Bí ẩn giáo phái Tân Thiên Địa

Các tín đồ Tân Thiên Địa tham dự lễ tại nhà thờ
Các tín đồ Tân Thiên Địa tham dự lễ tại nhà thờ
(PLVN) - Những ngày vừa qua, giáo phái Shincheonji (Tân Thiên Địa) đang khiến cả Hàn Quốc “chao đảo” vì trở thành tâm điểm bùng phát dịch Covid-19 với 7.755 ca nhiễm, 61 ca tử vong. 

Phép thử của đức tin

Trước khi bệnh nhân số 31 xuất hiện, trường hợp bệnh nhân đầu tiên tại Hàn Quốc là một phụ nữ Trung Quốc (35 tuổi) bay đến từ Vũ Hán và đã nhanh chóng được cách ly khi nhập cảnh vào sân bay quốc tế Incheon. Trong 4 tuần tiếp theo, Hàn Quốc đã kiểm soát được sự lây lan và chỉ có 30 người nhiễm Covid-19, mặc dù bệnh nhân trước đó đã tương tác và tiếp xúc với nhiều người. 

Tuy nhiên, điều này đã thay đổi khi một phụ nữ 61 tuổi (bệnh nhân số 31) gặp tai nạn giao thông và được đưa vào bệnh viện để chữa trị. Tại đây, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao nhưng từ chối làm xét nghiệm Covid-19 và bỏ đi ăn trưa cùng bạn tại khách sạn. Tuy nhiên, khi triệu chứng trở nên trầm trọng hơn, bà đã tới một bệnh viện khác làm xét nghiệm và hôm sau, cơ quan y tế đã thông báo chính thức bà là bệnh nhân thứ 31 nhiễm Covid-19 tại Hàn Quốc. Đáng chú ý, trong thời gian nhập viện, bà đã tham dự các buổi lễ tại chi nhánh của nhà thờ Shincheonji vào ngày 9/2 và 16/2. Ước tính, bệnh nhân số 31 đã tiếp xúc với hơn 1.000 người.

Ngay lập tức, sự chú ý của dân chúng Hàn Quốc đổ dồn về phía Shincheonji (Tân Thiên Địa) khi bệnh nhân số 31 là tín đồ của giáo phái trên, nhất là khi chỉ trong vài ngày, những ca bệnh đã tăng vọt một cách bất ngờ khi có hàng nghìn người tại nhà thờ Tân Thiên Địa và các khu vực lân cận đều dương tính với virus. Từ đây, những bí mật về nhà thờ này bắt đầu được “vén màn”. 

Được biết, Shincheonji (신천지) – phát âm theo tiếng Hán có nghĩa là Tân Thiên Địa – là một tổ chức tôn giáo gây nhiều tranh cãi được thành lập bởi Lee Man Hee vào năm 1984. Với hơn 150.000 tín đồ trên khắp thế giới, Tân Thiên Địa có thể coi là một giáo phái rất lớn và thành công. Là người sáng lập và lãnh đạo duy nhất, Lee Man Hee nay đã ngoài 89 tuổi, tự xưng là người thừa kế duy nhất của Chúa với khả năng đặc biệt có thể thấu hiểu và giải thích các mật mã ẩn trong Kinh thánh.

Giáo chủ Lee Man Hee đã từng chia sẻ rằng: “Một ngày nọ, tôi nhìn thấy một ngôi sao lớn trên trời và nó dẫn tôi đến gặp Chúa. Tại đây, tôi đã hứa với Người và bước vào thánh điện của 7 vì sao. Tôi nhận được một cuốn sách từ Chúa và được Người căn dặn”. Năm 2007, Tân Thiên Địa bắt đầu nhận được sự chú ý và nghi ngờ trong nước sau một phóng sự điều tra trên truyền hình cho biết các tín đồ của giáo phái gọi Lee Man Hee là đấng Jesus thứ hai và thực sự tin giáo chủ của họ bất tử, hoặc chí ít sống đến ngày trái đất kết thúc. 

Bên cạnh đó, các tín đồ của giáo phái này cũng tin tưởng rằng giáo chủ Lee có thể giải thoát 144.000 tín đồ lên thiên đường vào ngày phán xét. Tuy nhiên, với số lượng tín đồ lớn hơn nhiều so với chỗ trống trên thiên đường, họ được dạy là phải cạnh tranh giành chỗ và chỉ trích gay gắt những người đã cải đạo. Sau khi giới chức Hàn Quốc nhận định 60% số ca nhiễm Covid-19 có liên quan đến giáo phái Tân Thiên Địa và xem đây là một “điểm nóng” về dịch, Lee Man Hee đã nhắn nhủ với các tín đồ rằng dịch bệnh này là hành động mà ác quỷ gây ra nhằm cản trở sự phát triển nhanh chóng của giáo phái. Cũng vì lý do đó, rất nhiều tín đồ tin rằng việc nhà thờ trở thành “ổ dịch” là một phép thử đức tin của họ.

Giáo lý Tân Thiên Địa răn dạy điều gì?

