Vợ chồng nghèo tha hương kiếm ăn
Vợ chồng anh Lượng làm thuê cho một chủ đầm cá ở ngõ 44 đường Thúy Lĩnh (phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Chủ đầm cá là ông Trần Văn Huân (SN 1961, ngụ tổ 32, phường Lĩnh Nam). Tận dụng diện tích đầm nước rộng lớn, ông Huân nuôi cá theo phương thức tự nhiên. Cách đây khoảng bốn năm, chủ đầm thuê vợ chồng anh Hoàng Văn Lượng (SN 1974) và chị Nguyễn Thị Lý (SN 1982, cùng quê Sầm Sơn, Thanh Hóa) đến làm công.
Khi còn sống, vợ chồng này tâm sự với hàng xóm, gia cảnh ở Sầm Sơn khó khăn, không có vườn, không ruộng, không vốn kinh doanh du lịch. Khi ấy cuộc sống gia đình phụ thuộc vào việc chài cá ven biển. Có kinh nghiệm nghề cá, trong một lần gặp tình cờ, vợ chồng anh Lượng đồng ý ra thủ đô làm thuê tại đầm nuôi cá.
Chủ đầm là người bỏ vốn nuôi, vợ chồng anh Lượng chịu trách nhiệm chăm sóc. Công việc hàng ngày của vợ chồng là đi cắt cỏ về thả xuống ao cho cá ăn. Ngoài ra, những khi bán cá, hai vợ chồng là người giăng lưới, đánh bắt. “Ông chủ không tính lương theo tháng mà tính theo sản phẩm, nuôi được nhiều, bán được nhiều thì ông cho vợ chồng Lượng nhiều, ít thì cho ít”, một hàng xóm cho biết.
Nhà ông chủ đầm ở ngoài đường Thúy Lĩnh, cách nơi nuôi cá gần 1km. Để tiện chăm sóc cá, vợ chồng anh Lượng dựng một túp lều tranh ngay gần bờ ao làm nơi sinh sống.
Tai nạn thảm thương ngày cuối năm
Ngày 23/1/2014, vợ chồng anh Lượng xin ông chủ cho đánh thêm mẻ cá, dự định đem đi xay rồi làm chả, đem về quê làm quà Tết. Ông chủ thương vợ chồng công nhân làm lụng vất vả cả năm, đồng ý cho đánh thêm cá.
Trưa hôm ấy khi cơm nước xong, vợ chồng bơi thuyền ra đầm thả lưới. Thường thì giăng lưới xong khoảng nửa buổi mới thu về, cá mới được nhiều. Đến khoảng 19h cùng ngày, hàng xóm thấy vợ chồng cầm đèn pin, giỏ đựng cá ra ao thu lưới.
Hơn hai tiếng đồng hồ sau, ông chủ đầm cá có việc gọi điện thoại; nhưng gọi hàng chục cuộc mà không liên lạc được. Chủ đầm cá kể lại, khi ấy ông thấy linh tính khác thường, liền đi đến căn lều, không thấy ai. Lôi điện thoại ra gọi, thấy chuông đổ ở trong lều.
Ông đi xung quanh ao, vừa đi vừa gọi tên anh Lượng, vẫn bặt âm vô tín. Tiếp tục rảo quanh ao hỏi thăm những nhà hàng xóm có thấy vợ chồng anh Lượng đâu, đều nhận được những cái lắc đầu. Chủ đầm cá gọi thêm con trai ra, cùng đi tìm, soi đèn pin ra phía xa giữa ao, chợt thấy bồng bềnh con thuyền không người lái.
Rạng sáng hôm sau, người thân của hai vợ chồng đã có mặt; ông chủ đầm thuê thợ tìm kiếm người mất tích. Cả đời anh Lượng dùng lưới để giăng bắt cá, nay người ta dùng lưới để tìm kiếm xác anh. Sau hơn 5 tiếng đồng hồ sục sạo đáy ao, mọi người mới tìm thấy, kéo được xác anh lên bờ. Đến 15h cùng ngày, xác người vợ cũng được phát hiện.
