Đoàn thanh tra đã làm rõ thời gian trên, tổng số tiền thu lợi trái pháp luật của 6 bác sĩ trong việc thu tiền phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ có sử dụng vật liệu nhân tạo là gần 4 tỷ đồng. Sở Y tế TP đã thu hồi, tạm giữ 1,6 tỷ đồng.
Để thu lợi trái pháp luật, điều dưỡng, bác sĩ của Khoa Bỏng đã thu tiền của bệnh nhân thực hiện phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ, tự mua sắm vật liệu nhân tạo (VLNT) để thực hiện cấy ghép trong BV. Nhân viên y tế không nộp lại tiền cho BV mà hưởng chênh lệch.
Thanh tra cũng yêu cầu 2 bác sĩ Nguyễn Ngọc Nhơn, Võ Anh Minh nộp lại số tiền thu lợi trái pháp luật từ năm 2012 đến năm 2017 là hơn 5,4 tỷ đồng. Trong giai đoạn trên, bác sĩ Nhơn đã nhận khoản chênh lệch trái pháp luật khi thực hiện phẫu thuật, thủ thuật cho bệnh nhân là hơn 2,6 tỷ đồng, bác sĩ Minh nhận hơn 2,8 tỷ đồng.
Đáng nói, trong suốt quá trình tiến hành thanh tra, đoàn thanh tra nhiều lần yêu cầu BS Nhơn và BS Minh giải trình về việc sử dụng số tiền của bệnh nhân, tên đơn vị cung cấp, giá VLNT nhưng cả 2 BS này không thực hiện; cũng như nhiều lần được mời làm việc nhưng BS Nhơn không đến. Do 2 BS này không giải trình đầy đủ, Thanh tra đã áp dụng mức tạm tính căn cứ vào từng loại thủ thuật, phẫu thuật mà Sở Y tế xác minh tại BV Trưng Vương vào năm 2019.
Trong quá trình kiểm tra hồ sơ bệnh án, đoàn thanh tra còn nhận thấy chỉ có các trường hợp bệnh nhân đặt túi ngực là được dán tem nhãn hiệu VLNT trên hồ sơ. Những hồ sơ của bệnh nhân thực hiện độn mũi, cằm, tiêm chất làm đầy da thì phần lớn không dán tem nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ.
“Đa số bác sĩ giải thích nguồn gốc, xuất xứ “từ nơi sản xuất nổi tiếng trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Ý, Pháp và do các công ty uy tín của Việt Nam cung cấp, được phép lưu hành”. Tuy nhiên, các vật liệu trên vẫn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, thẩm mỹ của bệnh nhân do không có hồ sơ theo dõi, quản lý”, kết luận thanh tra nêu.
Ngoài ra, Khoa Bỏng của BV Trưng Vương còn có những sai phạm trong hoạt động như không xây dựng quy trình khám, chữa bệnh nội trú, ngoại trú; không lập kế hoạch phẫu thuật tuần trình Ban Giám đốc BV phê duyệt. Một số hồ sơ bệnh án không có bảng kê chi tiết vật tư y tế, phiếu thu dịch vụ; không vẽ lược đồ phẫu thuật...
Thanh tra TP kết luận, BV Trưng Vương không mua sắm VLNT từ năm 2012 - 2018 là thực hiện không đúng quy định của Bộ Y tế, dẫn đến việc BS của BV tự mua hoặc giới thiệu bệnh nhân đi mua VLNT; từ đó phát sinh các khoản thu lợi trái pháp luật của các BS trong thời gian dài, nhưng không có hồ sơ pháp lý để theo dõi, quản lý chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của các mặt hàng VLNT. Từ năm 2012 đến trước tháng 10/2018, BV để cho BS của khoa thu tiền VLNT nên không lập hóa đơn, kê khai doanh thu chịu thuế; không theo dõi thu, chi VLNT trong thời gian dài là thực hiện không đúng Luật Kế toán.
