Đến giai đoạn Trung Vương quốc, vai trò vua địa ngục được chuyển giao cho thần Osiris. Lúc này, Anubis được biết đến là người đưa linh hồn sang thế giới bên kia, đồng thời cũng tham gia vào nghi thức “cân tim” người chết.
Nghi thức “cân tim”
Trong ngôn ngữ Ai Cập cổ đại, thần Anubis này thực chất mang tên Anpu hoặc Inpu, gần giống với từ mang nghĩa “người con hoàng tộc” và động từ “suy nhược, mục rữa”. Anubis còn được biết dưới cái tên Imy-ut, dịch nôm na là “Đấng thuộc cõi Tẩm liệm”, và nub-tA-djser, mang nghĩa “Chúa vùng đất Thánh”.
Anubis là con trai của thần Ra trong những thần thoại cổ xưa nhất, nhưng sau đó ông trở thành con của thần Osiris và Nephthys, ông là người đã giúp Isis ướp xác người cha quá cố. Thật vậy, trong truyền thuyết về thần Osiris và Isis, Osiris bị giết bởi Seth, sau đó nội tạng của thần Osiris được gửi cho Anubis như là một món quà. Anubis đã ướp xác và làm hồi sinh Osiris ở thế giới bên kia, sau này thần Osiris trở thành vua của chốn Âm ty. Nhờ mối liên kết này, Anubis dần trở thành Thần bảo trợ của các xác ướp và là người thực hiện các nghi thức tang lễ cho quy trình ướp xác.
Vị thần mình người, phần đầu của thần Anubis là chó rừng màu đen (màu đen tượng trưng cho màu của sự úa tàn theo người Ai Cập cổ). Nhưng màu đen đặc trưng cho Anubis, lại đại diện cho sự tái sinh, sự sống, màu của đất sông Nile và màu của xác chết sau khi ướp. Vì vậy, biểu tượng Anubis thường xuất hiện với màu đen và những vật liên quan đến cái chết như băng quấn xác ướp. Linh vật của ngài là sói vàng Ai Cập (còn gọi là chó rừng lông vàng).
Anubis đảm nhiệm nhiều vai trò trong quá trình một sinh linh chết đi và trở thành người chết. Đôi khi Thần dẫn lối những linh hồn đến thế giới bên kia, đôi khi Thần quyết định số phận của họ, và đôi khi Thần chỉ đơn giản là bảo vệ một thi hài. Và như vậy, Anubis được biết đến như một vị thần của cái chết, vị thần tẩm liệm, và vị thần dẫn dắt những linh hồn lưu lạc.
Cho đến nay, các nhà khảo cổ chưa từng khai quật được đền thờ to lớn nào dành riêng cho vị thần này. “Đền thờ” của ông là các hầm mộ và nghĩa trang. Những trung tâm chính thờ cúng ông nằm ở Asyut (Lycopolis) và Hardai (Cynopolis). Tên của ông xuất hiện trong những lăng mộ mastaba (ngôi mộ bằng gạch bùn) đồ sộ và cổ kính trong Triều đại Đầu tiên và người ta đã tìm thấy một số đền thờ vị thần này.
Nghi thức “cân tim”. |
Chẳng hạn như một ngôi đền và một nghĩa trang xác ướp chó và chó rừng đã được phát hiện tại Anubeion, một địa điểm nằm ở phía đông Saqqara. Dường như dưới thời trị vì của các triều đại đầu tiên, Anubis còn quan trọng hơn cả thần Osiris. Điều này đã thay đổi trong giai đoạn Trung Vương quốc, nhưng Anubis vẫn tiếp tục là một trong những vị thần quan trọng nhất.
Anubis là một trong những vị thần có thể làm những việc chống lại con người. Ông tương đối độc lập, đôi khi giúp đỡ nhưng đôi khi cũng trừng phạt con người.
Một trong những vai trò quan trọng của Anubis là thực hiện lễ “cân tim”, nơi linh hồn của người đã khuất sẽ được phán xét. Lễ này được thực hiện sau khi thi thể đã được thanh tẩy, ướp xác và Anubis là “Người giám hộ cân tim”. Điều này liên quan đến niềm tin rằng sau cái chết, con người sẽ được gặp các vị thần và được họ đặt trái tim lên một chiếc cân đặc biệt.
