lại mặt bằng cho dự án” mà chuyện anh trai hoặc chị gái “không thực hiện kế hoạch hóa gia đình, sinh con thứ ba, thứ tư” cũng bị chính quyền xã bút phê vào Sơ yếu lý lịch.
"Tại sao UBND xã lại tự cho mình quyền được nhận xét những nội dung gây bất lợi vào lý lịch công dân, trong khi chúng tôi chỉ cần họ xác nhận chữ ký hoặc chứng thực những nội dung đã khai về thành phần bản thân và gia đình?”- chị Nguyệt thắc mắc.
Trước khi dừng bút, chị Nguyệt cũng đề nghị PLVN tư vấn cho chị biết pháp luật hiện hành quy định về việc xác nhận Sơ yếu lý lịch của UBND cấp xã ra sao? Nếu UBND xã vẫn cố tình “bôi đen” Sơ yếu lý lịch của công dân thì họ phải khiếu nại đến đâu để được bảo vệ quyền lợi của mình?
UBND phường, xã chỉ được chứng thực chữ ký người khai lý lịch, không được ghi thêm
Hiện tại chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể và thống nhất về nội dung xác nhận sơ yếu lý lịch nên mỗi địa phương có cách vận dụng khác nhau. Để khắc phục tình trạng này, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) đã có Công văn số 1520/HTQTCT -CT ngày 20/3/2014 gửi Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Nội dung Công văn này nêu rõ: Trong thời gian chưa ban hành Luật Chứng thực, đề nghị các Sở Tư pháp chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn chỉ thực hiện chứng thực chữ ký của người khai Sơ yếu lý lịch; người khai phải tự chịu trách nhiệm về nội dung đã khai trong lý lịch.
Trong trường hợp người thực hiện chứng thực của UBND cấp xã biết rõ về nhân thân của người khai Sơ yếu lý lịch và yên tâm, tin tưởng vào nội dung đã khai trong Sơ yếu lý lịch của người đó thì xác nhận nội dung Sơ yếu lý lịch là đúng. UBND cấp xã không được ghi nội dung về việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước, địa phương vào Sơ yếu lý lịch của công dân.
Vì vậy, chị Nguyệt có thể viết một bản Sơ yếu lý lịch khác để đem đến UBND cấp xã yêu cầu xác nhận lại. Nếu cán bộ của UBND cấp xã vẫn không xác nhận theo hướng dẫn trên và có ghi những nội dung bất lợi cho chị thì chị Nguyệt có quyền khiếu nại chính UBND cấp xã đó hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.
Trường hợp chị không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.
Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì chị Nguyệt có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng Hành chính.
Luật gia Thu Hương, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp)