Hàng loạt động vật tự tử
Tự tử hay còn gọi là tự sát là một hành động của con người, chúng ta vẫn thường nghĩ rằng nó chỉ xảy ra khi một người cố ý gây ra cái chết cho chính mình. Tuy nhiên, đối với thế giới động vật, chuyện tự tử không phải là chuyện hiếm. Rất nhiều câu chuyện tự sát của động vật trên thế giới diễn ra đầy thương tâm và đến bây giờ chưa có một nghiên cứu khoa học cụ thể nào về vấn đề này.
Trường hợp động vật tự tử đầu tiên được ghi lại trong lịch sử là vụ chú chó tại London vào năm 1845. Chú chó này thuộc giống Newfoundland, nó đã cố gắng tự sát trong nhiều ngày bằng cách tự ném mình xuống một hồ nước. Người chủ của chú chó sợ hãi gửi đến bác sĩ thú y, nhưng ngay sau đó nó đã chạy trốn và tự đâm đầu vào một chiếc xe tải đang đi trên đường.
Ngày 18/11/1998, tại vùng biển New Zealand, các du khách chứng kiến một sự kiện kinh hoàng chưa từng có. Nhiều con cá heo từ đại dương đã lao mình lên bờ phơi thân giữa thời tiết khô nóng và chúng có dấu hiệu tử tự khi cố tình không quay về biển. Hàng trăm tình nguyện viên đã tập trung ở một bãi biển hẻo lánh tại New Zealand trong nỗ lực gần như tuyệt vọng để cứu hàng trăm con cá voi tự sát. Tổng cộng có 416 con cá voi mắc cạn tại vùng biển tên là Farewell Spit và 3/4 số đó đã chết khi được phát hiện. Buổi sáng ngày 10/2 đã trở thành dấu mốc cho một vụ cá voi tự sát tồi tệ nhất lịch sử New Zealand. Năm 2010, 61 con cá voi khổng lồ đã chết ở một bờ biển thuộc New Zealand trong tình trạng tự tử tương tự.
Tại Scotland, có một cây cầu mang tên Overtoun, người dân tại đây gọi nó là cây cầu tự tử. Trong vòng 50 năm, hơn 50 chú chó đã tự sát ở cây cầu này. Điểm đáng chú ý, tất cả chúng đều chết tại một vị trí giống nhau khiến người dân vô cùng khó hiểu và sợ hãi. Cứ mỗi năm lại có những chú chó đến cầu Overtoun “tự tử” để kết liễu cuộc đời mình mà chưa rõ nguyên nhân vì sao lại có hiện tưởng này.
Tại một ngôi làng ở tỉnh Van, Thổ Nhĩ Kỳ năm 2005, rất nhiều người đã chứng kiến một sự kiện lạ, gần 1.550 con cừu nhảy xuống vách đá tự tử. Con đầu tiên nhảy từ vách đá cao hơn 15m, sau đó hàng nghìn con khác đã nhảy theo. Các nhân viên chăm sóc cừu đã rất sốc và tìm cách ngăn cản những con cừu đang điên cuồng tự sát tập thể nhưng bất lực. Gần 450 con chết ngay tức khắc, 1.100 con còn lại bị tàn tật, thương nhẹ do nằm đè lên xác của những con đã chết trước đó. Sự kiện này đã gây chấn động giới khoa học khi lần đầu tiên trong lịch sử diễn ra những cuộc tự sát tập thể với số lượng lớn đến như vậy.
Gần 1.550 con cừu nhảy xuống vách đá tự tử ở Thổ Nhĩ Kỳ |
Bí ẩn không lời giải
Những vụ tự sát của động vật cho đến nay vẫn là đề tài gây tranh cãi của nhiều nhà khoa học. Rất nhiều giả thuyết đặt ra để tìm nguyên nhân dẫn đến những vụ tự sát thương tâm của động vật trên toàn thế giới. Nhưng tất cả vẫn chỉ là những phỏng đoán từ các nhà khoa học khi họ đi tìm lời giải cho những vụ việc trên.
Các chuyên gia động vật học cho rằng, động cơ tự sát của động vật xuất phát từ một số đặc điểm thần kinh gần giống con người. Sự rối loạn thần kinh tạm thời dẫn tới những hành động không thể kiểm soát là tự tử, tự làm đau bản thân, giết lẫn nhau. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động của bộ não như bệnh tật, chấn thương, tuổi già. Ngoài ra, một số loài như chó, cừu có tập tính tự gây thương tích cho mình khi bị con người lạm dụng, hành hạ trong quá trình nuôi dưỡng. Các tác nhân tiêu cực như chuồng trại, ăn uống, sinh sản dẫn đến sự căng thẳng, cô lập, sợ hãi, chán nản trong thời gian dài. Động vật linh trưởng khi bị đánh đập có thể cắn vào động mạch tự sát.
