Bệnh viện Phụ sản Hà Nội: Nơi mang lại những nụ cười hạnh phúc

(PLVN) - Với mục tiêu mang đến những ca “vượt cạn an toàn”, “mẹ tròn con vuông”, trải qua 41 năm thành lập, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sản phụ, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho biết bao gia đình. “Trao nhận niềm tin - Khơi thêm nguồn hạnh phúc” là động lực để đội ngũ những người thầy thuốc nơi đây bình lặng cống hiến cho xã hội.

Một trong 4 bệnh viện hàng đầu của ngành sản khoa cả nước

 Bước chân đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, dường như người bệnh và người nhà của họ đã thấy rất yên tâm khi đọc dòng chữ “Trao nhận niềm tin - Khơi thêm nguồn hạnh phúc” sáng lấp lánh ngay ở tòa nhà chính.

Để thực hiện được đúng tiêu chí của 9 chữ nói trên, để nhận về sự tin tưởng, mang thêm niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ cho những người phụ nữ và gia đình họ là cả một hành trình dài nỗ lực vươn lên không ngừng của đội ngũ các thầy thuốc nơi đây trong 41 năm qua. 

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chính thức được thành lập vào ngày 21/11/1979, theo Quyết định số 4951/QĐTC của UBND TP. Hà Nội. Trải qua 41 năm không ngừng nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, từ một bệnh viện nhỏ bé với hơn 100 giường, đến nay Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã trở thành bệnh viện chuyên khoa hạng I với 750 giường bệnh cùng những trang thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bệnh viện cũng sớm được giao thực hiện tự chủ về tài chính, tự đảm bảo toàn bộ chi hoạt động thường xuyên. Là bệnh viện đứng đầu chuyên ngành sản phụ khoa của thành phố Hà Nội và cũng là bệnh viện tuyến cuối chuyên ngành sản phụ khoa của Bộ Y tế, hiện tại, Bệnh viện có 41 khoa, phòng, tổ, bộ phận, trung tâm trực thuộc với hơn 1.564 cán bộ nhân viên.

 

Nói về bước phát triển của đơn vị, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ: "Cũng như các bệnh viện khác, chúng tôi luôn quán triệt tới cán bộ, thầy thuốc, nhân viên toàn bệnh viện phải hoạt động với phương châm “lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ”, thực sự mỗi thầy thuốc phải “như mẹ hiền”, nâng cao y đức trong mỗi công việc hàng ngày.

Đi đôi với đó là phải không ngừng nâng cao chất lượng công tác chuyên môn, áp dụng được nhiều tiến bộ của y học hiện đại trong khám chữa bệnh để người dân được hưởng những dịch vụ tốt nhất. Chính nhờ đó mà Bệnh viện ngày càng đạt những bước phát triển vượt bậc trong công tác chuyên môn, trở thành địa chỉ tin tưởng, mang đến chất lượng khám chữa bệnh tốt nhất cho người dân."

Trung bình mỗi năm, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đón hơn 40.000 em bé chào đời, thực hiện trên 20.000 ca phẫu thuật sản phụ khoa, hàng chục ngàn ca thủ thuật và gần một triệu lượt khám mỗi năm. Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã đẩy mạnh và phát triển hiệu quả 7 mũi nhọn chuyên sâu; nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại đã được áp dụng trong khám và điều trị tại bệnh viện.

Cụ thể, đơn vị  tập trung phát triển các kỹ thuật mũi nhọn chuyên môn như: Hỗ trợ sinh sản và nam học; chẩn đoán, sàng lọc trước sinh và sơ sinh; dự phòng, sàng lọc, chẩn đoán và điều trị ung thư phụ khoa; ứng dụng giảm đau trong phẫu thuật, thủ thuật sản phụ khoa… Bệnh viện đã áp dụng và triển khai nhiều kỹ thuật mới như: Phẫu thuật ung thư buồng trứng, cổ tử cung, sinh thiết phôi ngày 5 (PGS), xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn…

Điều khiến người dân Thủ đô và nhiều tỉnh thành khác rất tin tưởng vào trình độ của thầy thuốc ở đây là đã có rất nhiều các bệnh khó, hiếm gặp đã được điều trị thành công. Hàng năm, Bệnh viện tiếp nhận khoảng trên 6.000 ca sinh non trong đó 70% là ở tuổi thai rất non: 28 - 33 tuần.

