Bệnh viện vệ tinh tại TP HCM: Được “nắm” nhiều kỹ thuật cao để giảm tải cho tuyến trên

 Bệnh viện Thủ Đức được coi là một trong những “điểm sáng” của mô hình BV vệ tinh nhưng lại “yếu” về cơ sở vật chất.
Bệnh viện Thủ Đức được coi là một trong những “điểm sáng” của mô hình BV vệ tinh nhưng lại “yếu” về cơ sở vật chất.
(PLVN) - TP HCM là một trong những địa phương đầu tiên triển khai đề án về bệnh viện (BV) vệ tinh, đem lại nhiều kết quả tốt đẹp. Sau 6 năm thực hiện, nhiều BV tuyến quận đã trở thành những "vệ tinh" tích cực của các BV tuyến trên với chất lượng khám chữa bệnh cao, kĩ thuật vượt trội, giảm tải rất nhiều cho các BV lớn. Trong số đó, có cả những BV quận đã được công nhận là BV loại 1.

Vệ tinh tuyến quận giảm tải cho BV tuyến trên

Đề án BV vệ tinh được khởi động từ năm 2013 với việc mở thí điểm phòng khám nhi vệ tinh của BV Nhi Đồng 1 tại các BV quận Bình Tân, Tân Phú.

Với Đề án BV vệ tinh, lấy BV tuyến trên làm trung tâm hạt nhân, các BV tuyến dưới được chuyển giao kỹ thuật, điều trị được những ca bệnh khó, không phải chuyển lên tuyến trên, đỡ tốn thời gian, tiền bạc cho người bệnh. Cạnh đó, BV vệ tinh nắm bắt kỹ thuật mới, cứu chữa nhiều ca bệnh khó, thu hút được nhiều bệnh nhân. 

Hiện, sau 6 năm thực hiện, hầu hết các BV lớn trên địa bàn TP đều đã có những "vệ tinh" tuyến quận, trong đó có những BV vệ tinh được đánh giá cao về chất lượng khám chữa bệnh. Như Viện tim TP HCM triển khai kĩ thuật phẫu thuật tim hở cho BV Thủ Đức, và hiện Thủ Đức trở thành một trong những BV mạnh về kĩ thuật mổ tim khu vực Đông Sài Gòn. Bệnh viện Ung bướu mở khoa vệ tinh tại BV quận 2 với quy mô ban đầu 200 giường bệnh, đến nay BV quận 2 cũng là một điểm điều trị u bướu nổi tiếng đối với người dân TP và các tỉnh, thành…

Ngoài BV Thủ Đức và BV quận 2, hiện rất nhiều BV tuyến quận huyện trên địa bàn TP như BV quận 9, Tân Phú, huyện Củ Chi, Hóc Môn... cũng nhận chuyển giao nhiều kỹ thuật cao để có thể thực hiện cấp cứu, điều trị tại chỗ cho bệnh nhân. Thống kê cho thấy, số lượng bệnh nhân tại các BV vệ tinh tăng cao sau mỗi năm, đi cùng với chất lượng khám chữa bệnh cũng ngày một hoàn thiện. Điều này cũng cho thấy sự tín nhiệm của người dân đối với BV vệ tinh cũng ngày một nâng cao.

Vệ tinh của vệ tinh

Không chỉ có "vệ tinh" tuyến quận của các BV tuyến TP, hiện còn có nhiều trung tâm y tế, phòng khám là vệ tinh của các BV tuyến quận. BV Thủ Đức, được coi là BV vệ tinh có hệ thống "vệ tinh con" mạnh nhất trong số các BV tuyến quận.

Đó là “Chuỗi phòng khám” nằm bên ngoài BV, như tại các trạm y tế, các phòng khám đa khoa vệ tinh của BV đặt tại trạm y tế và các phòng khám đa khoa tại các khu dân cư trực thuộc BV quận. Tại các chuỗi phòng khám này, người dân vẫn được hưởng chế độ BHYT như đối với BV.

Một "vệ tinh" của BV Thủ Đức là Phòng khám đa khoa phường Hiệp Bình Chánh có khá nhiều chuyên khoa: Cấp cứu, khám nội, sản, nhi, răng hàm mặt, phục hồi chức năng - y học cổ truyền, mắt, da liễu, ngoại tổng quát, siêu âm, xét nghiệm, X-quang, lọc máu - thận nhân tạo.

