Với mục tiêu ngày càng có nhiều người được bảo đảm an sinh xã hội sau khi hết tuổi lao động. Chính sách BHXH tự nguyện ra đời từ năm 2008 đã tạo cơ hội cho mọi người lao động ở khu vực phi chính thức được tham gia BHXH.
Sau 14 năm triển khai, đặc biệt là từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, cùng với định hướng chính trị thực hiện “BHXH toàn dân” được khẳng định tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, công tác phát triển BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều điểm sáng.
Sau khi được tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, chị Nguyễn Thị Triều Vân (trú tại thôn Đắc Măng, xã Đạ Rsal, huyện Đam Rông) đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện cho cả hai vợ chồng kể từ năm 2009. Mặc dù có những thời điểm thu nhập của gia đình không được ổn định, thế nhưng không vì thế mà chị Vân và gia đình ngưng đóng BHXH tự nguyện.
Với nhiều hình thức và mức đóng linh hoạt của chính sách BHXH tự nguyện như đóng 01 tháng, theo 01 quý hoặc 01 năm, 05 năm… đã giúp gia đình chị giải quyết được những khó khăn trong quá trình tham gia BHXH tự nguyện của mình.
Thậm chí sau khi hiểu rõ tính ưu việt của chính sách, chính bản thân chị Vân lại tiếp tục là cầu nối, tư vấn cho người thân, hàng xóm, bạn bè để “mạng lưới" an sinh không ngừng mở rộng. “Tôi thấy đây là một chính sách rất hay của Nhà nước để tôi là người lao động tự do được hưởng lương hưu khi về già…” – chị Vân chia sẻ.
Cũng là một trong số rất nhiều hộ gia đình kinh doanh tự do, chính vì thế, kể từ khi được các nhân viên thu BHXH, BHYT của huyện tư vấn, gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Hương (thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên) đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện cho cả mình và chồng.
Theo chị Hương chia sẻ, trước đây, khi chưa biết đến tính ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện, chị và chồng cũng khá băn khoăn về việc làm thế nào để có thể có một cuộc sống ổn định khi về già. Đặc biệt là trải qua hơn 2 năm gặp khó khăn về kinh tế do dịch Covid-19, gia đình chị mới càng thấm thía hơn ý nghĩa của việc “tích lũy”.
Trong những năm qua số lượng người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tăng mạnh hơn so với thời điểm 14 năm trước. Tính đến cuối tháng 11/2022, số lượng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là hơn 15.220 người. Trong đó, phần lớn số người tham gia là thuộc các địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
BHXH tự nguyện là một chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước dành cho người lao động tự do vì mục tiêu an sinh xã hội. Hãy tham gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay để cùng tích lũy khi trẻ, vui khỏe khi già.