Trung bình mỗi ngày khoa sơ sinh Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận trung bình 140 trẻ; cứu sống nhiều trẻ sơ sinh nặng, sơ sinh non yếu với cân nặng rất thấp, cực thấp. Trẻ sơ sinh có cân nặng thấp nhất được Bệnh viện cứu sống là trẻ 650gr mới được 26 tuần tuổi.

"Để đạt được kết quả trên nêu trên, trong quá trình quản lý, điều hành bệnh viện, Ban Giám đốc đã triển khai toàn diện, có hiệu quả việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thường xuyên tổ chức các hội thi để nâng cao y đức, tay nghề chuyên môn như: Hội thi Điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên giỏi các cấp; tuyên truyền đổi mới phong cách thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh,...

Tổ chức đào tạo, đào tạo lại, kết hợp với các Bệnh viện lớn trong và ngoài nước để bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ. Bệnh viện cũng kịp thời tôn vinh khen thưởng những tấm gương điển hình, những cán bộ , thầy thuốc hết lòng đóng góp cho công tác khám chữa bệnh, cho sự nghiệp khoa học, cho sự phát triển của Bệnh viện", PGS.TS Nguyễn Duy Ánh cho biết.

PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội
PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội 

Triển khai kỹ thuật sản khoa hàng đầu thế giới

Năm 2019 đánh dấu bước tiến mới trong nâng cao năng lực chuyên môn của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khi trở thành bệnh viện công đầu tiên của cả nước thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp bào thai cho thai phụ từ 17 đến 26 tuần tuổi có hội chứng truyền máu song thai và dải xơ buồng ối nhằm cứu sống, khắc phục các dị thường nặng, có thể gây chết thai hoặc tàn phế.

Đây là kỹ thuật được coi là khó nhất trong sản phụ khoa. Từ trước tới nay, y học nước ta mới thực hiện việc chẩn đoán trước sinh nhằm phát hiện dị tật và các lỗi của bào thai nhưng việc can thiệp bào thai chưa thực hiện được.

Đến nay, sau 1 năm, số trường hợp được can thiệp thành công tại đơn vị này lên tới trên 50 ca. Gần nửa trong số đó đã chào đời khỏe mạnh, những em bé còn lại đang tiếp tục được theo dõi cho đến khi ra đời

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, y học bào thai là kỹ thuật cao nhất trong lĩnh vực sản khoa hiện nay. Nếu như trước đây, những thai phụ mắc các bệnh lý về bào thai phải chấp nhận hoặc thai nhi tử vong hoặc được chào đời nhưng phải mang theo dị tật. Giờ đây, với kỹ thuật can thiệp bào thai, người thầy thuốc có thể can thiệp được ở hầu hết các cơ quan của bào thai, thậm chí cả não, tim, màng phổi… ngay trong bụng mẹ. Đây là kỹ thuật khó nằm trong khuôn khổ đề tài cấp Nhà nước được Bộ Khoa học Công nghệ tin cậy và phê duyệt đề cương giao cho đơn vị thực hiện.

Ngoài ra, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội còn là nơi đầu tiên trong cả nước triển khai sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho trên 40.000 sản phụ, bệnh nhi/năm bằng nhiều kỹ thuật hiện đại để tìm kiếm nhanh gần 50 loại bệnh sản khoa gồm: Rối loạn chuyển hóa, tim bẩm sinh, đo thính lực… nhằm phát hiện sớm các bệnh nguy hiểm để chữa trị kịp thời.

