Ngôi chùa thiêng xuất hiện trong giấc mơ kỳ lạ
Sở dĩ chùa Nôm còn có tên gọi khác là Linh Thông cổ tự bởi chùa tọa lạc bên những cây thông già hàng trăm năm tuổi. Loài cây quân tử, trường thọ đã hóa “mộc tinh” này khiến ngôi chùa càng thêm phần huyền bí, linh thiêng.
Không ai biết chính xác ngôi chùa cổ được xây dựng từ đời nào, năm nào. Theo văn bia, thời Hậu Lê, năm Canh Thân (1680), đời Chính Hòa, nhà vua cho xây dựng lại chùa. Kể từ khi nhà vua cho xây dựng lại chùa từ thời Hậu Lê, đến thời Cảnh Thịnh thứ 4 chùa lại xây dựng thêm gác chuông và mở ra hai dãy hành lang.
Không ai biết chính xác ngôi chùa thiêng có từ năm nào, đời nào... |
Đến thời Nguyễn, chùa Nôm lại tiếp tục được tu sửa. Trải qua thăng trầm và biến cố của lịch sử, cũng như dấu tích tàn phá của thiên nhiên, chùa vẫn tồn tại và mang trong mình một tâm thế độc đáo riêng.
Gác chuông chùa Nôm |
Theo các cụ cao niên, chùa Nôm gắn liền về một truyền thuyết xa xưa từ thời Hai Bà Trưng. Tương truyền, xưa kia có một vị cao tăng đắc đạo đang ngủ ở chùa Dâu (Bắc Ninh), giữa đêm bỗng nhiên thức giấc. Khi tỉnh dậy, vị sư nhìn thấy một ánh hào quang phát ra từ phía Nam.
Biết đây là điềm báo thiêng nên sư thầy liền bám theo ánh hào quang dẫn ra rừng thông, rồi nó lan tỏa thành một quầng sáng. Nghĩ rằng trời phật ban phước lành, nên sư thầy đã cho dựng một ngôi chùa và lấy tên là Linh Thông cổ tự.
Khu thờ tự Phật bên hồ nước |
Toạ lạc trong khuôn viên rộng 15 ha, chùa Nôm mang kết cấu kiến trúc “nội công ngoại quốc”. Đi qua cổng Tam Quan là lầu chuông và lầu trống nằm đối xứng hai bên. Cạnh lầu chuông là một hồ nước trong xanh như mở ra một không gian bao la, thanh tịnh của ngôi chùa.
Để phá vỡ không gian tĩnh mịch ấy, hàng ngày ở lầu chuông, tiếng chuông chùa vẫn được thỉnh lên, nó tựa như một thanh âm trong trẻo kéo dài để xua đi cái buồn, cái điềm tĩnh, gợi sự yên bình cho ngôi chùa.
Những pho tượng cổ độc đáo bậc nhất
Ngoài phong cảnh cổ kính, trầm mặc và uy nghiêm, chùa Nôm còn lưu giữ những hiện vật giá trị, đó là những pho tượng cổ có niên đại hàng trăm năm. Mặc dù mảnh đất này phải thường xuyên gánh chịu những trận bão lụt, tuy nhiên các pho tượng cổ vẫn được chùa lưu giữ nguyên vẹn.
Các pho tượng vẫn giữ được những đường nét sơn son thiếp vàng, đây là điều mà đến này nhiều nhà nghiên cứu về lịch sử cũng như kiến trúc của các ngôi chùa Việt chưa lý giải được.
Những pho tượng cổ được thờ tự trong chùa Nôm |
Chùa Nôm hiện có trên 100 pho tượng cổ bằng đất sét như tượng Tam Thánh, A Di Đà, Bát Bộ Kim Cương, Thập Bát La Hán… Theo các nhà nghiên cứu, những pho tượng cổ này rất khó xác định niên đại và quá trình tạo tạc.
Có người cho rằng, tượng được tạc vào thời Lý - Trần, cũng có người lại cho rằng nhìn vào nghệ thuật điêu khắc thì những bức tượng được tạc vào thế kỷ thứ X-XIII.
Mái tam quan với cột gỗ, lợp ngói nam cổ kính |
Các pho tượng ở chùa đa phần đều được dùng bằng đất sét nung, chế tác rất tinh xảo. Mỗi một pho tượng lại thể hiện sinh động các tư thế, trạng thái khác nhau. Theo các nhà nghiên cứu, để tạo ra một bức tượng đẹp, các nghệ nhân phải hòa lẫn các chất liệu đất sét, mật, vôi và giấy bản giã thật kỹ và nhuyễn.
Cổng nội tự bên trong chùa |
Tiếp theo, các nghệ nhân mới bắt đầu nặn thành khối, tạo hình cho mỗi bức tượng. Tất cả các khâu đều được làm một cách rất tỉ mỉ, trau chuốt. Hòa mình vào dòng chảy của nên văn hóa lịch sử, những pho tượng cổ của Chùa Nôm ít nhiều đã minh chứng cho một thời đại phát triển, nhất là nghệ thuật tạo dựng gốm sứ và đất nung.
Và những ngôi mộ tháp bí ẩn, linh thiêng
Trong khuôn viên Chùa Nôm còn có một khu mộ tháp cổ được xây dựng bằng những phiến đá ong cổ. Đó là những tháp cổ đẹp và nguyên vẹn. Những thanh đá ong được mài nhẵn, vuông vắn, có kích thước giống nhau, xếp chồng lên nhau tạo thành ngôi bảo tháp ba tầng. Đến nay, những tòa tháp cổ vẫn đứng vững tọa lạc yên bình như thách thức với thời gian.
Khu mộ tháp cổ làm bằng đá ong |
Chùa Nôm từ lâu đã trở thành nhân chứng lịch sử, gắn bó với người dân nơi đây cả trong thời chiến cũng như thời bình. Sự linh thiêng của chùa luôn thấm đẫm vào từng viên ngói, từng thớ gỗ, từng pho tượng… Cùng với sự phát triển và hội nhập của nên văn hóa đương đại, chùa Nôm cũng như rất nhiều các ngôi chùa khác ở làng quê Việt Nam sẽ được bảo tồn và phát huy các giá trị dân tộc.
Chùa Nôm do Đại đức Thích Hồng Huệ trụ trì từ năm 1998 đến nay. Hàng năm nhất là dịp tết, chùa thu hút đông đảo du khách thập phương đến vãng cảnh, chiêm bái và cầu bình an, tài lộc.