Bệnh nhân mắc sởi tăng đột biến
Ngày 15/1/2019, bác sĩ (BS) Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 2, TP HCM cho biết tại khoa Nhiễm hiện đang điều trị 61 ca sởi, 5 ca khá nặng được hỗ trợ thở oxy. Trong đó có nhiều trẻ chỉ mới 3, 4 tháng tuổi nên chưa đến thời điểm tiêm chủng vắc xin sởi. Điều đáng lo ngại nhất là các trẻ có bệnh nền như tim bẩm sinh, phổi mãn tính khiến cho bệnh tiến triển nhanh và kéo dài…
Đang chăm sóc con 2 tuổi đang điều trị tại phòng cách ly ở BV Nhi Đồng 2, chị Vũ Thị Hoa Hường (Đồng Nai) hết sức lo lắng. Chị kể, ngày 31/12/2018 thấy con sốt nên vội vàng đưa đến phòng khám gần nhà. Tại đây, bé được chẩn đoán sốt siêu vi. Sau vài ngày uống thuốc không khỏi, chị mang bé đi khám ở BV địa phương và chuyển lên BV Nhi đồng 2 khám lại. Kết quả con chị mắc sởi, có biểu hiện nặng, mắt lờ đờ, mệt mỏi: “Trước đó, cháu hơi yếu nên thường bị ho. Mỗi lần đến thời điểm chích ngừa sởi, cháu đều không thể chích do thể trạng yếu. Nhiều lần như vậy nên đến giờ, bé vẫn chưa được tiêm, rồi bị bệnh”, chị Hường chia sẻ.
Tại Khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 1 TP HCM hiện cũng đang điều trị cho nhiều trẻ bị sởi. Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi ngày tại đây tiếp nhận gần 40 ca mắc sởi, trong đó có khoảng 5 đến 7 ca phải chăm sóc đặc biệt. Các BS chỉ định nhập viện những trường hợp đã có biến chứng. Số ca nhẹ đã được hướng dẫn và chăm sóc tại nhà.
Theo các bệnh viện trên địa bàn TP HCM, nhiều ngày trở lại đây, không chỉ trẻ em mắc sởi gia tăng, bệnh nhân là người lớn cũng nhập viện rất nhiều. Tại BV Bệnh Nhiệt Đới TP HCM, số bệnh nhân là người lớn nằm điều trị vì mắc bệnh sởi chiếm 50%.
BSCKII Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng khoa Nội A, BV Bệnh Nhiệt Đới TP HCM cho biết, so với đầu năm 2018, số bệnh nhân mắc sởi tăng đột biến trong những ngày đầu năm 2019. Đỉnh điểm cao nhất trong năm 2018 là tháng 12, BV điều trị cho 269 ca mắc sởi. Thế nhưng hiện nay, mỗi ngày đã có 65 – 70 trường hợp đến khám và điều trị do bệnh sởi. Đáng báo động là số bệnh nhân nhập viện vẫn đang trên đà tăng, mỗi ngày nhập viện gần 20 ca. Hiện nay, số giường bệnh tại khoa đã kín, không còn giường trống.
Khuyến cáo cách ly bệnh nhân
BS Hoa nhấn mạnh: “Tháng 1 lẽ ra là “cuối mùa sởi” nhưng hiện tại, trẻ em, người lớn, thai phụ nhập viện hàng loạt. Qua theo dõi, chúng tôi thấy hiện có tình trạng một số người coi thường bệnh sởi, coi nhẹ việc tiêm phòng hoặc khi mắc sởi không thực hiện cách ly mà tiếp tục sinh hoạt, giao tiếp bình thường với người xung quanh. Một số lại nghiêm trọng hóa căn bệnh, khi mắc sởi thì đòi nằm viện. Môi trường BV làm bệnh nhân bị bội nhiễm, lây chéo khiến cho dịch sởi bùng phát khó kiểm soát”.
“Chúng tôi khuyến cáo người dân hãy bình tĩnh khi mắc sởi, đưa bệnh nhân tới khám tại các cơ sở y tế để nắm được tình trạng bệnh. Nếu bệnh nhẹ, bệnh nhân có thể điều trị tại nhà theo chỉ dẫn của BS, đặc biệt chú ý cách ly để tránh lây bệnh. Nếu bệnh nhân đang mắc bệnh khác rồi sau đó mắc sởi hoặc có cơ địa đặc biệt như người già hoặc phụ nữ có thai, bệnh nhân cần được đưa tới BV càng sớm càng tốt. Hơn nữa, biện pháp tốt nhất để phòng bệnh sởi là tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch, nhất là trẻ em và phụ nữ chuẩn bị mang thai”, BS Hoa đề nghị.
Sởi là bệnh truyền nhiễm dễ lây nhất. Bệnh do virus sởi gây ra. Virus này lây lan qua không khí khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng từ nhẹ như tiêu chảy, viêm tai giữa đến biến chứng nặng nề như viêm phổi, viêm não và có nguy cơ tử vong cao, đặc biệt trẻ em suy dinh dưỡng.
Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên chích ngừa sởi và các loại bệnh đã có vắc xin chủng ngừa trước khi mang thai. Các bà bầu có dấu hiệu bệnh sởi cần nhanh chóng đến cơ sở y tế khám, theo dõi, điều trị kịp thời.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, BV Nhi Đồng 1, TP HCM cũng khuyến cáo: Các bậc phụ huynh nên lưu ý những dấu hiệu để phát hiện bệnh sởi. Bệnh sởi có thời gian ủ bệnh từ 7 đến 21 ngày, sau đó có thể có các triệu chứng như: sốt cao trên 39°C, viêm long đường hô hấp trên, chảy nước mũi, ho khan kéo dài, chảy nước mắt, mắt có gỉ kèm nhèm, sưng nề mí mắt… Ban sởi sẽ mọc từ đầu, mặt, cổ rồi xuống lưng, cánh tay... Khi chăm sóc trẻ, các bậc cha mẹ cần phải đảm bảo cách ly không để nguồn bệnh lây lan và giúp trẻ không bị mắc thêm bệnh lây truyền từ người khác. Và biện pháp quan trọng nhất vẫn là tiêm phòng sởi.