Cho đến nay, các cơ quan y tế Hàn Quốc vẫn cho rằng những giáo lý mà Tân Thiên Địa rao giảng đã góp phần thúc đẩy sự lây lan của dịch bệnh. Tại các buổi làm lễ, các tín đồ được yêu cầu quỳ sát bên nhau trên sàn, không được đeo kính hay khẩu trang, cùng hát và đọc kinh trong lúc tất cả choàng vai nhau. Đặc biệt, Tân Thiên Địa dạy các tín đồ không được sợ bệnh tật, không được để tâm đến những điều trần tục như công việc hay đam mê. Bệnh tật ngăn cản các tín đồ thực hiện công việc của Chúa nên không bao giờ được chấp nhận là một lý do hợp lệ để bỏ lỡ các buổi hành lễ. Nguyên tắc ở đây là dù bị ốm thì tín đồ vẫn phải đi lễ vào ngày chủ nhật, nếu bệnh nặng không thể đến được vào chủ nhật thì phải đến vào ngày thứ hai hoặc thứ ba để bù vào thời gian trước.

Sau khi dự lễ, các tín đồ chia thành nhiều nhóm nhỏ để cùng nghiên cứu về giáo lý. Đây là một điểm quan trọng cho lây truyền bởi virus có thể được phát tán qua các giọt dịch cơ thể (nước bọt) và truyền từ người này sang người khác. Sau mỗi buổi lễ, các tín đồ Tân Thiên Địa cũng ra phố để thực hiện việc truyền bá tư tưởng, chiêu dụ các tín đồ như một hình thức để được công nhận và thăng hạng trong giáo phái. Các tín đồ cũng hiểu sự chỉ trích của người dân dành cho họ, do đó nhiều người đã che giấu mình là thành viên của giáo phái với chính cha mẹ, người thân trong gia đình. Đây cũng là một trong những lý do tại sao các nhân viên kiểm dịch tại Hàn Quốc gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định chính xác số lượng thành viên, số người dự lễ và danh tính của những người có nguy cơ để đưa ra cách ly. 

Không chỉ trong nước, Tân Thiên Địa cũng dính líu đến vô số các vụ bê bối và mối quan ngại ở nhiều nước trên khắp thế giới. Tự xưng là một tổ chức hòa bình quốc tế, giáo phái này thường xuyên tổ chức các tour hoạt động ở khắp các châu lục. Một phương thức ưa chuộng của Tân Thiên Địa khi hoạt động tại nước ngoài là cung cấp các chương trình giao lưu miễn phí nhằm thu hút người tham gia và thông qua đó sẽ bí mật truyền bá tư tưởng giáo lý của mình, đồng thời giúp họ “thoát khỏi gia đình”. 

Ngoài ra, giáo phái này cũng có vô số các tổ chức ở quy mô nhỏ hơn, thường được vận hành một cách ngụy trang dưới dạng các quán café hoặc thâm nhập trong các giáo phái khác nhằm mục đích truyền bá và dụ dỗ. Trước đây, trong quá khứ đã có nhiều giáo hội chính thống yêu cầu những người truyền giáo Tân Thiên Địa không giả danh để hoạt động ngầm trong giáo hội của họ. Gần đây, các thành viên Tân Thiên Địa được cho là đang nhắm tới những thanh niên trẻ thông qua việc bói bài tarot, làm trắc nghiệm hay cung cấp các lớp học ngoại ngữ miễn phí. 

Khi Giáo chủ quỳ gối xin lỗi

Trong một cuộc gọi trao đổi được công bố qua chương trình “Lee Kyu Yeon’s Spotlight của đài JTBC phát sóng ngày 27/2, bệnh nhân số 31 đã nói: “May nhờ có tôi mà có thể cứu mạng sống của nhiều người khác”. Có thể hiểu, câu nói của bệnh nhân số 31 tự cho bản thân không phải là nguồn lây nhiễm cộng đồng mà nhờ sự phát hiện dương tính với Covid-19 của mình đã giúp chính quyền có thể phát hiện ra các bệnh nhân dương tính khác. Phát ngôn này đã khiến bệnh nhân số 31 hứng chịu rất nhiều chỉ trích của dân chúng Hàn Quốc.

Tân Thiên Địa giáo phái hay tà đạo
Tân Thiên Địa giáo phái hay tà đạo 

Đây không phải lần đầu giáo chủ Lee và giáo phái Tân Thiên Địa vướng vào các vụ bê bối khiến dư luận phẫn nộ. Hồi năm 2016, một phóng sự phát trên đài CBS (Hàn Quốc) cáo buộc Tân Thiên Địa đã phá hủy nhân cách của giới trẻ, khuyến khích từ bỏ gia đình và ly hôn để phá vỡ ràng buộc xã hội. Tân Thiên Địa cũng tuyên truyền về ngày tận thế sắp đến, giải thích sai lệch Kinh Thánh. Giáo chủ Lee Man Hee bị cho rằng đã lừa đảo, tẩy não, tống tiền và làm tan vỡ nhiều gia đình.

