Được đúc từ cuối năm Cảnh Hưng thứ mười sáu (Ất Hợi - 1755), chuông chùa Đà Sơn là chiếc chuông có niên đại cổ nhất ở Đà Nẵng hiện nay. Ngoài những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại, chiếc chuông cổ này còn lưu lại hậu thế kỹ thuật chế tác và khắc chữ trên đồng,
Chuyện xưa tích cũ
Chuyện kể rằng, ngày nọ, có một bà già mò ốc ở Vũng Điền - nơi giáp ranh giữa Đà Sơn và Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu ngày nay, bỗng phát hiện một chiếc chuông ẩn dưới bùn. Nghe tin, dân hai làng đổ xô đi xem, làng nào cũng muốn giành chuông về phía mình. Cuối cùng, hai bên thống nhất là làng nào khiêng được chuông thì làng đó đưa về thờ. Theo lẽ thường tình thì vật trôi từ trên xuống, hai bên đồng ý cho làng Khánh Sơn được khiêng trước. Họ đánh dây thừng bằng tre cật rất chắc, nhưng chỉ mới nhích chuông lên một chút là dây đứt.
Ông Trần Văn Cúc hy vọng qua lời minh văn, các nhà nghiên cứu sẽ tìm ra “lý lịch” của chuông. |
Làng Đà Sơn nghĩ rằng có thể đây là vật trời cho, nên thiết lễ giữa thinh không, nguyện nếu thỉnh được chuông về sẽ lập chùa thờ phụng chu đáo. Lạ thay, khi các tráng đinh ghé vai vào đòn, chuông từ từ được nhấc lên, chuông nhẹ nhàng theo người đi về. Đến một ngọn đồi nhỏ, dây đứt, chuông rơi. Dân làng cho rằng chuông tỏ ý muốn ở lại nơi này, bèn phạt đồi, san đất, lập một ngôi chùa ngay tại đó để bốn mùa hương khói. Sau đó, mọi người đi tìm bà già bắt ốc thì không ai biết bà ở đâu. Cho là có thần nhân hiện ra mách bảo, dân làng tạc tượng bà bằng gỗ, bên hông đeo cái giỏ có mấy con ốc, thờ trong chùa làng.
Chuyện trên do ông Bồi Lại, ông ngoại của ông Trần Văn Cúc (Phó Trưởng ban Đại diện chùa Long Sơn – Đà Sơn) kể lại. Tuy một số dị bản cho rằng người bắt ốc là phụ nữ, địa điểm tìm thấy chuông là khe Mương Nhàn... nhưng tất cả đều cho rằng chuông được các cụ ngày trước cất giấu để quan quân triều Tây Sơn không trưng thu đúc súng đạn.
Chùa ngày đó rất lớn, theo lời các cụ, có ba dãy điện thờ theo hình chữ tam. Qua các thời kỳ chiến tranh, chùa bị hư hại hoàn toàn, phải che tạm mấy tấm tôn. Mãi đến năm 1995, chùa mới được trùng tu khang trang như hiện nay và đổi tên thành Long Sơn.
Từ lời minh văn đến “lý lịch” của chuông
Theo lời minh văn bằng chữ Hán khắc trên chuông, thì chuông do bổn đạo toàn xã và thiện nam tín nữ thập phương hiến cúng, ban đầu được đặt ở chùa Tây Linh, xã Đà Sơn, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, xứ Quảng Nam, nước Đại Việt. Chiếc chuông nặng 450 cân này, cũng theo lời minh văn, có tiếng vang xa được mười tám tầng đất (“đắc thập bát trùng ư địa”), điều này dẫn đến một giai thoại khá lý thú.
Tương truyền, trong một lần vào viếng chùa Non Nước, vua Minh Mạng nghỉ chân ở núi Bạch Mã. Nửa đêm, có tiếng chuông chùa vọng đến làm kinh động giấc ngủ của ngài ngự. Vua truyền cho quan địa phương đi tìm và phải làm một “thủ thuật” gì đó để xả bớt độ vang của tiếng chuông.
Chiếc chuông 255 tuổi đã làm cho ngôi chùa trở nên nổi tiếng. |
Ông Trần Văn Cúc cho rằng chuyện này rất khả tín. Ông nội của ông ngoại ông Cúc là Phan Công Thành ngày đó làm quan đến hàng tứ phẩm, được vua giao việc mở đường qua núi Bạch Mã. Câu chuyện chuông vang đến tai vua đã được ông Thành kể lại cho con cháu, rồi lan dần ra khắp làng. Hiện nay hài cốt ông Thành đã được đưa từ Huế về cải táng ở quê nhà Đà Sơn.
Chuyện xưa hư thực thế nào giờ không còn ai nghĩ đến. Chỉ biết rằng, mỗi khi chuông ngân vang, thiện nam tín nữ đến viếng cảnh chùa đều cảm thấy như được gác lại mọi lụy phiền, cõi lòng thư thái. Mọi người đều tin vào những điều được chép ở lời minh văn khắc trên chuông: chuông ngân vang là lời khấn nguyện cho “cửu huyền thất tổ, phụ mẫu tông thân” thảy được “siêu thăng đồng sanh lạc quốc”. Chuông ngân vang cũng là lời cầu chúc cho “nhân nhân giai cát khánh/ vật vật đắc bình an” – người người đều vui tốt/ vật vật được bình an.
Có điều, đến nay, vẫn chưa ai biết “tung tích” chùa Tây Linh ở đâu trên đất Đà Sơn xưa, trước khi chùa bị hư hại và chuông thì bị vùi dưới bùn, để rồi từ đó nảy sinh ra câu chuyện huyền thoại cùng với việc hình thành ngôi chùa mới Đà Sơn nói trên.
|
VĂN THÀNH LÊ