Đầu tiên, linh hồn sẽ vào Đại sảnh Phán xét và tuyên bố sự trong sạch của mình với 42 đại tội, rồi gột rửa tội lỗi của mình trước những vị thần: Osiris, Ma'at - nữ thần của công lý và chính nghĩa, Thoth - vị thần của văn tự và kiến thức, 42 thẩm phán, và đương nhiên cũng có Anubis - vị thần của cái chết.
Người Ai Cập cổ tin rằng trái tim là nơi chứa đựng tất cả cảm xúc, trí tuệ, ý chí và nhân cách của con người. Và trái tim phải được phán xét là trong sạch thì linh hồn mới được đến thế giới bên kia.
Dùng chiếc cân vàng, Anubis sẽ cân quả tim của một người với lông đà điểu - vật tượng trưng cho Ma'at. Nếu quả tim nhẹ hơn lông, linh hồn người này sẽ được đưa đến Cánh đồng Sậy - nơi mà linh hồn có thể sống bất diệt và bình an. Nhưng ngược lại nếu quả tim nặng hơn lông, biểu hiện cho một con người đầy tội lỗi, quả tim sẽ bị Ammit - nữ thần của sự trừng phạt, nuốt chửng, và người này sẽ mãi bị lưu đày và chịu vô vàn sự trừng phạt.
Anubis có khả năng quyết định số phận của linh hồn. Theo cách này, ông trở thành chúa tể của Âm ty, chỉ dưới quyền của Osiris.
Người giám hộ người chết
Tuy rằng Osiris đã tiếp quản vị trí vua cõi âm của Ai Cập, Anubis vẫn đóng vai trò không hề nhỏ trong thế giới của những người đã khuất. Người mang danh là vị thần của sự ướp xác, hướng dẫn cho các linh hồn, và bảo vệ ngôi mộ. Theo huyền thoại về Osiris, Anubis đã giúp Isis ướp xác chồng bà.
Theo câu chuyện này, những thầy tu làm việc trong quá trình ướp xác phải đeo mặt nạ mặt chó rừng. Hơn nữa, truyền thuyết kể rằng khi Osiris bị Seth giết, các cơ quan nội tạng của ông đã trở thành quà tặng cho Anubis. Điều này khởi nguồn cho truyền thống dâng tặng một số bộ phận của người chết cho ông.
Anubis quàng một tấm khăn quanh cổ, là biểu tượng của sự bảo hộ bởi các nữ thần và cũng tượng trưng cho quyền năng bảo hộ của chính Anubis. Người Ai Cập cho rằng chó rừng sẽ giúp bảo vệ những thi thể đã chôn cất khỏi những loài ăn xác thối.
Anubis cũng sẽ trừng phạt những kẻ cướp mộ - một trong những tội danh nặng nhất tại Ai Cập cổ đại. Còn đối với những người tốt và tôn trọng người đã khuất, Anubis sẽ bảo hộ và ban cho họ một cuộc sống bình yên và hạnh phúc ở thế giới bên kia.
Anubis thường được mô tả trong các tang lễ, nơi ông tham dự vào quá trình ướp xác người chết hoặc đang ngồi trên một ngôi mộ để bảo vệ nó. Trên thực tế trong quá trình ướp xác, một quan tư tế sẽ đội mặt nạ và ăn mặc như thần Anubis để thực hiện các nghi lễ. trong lúc làm lễ, người ta tái hiện lại quá trình “cân tim”, cho thấy Anubis sẽ xác định sự xứng đáng của người đã khuất có được sống ở thế giới bên kia không (thường được gọi là Duat). Trong quá khứ, người ta tin rằng con người không có sự lựa chọn cho số phận của họ, nhưng họ có hy vọng rằng vị thần chó rừng sẽ cho phép họ đi vào thế giới bên kia và tận hưởng nó mãi mãi.
Ngày nay mặc dù chúng ta biết khá nhiều về Anubis, một số điều vẫn còn là bí ẩn. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn: Anubis, vị thần chó rừng Ai Cập, đóng vai trò trung tâm trong việc xoa dịu nỗi lo lắng và niềm đam mê tự nhiên của người Ai Cập cổ đại về những gì xảy ra sau khi chúng ta trút hơi thở cuối cùng.