Cùng năm 2016, Giáo hội Anh cảnh báo 500 giáo xứ ở London về các hoạt động của một chi nhánh Tân Thiên Địa được gọi là Parachristo, điều hành các khóa học Kinh Thánh tại London Docklands. Tại Ấn Độ, Tổng Thư ký Giáo hội Baptist ở bang Manipur, ông Wungnaoting Konghar nhận định Tân Thiên Địa đã xâm nhập vào các nhà thờ trong thành phố, thu hút những người trẻ bằng khóa học giáo lý không đúng đắn, tạo ra sự thù địch, mất lòng tin giữa các thành viên nhà thờ và các mục sư. Bất cứ ai tham gia giáo phái này đều bỏ bê công việc và học tập vì dành phần lớn thời gian để kêu gọi những người khác gia nhập.  

Có thể nói, trong suốt thời gian hoạt động hơn 30 năm với vài trăm ngàn tín đồ, Tân Thiên Địa bị nhiều giáo phái chính thống của Hàn Quốc coi là một Cơ đốc giáo giả mạo và xếp vào hàng tà đạo khi truyền bá những giáo lý nông cạn, học thuật yếu kém, bẻ cong tư tưởng cao đẹp của chính giáo. Tà giáo này chủ yếu xoay quanh Sách Khải Huyền, cuốn sách cuối cùng của Tân Ước được biết đến chủ yếu là điềm báo về ngày tận thế. Tân Thiên Địa dạy rằng con số 144.000 được đề cập trong Khải Huyền chính là số thành viên của 12 “chi phái” của phái Tân Thiên Địa; phủ nhận giáo lý Ba Ngôi; tuyên bố rằng tất cả các thiên thần đều là con người… Và chỉ riêng giáo chủ Lee Man Hee mới có khả năng diễn giải chính xác Lời Chúa. 

Trước tốc độ lây lan nhanh của dịch bệnh Covid-19, giáo phái Tân Thiên Địa cho biết đã vệ sinh và khử trùng các nhà thờ của giáo phái này trên khắp cả nước, trong đó có cả nhà thờ ở Daegu. Đồng thời khẳng định sẽ tích cực tham gia hoạt động phòng, chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp của Chính phủ Hàn Quốc. Bên cạnh đó, Tân Thiên Địa cũng bác bỏ những lời chỉ trích của truyền thông nước này khi cho rằng giáo phái này là thủ phạm chính trong việc làm lây lan virus cũng như đề cập đến “cách hoạt động không bình thường” của các tín đồ. Trên thực tế, Tân Thiên Địa phải tổ chức các buổi truyền giáo trên sàn nhà để tối đa hóa số lượng người tham gia trong một không gian nhỏ. 

Trong buổi họp báo ngày 2/3, giáo chủ Lee Man Hee cho rằng Tân Thiên Địa không cố ý nhưng nhiều người đã nhiễm bệnh. Đồng thời, giáo chủ Tân Thiên Địa quỳ gối xin lỗi vì sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 và cam kết hợp tác toàn diện với chính quyền để ngăn chặn dịch bệnh. 

Tin cùng chuyên mục

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đọc thêm

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.

Một cầu thủ bóng đá được trao Huân chương Tự do Tổng thống

Messi giành Quả bóng vàng 2021. (Ảnh: Euro Sport)
(PLVN) - Tổng thống Joe Biden vừa trao tặng Huân chương Tự do Tổng thống – danh hiệu cao quý nhất dành cho công dân Mỹ – cho siêu sao bóng đá Messi cùng 18 cá nhân xuất sắc khác. Buổi lễ tôn vinh những đóng góp xuất sắc của họ trong việc làm cho nước Mỹ và thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

Loạt tín hiệu vui đầu năm mới trên thế giới

Loạt tín hiệu vui đầu năm mới trên thế giới
(PLVN) - Thế giới đón nhận nhiều tín hiệu tích cực, từ phiên đấu giá cá ngừ vây xanh lập kỷ lục tại Nhật Bản, tỷ lệ sinh tăng trở lại sau gần một thập kỷ tại Hàn Quốc, đến chương trình khám sức khỏe miễn phí cho toàn dân sắp triển khai tại Indonesia. Đặc biệt, câu chuyện bé trai Zimbabwe sống sót kỳ diệu sau 5 đêm lạc trong công viên hoang dã đã truyền cảm hứng mạnh mẽ, với niềm tin vào những điều tốt đẹp...

Liên tiếp tai nạn kinh hoàng trên thế giới những ngày đầu năm mới

Liên tiếp tai nạn kinh hoàng trên thế giới những ngày đầu năm mới
(PLVN) - Những ngày đầu năm mới 2025 chứng kiến loạt thảm họa và tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên khắp thế giới, từ động đất ở Ethiopia, cháy nổ ở Ấn Độ và Trung Quốc, đến các vụ xả súng và tai nạn giao thông kinh hoàng tại Mỹ và Hong Kong (Trung Quốc). Mỗi sự cố đều để lại hậu quả nặng nề, cướp đi sinh mạng của nhiều người và gây ra tổn thất lớn về vật chất.