Theo ông Phạm Gia Huy, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) thì Tổ công tác trên gồm 3 người do Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Tổng cục làm tổ trưởng. Đơn của ông Chương có đề cập đến nhiều vấn đề (trong đó có trách nhiệm của Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT) nhưng theo thẩm quyền quản lý đảng viên thì Tổ là kiểm tra chỉ tiến hành giải quyết nội dung đơn thư liên quan đến ông Trần Quốc Tuấn.
Đang khiếu kiện việc nghỉ việc thì bị ngừng sinh hoạt đảng
Trao đổi với phóng viên về nội dung tố cáo của mình, ông Chương cho hay, “Tôi vào làm tại VFF từ năm 2010 và hai năm sau được kết nạp đảng. Sinh hoạt đảng tại Chi bộ VFF đến tháng 7/2015 thì tôi bị VFF đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Trong khi đang khiếu nại và khởi kiện việc bị chấm dứt lao động này thì tôi đã không được Chi bộ VFF tạo điều kiện cho sinh hoạt Đảng ở đây nữa. Như vậy, từ tháng 7/2015 đến nay, tôi vẫn là Đảng viên nhưng đã không được sinh hoạt Đảng.
Tôi cho rằng trách nhiệm trong vụ việc này là thuộc về ông Trần Quốc Tuấn- Bí thư Chi bộ VFF nên đã nhiều lần có đơn kiến nghị. Vào tháng 7/2016, Đảng ủy Bộ VHTT&DL đã có văn bản chuyển đơn kiến nghị của tôi (về việc đảm bảo quyền sinh hoạt đảng của đảng viên) về Đảng ủy Tổng cục TDTT giải quyết nhưng không hiểu sao đến nay vẫn chưa được trả lời”.
Được biết, vào thời điểm tháng 4/2015, khi ông Chương đang là Phó Trưởng Phòng Bóng đá phong trào, Đào tạo và Tổ chức thành viên của VFF thì bị Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng ra Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động (kể từ ngày 1/6/2015). Đến tháng 7/2015 thì ông Chương được Chi bộ thông báo để chuyển sinh hoạt đảng với lý do “Đảng viên không còn tiếp tục làm việc tại cơ quan”.
Cho rằng việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động như trên là trái quy định vì mình là lãnh đạo cấp phòng, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và còn đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở, ông Chương đã khởi kiện vụ án lao động tại Tòa án. Với diễn biến này, ông Chương cho rằng việc mình còn làm việc hay không còn làm việc tại VFF vẫn đang được cơ quan có thẩm quyền xem xét (chưa có phán quyết cuối cùng) thì ông Trần Quốc Tuấn không thể “đẩy” đảng viên đi chỗ khác được.
Tại sao ông Trần Quốc Tuấn không chuyển sinh hoạt đảng vào năm 2011?
Từ sự việc của mình, ông Chương đã so sánh với trường hợp của ông Trần Quốc Tuấn khi cho biết: “Từ năm 2011 đến tháng 3/2014, tuy đã thôi giữ chức Tổng thư ký VFF, chuyển về làm Vụ trưởng của Tổng Cục TDTT nhưng không hiểu sao ông Tuấn không làm thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng về Tổng Cục TDTT mà vẫn sinh hoạt đảng tại Chi bộ VFF. Việc ông Tuấn vào tháng 7/2015 đã vội vàng “đẩy” tôi đi sinh hoạt đảng chỗ khác trong khi tranh chấp về hợp đồng lao động chưa ngã ngũ liệu có phải là lợi dụng quy định của đảng để trù dập cá nhân?”.
Liên quan đến vụ kiện tranh chấp hợp đồng lao động trên đây thì vào tháng 9/2017, TAND TP Hà Nội đã có bản án phúc thẩm “không chấp nhận” yêu cầu hủy Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của VFF đối với ông Chương. Nhưng hiện ông Chương vẫn đang có đề nghị TAND cấp cao và VKSND cấp cao tại Hà Nội xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án trên.
Tuy bác yêu cầu khởi kiện của ông Chương nhưng Tòa cấp phúc thẩm TANDTP Hà Nội vẫn nhận định rằng, Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của VFF đã không tuân thủ quy định đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách. Lẽ ra, khi chấm dứt hợp đồng lao động với ông Chương (là thành viên của BCH Công đoàn cơ sở), VFF bắt buộc phải có thỏa thuận bằng văn bản với BCH công đoàn của Văn phòng VFF hoặc BCH Công đoàn Tổng cục TDTT. Nhưng VFF đã không thực hiện đúng quy định này (chỉ có sự tham gia của bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Công đoàn VFF nhưng bà Hà không thể đại diện cho ý kiến của toàn thể 7 thành viên còn lại của BCH công đoàn VFF như quy định của pháp luật). Do vậy, dù không thể nhận ông Chương quay trở lại làm việc thì VFF vẫn phải thanh toán cho ông Chương tiền lương hết nhiệm kỳ BCH Công đoàn cơ sở (đến 31/3/2016).
Theo một số luật sư thì nhận định trên có thể hiểu rằng, Tòa vẫn thừa nhận ông Chương được làm việc ở VFF cho đến 31/3/2016. Như vậy, việc Chi bộ VFF có đề nghị ông Chương chuyển sinh hoạt đảng “do Đảng viên không còn làm việc ở cơ quan” từ tháng 7/2015 là không đúng quy định. Ít nhất là trong 8 tháng còn lại của nhiệm kỳ công đoàn, Chi bộ VFF vẫn phải để ông Chương sinh hoạt Đảng tại VFF.
Theo điều lệ đảng thì nếu đảng viên bỏ sinh hoạt chi bộ hoặc không đóng đảng phí ba tháng trong năm mà không có lý do chính đáng thì bị xem xét xóa tên trong danh sách đảng viên. Ông Chương hoàn toàn hiểu quy định này và cho biết, “việc tôi không sinh hoạt đảng, không đóng đảng phí trong thời gian dài vừa qua không phải là lỗi cố ý của tôi. Chính Bí thư Chi bộ Trần Quốc Tuấn đã đẩy tôi vào thế “cực chẳng đã này”. Nay Đảng ủy Tổng cục TDTT có văn bản yêu cầu Chi bộ VFF triển khai thực hiện chuyển sinh hoạt đảng cho tôi thì tôi biết kiểm điểm, đánh giá về bản thân như thế nào khi gần 3 năm qua đã không được sinh hoạt đảng. Cũng ngần đó thời gian, cấp ủy VFF (đơn vị có trách nhiệm giới thiệu đảng viên chuyển sinh hoạt đảng) đã không thực hiện trách nhiệm theo dõi việc tu dưỡng, rèn luyện của Đảng viên, không thông báo cho tôi họp chi bộ thì biết nhận xét về tôi ra sao? Tôi đề nghị làm rõ trách nhiệm của ông Trần Quốc Tuấn khi đã để một đảng viên như tôi bị “bơ vơ” trong suốt gần 3 năm qua”.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin về kết quả giải quyết của Đảng ủy Tổng cục TDTT về vụ việc này.