Thanh tra TP cũng xác định việc Giám đốc BV Trưng Vương ký ban hành các quyết định giao cho Trưởng khoa Bỏng - tạo hình thẩm mỹ (BS Phạm Trịnh Quốc Khanh - PV) chịu trách nhiệm tư vấn vật tư y tế tiêu hao phục vụ phẫu thuật, thủ thuật, giới thiệu công ty cung cấp để bệnh nhân lựa chọn... là giao việc không đúng chức trách, nhiệm vụ của trưởng khoa lâm sàng theo quy chế BV của Bộ Y tế. Do đó, cần thu hồi, hủy bỏ các quyết định trên. Để xảy ra các vi phạm trên là trách nhiệm của Giám đốc, BS Lê Thanh Chiến, Trưởng phòng Tài chính - kế toán, Trưởng phòng Trang thiết bị - vật tư y tế, Trưởng khoa Bỏng - tạo hình thẩm mỹ và các cá nhân có liên quan theo từng thời kỳ phát sinh vụ việc...
Đối với những sai phạm trên, Chánh Thanh tra TP kiến nghị Chủ tịch UBND TP chỉ đạo, giao Giám đốc Sở Y tế phối hợp với thanh tra thu hồi khoản thu lợi trái pháp luật đã xác minh. Các cá nhân, tập thể sai phạm trong điều hành, quản lý tài chính, đấu thầu mua sắm cần được kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm.
Đối với 2 bác sĩ Nhơn và Minh, Thanh tra TP đề nghị Giám đốc BV Trưng Vương kiểm điểm, xử lý về ý thức chấp hành kỷ luật, pháp luật thanh tra. Trong trường hợp 2 bác sĩ trên không nghiêm túc thực hiện kết luận, đề nghị đình chỉ công tác để xử lý theo quy định pháp luật về viên chức.
Trước đó, Thanh tra TP HCM cũng đã kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế và đấu thầu thuốc chữa bệnh tại một số BV trên địa bàn. Thời kỳ thanh tra từ 1/1/2014 - 30/9/2019.
Qua thanh tra việc mua sắm trang thiết bị và vật tư y tế, Thanh tra xác định BV Ung Bướu, BV Nhân dân Gia Định… có sai sót trong áp dụng hình thức đấu thầu mua sắm trực tiếp vật tư y tế. Các sai sót này chủ yếu diễn ra trong năm 2014, 2015.
BV Ung Bướu được xác định có sai sót về trình tự, thủ tục theo Luật Đấu thầu 2013 vì không ban hành quyết định thành lập bên mời thầu khi mua sắm trang thiết bị y tế. BV cũng thực hiện 32 gói thầu mua sắm trực tiếp mà không đấu thầu rộng rãi.
BV Nhân dân Gia Định cũng mua sắm trực tiếp 15 gói trang thiết bị y tế mà không đấu thầu rộng rãi. Thêm vào đó, từ năm 2014 đến 2017, BV này áp dụng tính giá trung bình cộng để lập dự toán gói thầu vật tư y tế thay vì áp dụng giá thấp nhất. Từ năm 2018, BV đã thay đổi và không còn lặp lại các sai sót kể trên.
Trong đấu thầu thuốc chữa bệnh, các BV này tiếp tục có một loạt sai sót trong đấu thầu như không hủy thầu với các mặt hàng không lựa chọn được nhà thầu.
Riêng BV Ung Bướu có các sai sót gồm: Không phạt vi phạm hợp đồng với công ty không cung cấp thuốc theo kết quả lựa chọn nhà thầu; không đăng tải kế hoạch và kết quả chọn nhà thầu năm 2016; không đăng tải thông tin mua sắm trực tiếp trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Sở Y tế cũng chậm trễ trong phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu năm 2018-2019 tại BV Ung Bướu.
Thanh tra xác định tính đến tháng 12/2019, TP còn phát sinh 218 tỷ đồng nợ đọng tiền BHYT. Cùng với đó, tính đến tháng 9/2019, chi phí khám chữa bệnh BHYT vượt quỹ, vượt trần năm 2017 của 151 cơ sở khám, chữa bệnh là 258 tỷ đồng. Số tiền này cùng 186 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh vượt trần năm 2018 đều chưa được BHXH chấp nhận thanh toán.