Cơ quan công an cũng có mặt trong cuộc tìm kiếm hai nạn nhân. Sau khi xác chết được vớt lên, lực lượng chức năng khám nghiệm tử thi, kết luận nạn nhân chết là do bị ngạt nước. Đến 17h cùng ngày, trong khi cả triệu người làm công trên cả nước hớn hở về quê ăn Tết thì vợ chồng anh Lượng cũng về quê, nhưng người về trong quan tài. Hàng xóm thương tình, còn cử đại diện đi theo tiễn về đến tận quê nhà.
Bí ẩn theo người chết xuống mồ
Cái chết của vợ chồng người xấu số có nhiều uẩn khúc, bí ẩn. Theo hàng xóm, người vợ không biết bơi, nhưng anh chồng bơi rất giỏi. Thế nhưng tại hiện trường, anh chồng được tìm thấy ngay phía dưới chiếc thuyền là phương tiện hai vợ chồng dùng để bơi ra ao thu lưới cá; còn xác người vợ được tìm thấy cách xa vị trí người chồng trên 30m.
Túp lều tạm bợ từng là tổ ấm của vợ chồng xấu số. |
“Đi thu lưới thì kiểu gì hai vợ chồng cũng ngồi trên một chiếc thuyền. Nhưng không hiểu sao hai người lại được phát hiện ở cách xa nhau đến thế. Không có chuyện dòng nước cuốn trôi, vì ao nước tù, không có dòng chảy”, một nhân chứng thắc mắc.
Một số nhân chứng khác qủa quyết, ao thả nhiều cá, nhưng mảnh lưới hôm đó người ta vớt lên không thấy trúng con cá nào. “Tại vị trí phát hiện ra xác chết anh Lượng, lưới đã thu về được 2/3. Tức là công việc thu lưới sắp hoàn thành thì mới xảy ra tai nạn”, một nhân chứng khác cho biết.
Cho đến bây giờ nguyên nhân nào dẫn đến việc vợ chồng anh Lượng chết đuối chưa được người dân xác định. Một số người phán đoán, có thể trong quá trình thu lưới thì thuyền bị lật. Người vợ không biết bơi, được người chồng cố cứu giúp, nhưng cứu vợ không thành, chồng cũng kiệt sức rồi cả hai tử vong.
Tuy nhiên, thuyền có thể bị lật nhưng thuyền không thể chìm. Sau khi lật, người biết bơi thường bám lại được thành thuyền, cứu người không biết bơi, tại sao anh Lượng không làm được điều đó?.
Nguyên nhân chính xác vụ tai nạn thương tâm xảy ra như thế nào, đến nay chỉ có hai vợ chồng người xấu số biết, bí ẩn tạm thời theo xuống mồ. Trong khi chưa giải thích được nguyên nhân hai cái chết thương tâm thì một số người cho biết ao này có “dớp” chết người.
Một số người mê tín viện vào đó để giải thích lý do vụ tai nạn, cho rằng đây là ao “ma”, nạn nhân chết là do có “thế lực” siêu nhiên nào đó “kéo chân”, ép chết trong ngày giáp Tết.
Cách đây khoảng bốn năm, một đứa trẻ nhà ở gần ao ra đây tắm cũng đã bị chết đuối. Từ khi xảy ra vụ vợ chồng anh Lượng chết thảm, người mê tín lại lôi chuyện chết đuối trước đây ra kể.
Nhà cửa trong xóm cạnh “cái ao tử thần” khá thưa thớt, lụp xụp; nhiều nhà tạm bợ núp dưới lùm cây. Sau tai nạn, tối đến, nhà nào cũng tắt điện, đi ngủ sớm vì ám ảnh hai cái chết thương tâm.