Cầu Overtoun, nơi “tự tử” của những chú chó |
Trong những thập kỷ qua, tại nhiều vùng khác nhau trên thế giới, người ta thường chứng kiến những cuộc tự sát tập thể của những con cá voi khổng lồ trên các bãi biển. Năm 2005, các nhà sinh thái học thế giới đã khẳng định nguyên nhân tự sát của những con cá voi này là do việc sử dụng sonar (thiết bị định vị thuỷ âm dò tìm các đối tượng ở dưới nước) đặt trên tàu ngầm. Các âm thanh do sonar phát ra làm những con cá voi và cá heo rất sợ hãi, tìm cách chạy trốn một cách hoảng loạn, khiến chúng phải bơi thật nhanh, vọt lên bờ, bị choáng (sốc) do áp suất thay đổi đột ngột và chết. Nhưng các sĩ quan hải quân cực lực bác bỏ thông tin này và cho rằng chúng không thể xảy ra.
Đến năm 2010, một lần nữa nguyên nhân này được chứng minh bởi nhóm các nhà sinh học Mỹ tại Viện Hải dương học Woods Holequa. Tiến sĩ Muni đã thực hiện một thí nghiệm xác nhận thông qua những người thợ lặn. Sau đó, họ đã nói với ông rằng, trong quá trình lặn biển họ đã chịu tác động của sóng siêu âm do máy sonar phát ra. Trong đầu họ xuất hiện một cảm giác kinh hoàng không chịu đựng nổi và khi chuồi lên khỏi mặt nước, cảm giác này không còn nữa. Nhóm nghiên cứu cho rằng các loài động vật biển cũng gặp tình trạng tương tự như con người. Sóng dò thủy âm làm chúng hoảng loạn, mất phương hướng, lao bừa lên bờ để chạy trốn.
Đến năm 2017, Antti Pulkkineno, một nhà vật lý thiên văn tới từ Trung tâm bay Không gian Goddard của NASA cho biết: “Tác động của con người chưa đủ để giải thích hết sự mắc cạn”. Ông và nhóm nghiên cứu đã tìm ra một nguyên nhân mới trong nhiều năm quan sát các hiện tượng “tự tử” ở động vật là Bão mặt trời. Pulkkineno cho biết thêm, các cơn bão mặt trời có chu kỳ tác động tới từ trường Trái đất, chúng giải phóng ra các bong bóng khổng lồ mang điện tích khiến vệ tinh quanh địa cầu bị vô hiệu hóa và tác động mạnh lên đại dương. Chính sự ảnh hưởng đó dẫn đến những cuộc “tự sát” kỳ lạ của cá heo, cá voi và các loài sinh vật biển trên toàn thế giới.
Một chú chó tự tử khi chủ nhân của nó qua đời |
Các hành vi tự hủy hoại còn được quy cho ký sinh trùng. Ký sinh trùng có thể tác động tới não bộ và khiến vật chủ có hành động giúp chúng sinh trưởng mạnh hơn. Trong quá trình này thường vật chủ sẽ chết. Để khẳng định động vật có tự sát không đòi hỏi một khái niệm rõ ràng. Tự sát được định nghĩa là “hành vi giết mình một cách có chủ đích”. Như vậy, động vật có ý định chết hay không? Ví dụ nhện mẹ thường tự nguyện trở thành bữa ăn cho con, song sự hy sinh này không phải tự sát mà là hành động bao bọc cực đoan, đảm bảo sự sống cho con non mới chào đời.
Tuy nhiên, đối với một số chuyên gia, đây là câu hỏi khó trả lời bởi con người không thể đọc suy nghĩ loài vật. “Tôi không tự tin cho rằng tự sát ở động vật là câu hỏi khoa học có thể trả lời. Chúng ta có thể nhìn thấy hành vi của động vật khi đau buồn, nhưng không thể thấy nỗi đau mà chúng phải chịu và đánh giá liệu chúng có chủ đích tự sát không”, nữ giáo sư khoa học Barbara King, Cao đẳng William and Mary ở Virginia, Mỹ nhận định.
Còn một số nhà khoa học khẳng định, động vật có những cảm xúc như con người: Buồn, vui, giận, hờn, stress. Theo báo chí thời Nữ hoàng Victoria, chú chó London không phải là con vật duy nhất tìm cách tự kết liễu đời mình. Ngay sau đó, đã có hai trường hợp khác xuất hiện trên báo chí: Một con vịt cố tình chết đuối, và một con mèo tự treo mình trên cành cây sau khi các con của nó chết. Hồi thế kỷ thứ hai sau Công nguyên, học giả người Hy Lạp Claudius Aelian đã viết nguyên một cuốn sách về đề tài này. Ông nhắc tới 21 vụ rõ ràng là các vụ tự tử ở động vật, trong đó có vụ một con cá heo cố tình để cho bị bắt, hay một số con chó nhịn đói đến chết sau khi chủ nhân chúng qua đời, và một con đại bàng “tự hy sinh đời mình bằng cách lao vào giàn lửa đang thiêu xác chủ nhân đã quá cố của nó”.
Có hay không hiện tượng tự sát ở chúng là câu hỏi thách thức các nhà nghiên cứu trong nhiều năm qua.