Mô hình này đã được BV Thủ Đức triển khai tại 5 Trung tâm y tế trên địa bàn quận và vẫn đang "phủ sóng" hết các Trung tâm còn lại. Cuối năm 2018, theo đánh giá của Sở Y tế TP HCM, mô hình này kéo giảm số lượt khám tại BV Thủ Đức từ trên 6.000 lượt/ngày xuống còn trên 4.000 lượt/ngày, một con số rất khả quan.

Ở "vùng sâu, vùng xa" hơn là huyện Củ Chi, một phòng khám "vệ tinh" cũng được đánh giá khá cao là Phòng khám đa khoa Tân Quy. Phòng khám này đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cơ bản của người dân của 6 xã Tân Thạnh Tây, Tân Thạnh Đông, Trung An, Hòa Phú, Bình Mỹ, Phú Hòa Đông, một khu vực đông đúc tập trung tới 3 khu công nghiệp.

Hiệu quả của mô hình BV vệ tinh, chuỗi phòng khám vệ tinh càng ngày càng rõ nét, đem lại nhiều lợi ích cho người dân, nhất là người dân "tại chỗ" ở những vùng xa BV tuyến TP, tuyến quận. Hy vọng rằng mô hình này sẽ tiếp tục được đầu tư và phát triển, góp phần đem lại một cái nhìn tươi sáng, giúp lấy lại niềm tin của người dân về hệ thống y tế trong nước.

Bà Huỳnh Mỹ Thư - Trưởng phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện quận Thủ Đức: 

“Cho đến nay, sự phối hợp giữa BV Thủ Đức và các BV tuyến trên phải nói là rất nhuần nhuyễn, hiệu quả. Hầu hết các ca bệnh từ bình thường đến phức tạp BV Thủ Đức đều có thể xử lý tại chỗ. Hoặc có những ca quá phức tạp, chúng tôi tham vấn, hội chẩn với BV tuyến trên, sau đó tùy tình hình mà chuyển bệnh nhân lên, hoặc linh động chuyển máy móc thiết bị hiện đại từ tuyến trên xuống để điều trị cho bệnh nhân.

Nói đến cơ sở vật chất, đây là khâu đang "yếu" nhất của BV. Thời gian qua, BV đã có những đề xuất về việc mở rộng khuôn viên BV bằng các khu đất xung quanh, TP cũng đã chủ trương đồng ý, nhưng còn vướng phải nhiều yếu tố khách quan nên chưa thực hiện được”.

Đọc thêm

Cảnh báo bệnh cúm mùa gia tăng ở trẻ em

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi. (Ảnh: BVCC)
(PLVN) - Từ những triệu chứng điển hình ban đầu của cúm như sốt, viêm đường hô hấp trên, đau mỏi người… nhiều trẻ chuyển biến nhanh sang các biến chứng nặng: viêm phổi, suy hô hấp, viêm não, tổn thương đa cơ quan. Bác sĩ cảnh báo bệnh cúm mùa đang gia tăng ở trẻ nhỏ.

32 bệnh nhi ngộ độc thuốc diệt chuột, có bệnh nhi tổn thương não, tim

TS. BS Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa và TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc thăm khám cho từng bệnh nhi. Ảnh: Nguyên Hà
(PLVN) - Ngày 24/1, Bệnh viện Bạch Mai thông tin, chiều tối ngày 22/1, Trung tâm Nhi Khoa và Trung tâm Chống độc liên tiếp tiếp nhận 32 bệnh nhi, hầu hết là học sinh từ 1 đến lớp 5 trường Tiểu học Phú Bình, TP Tuyên Quang, do nghi ngờ uống nhầm thuốc diệt chuột. Qua mô tả hình dáng ống siro các bệnh nhi uống có đặc điểm giống hóa chất diệt chuột Trung Quốc phổ biến với hoạt chất là fluoroacetate.

Phú Thọ: Gian nan quản lý người tâm thần tại cộng đồng

Cán bộ y tế Bệnh viện tâm thần Phú Thọ đang điều trị cho bệnh nhân. (Ảnh: BVCC)
(PLVN) - Trong cuộc sống hiện tại do phải đối mặt với nhiều áp lực như: công việc, học tập, kinh tế, tình cảm...nên nhiều người bị rối loạn tâm thần. Vì thế, công tác quản lý, chăm sóc và điều trị cho những người mắc bệnh tâm thần gặp nhiều khó khăn, trở ngại do thiếu nhân lực, kinh phí, sự hợp tác của gia đình và đặc biệt sự kỳ thị của cộng đồng.