Một ca can thiệp bào thai
Một ca can thiệp bào thai 

Mang lại hạnh phúc cho các cặp vợ chồng hiếm muộn

Dưới sự chỉ đạo của PGS.TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện, mỗi năm, Khoa Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã thực hiện hàng ngàn lượt khám và tư vấn, hỗ trợ “ươm mầm” thành công cho hàng ngàn em bé đem lại niềm hạnh phúc vô bờ cho rất nhiều gia đình hiếm muộn.

Từ năm 2010, Khoa Hỗ trợ sinh sản đã thực hiện thành công một số kĩ thuật trong điều trị hiếm muộn như: Thụ tinh trong ống nghiệm  (VF); Kĩ thuật chọc hút tinh trùng từ mô tinh hoàn (TESE); Trữ lạnh phôi và rã đông, chuyển phôi trữ ...

Khoa Hỗ trợ sinh sản đã tiến hành phát triển thêm nhiều kỹ thuật hiện đại và hiệu quả. Tiêu biểu có thể kể đến như: Sử dụng AMH trong đánh giá dự trữ buồng trứng; Hỗ trợ phôi thoát màng bằng laser; Gần 100% bệnh nhân được tiếp cận kĩ thuật hỗ trợ phôi thoát màng...

Quan tâm các hoạt động an sinh xã hội

Không dừng lại ở công tác chuyên môn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội còn quan tâm đặc biệt đến công tác xã hội. Các chủ trương về hỗ trợ các gia đình chính sách, bệnh nhân nghèo điều trị tại bệnh viện được cán bộ, nhân viên hưởng ứng nhiệt tình.

Bệnh viện đã có những chương trình rất thiết thực như: Triển khai chương trình “Vì một niềm tin về hạnh phúc” miễn phí chẩn đoán di truyền trước làm tổ, thụ tinh trong ống nghiệm cho 20 cặp vợ chồng có hoàn cảnh khó khăn; tham gia xây dựng nhà “Đại đoàn kết” tại các tỉnh vùng sâu vùng xa, ủng hộ Quỹ vì người nghèo.

Từ năm 2019 đến nay, Bệnh viện đã đóng góp xây dựng 127 căn nhà tình nghĩa cho người nghèo tại nhiều địa phương trên cả nước. Với những thành công đạt được, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đang được đề nghị Nhà nước xét tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, chưa bằng lòng những thành công đã đạt được, thời gian tới, đội ngũ thầy thuốc, nhân viên Bệnh viện Phụ sản Hà Nội sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu để đến được những thành công cao hơn với mục tiêu và phương châm làm việc “Tương lai trẻ thơ là mầm sống và tài nguyên của đất nước”.

Đọc thêm

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025
(PLVN) - Trao đổi với các đối tác tại Việt Nam, Giám đốc cao cấp chương trình Sức khỏe cộng đồng của Quỹ Sáng kiến Bloomberg, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước. Bộ Y tế cần xây dựng thêm công cụ và hướng dẫn để ngăn ngừa sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá mới, cũng như việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng...

Cẩn trọng với "thầy thuốc" online

Người dân nên tiếp cận thông tin trên mạng xã hội từ các nguồn uy tín. (Ảnh: PV)
(PLVN) -  Việc tiếp nhận thông tin chưa được kiểm chứng, không bảo đảm độ chính xác tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt trong lĩnh vực y tế và sức khỏe có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người.

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới
(PLVN) - Trong khi hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật, song Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trước thực trạng này, các chuyên gia đã trao đổi về những thách thức còn tồn tại để tìm ra các giải pháp thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Hà Nội: Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Đoàn kiểm tra liên ngành công tác ATTP kiểm tra tại một cơ sở. (Ảnh: Bích Hằng)
(PLVN) - Ông Đặng Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho biết, Thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm, trong đó ngành Y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở. Cơ quan chức năng đã tăng cường thanh, kiểm tra và giám sát ATVSTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể.

Dịch sốt xuất huyết lan rộng

Dịch sốt xuất huyết lan rộng
(PLVN) - Trước đây, sốt xuất huyết chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung, tuy nhiên hiện nay, dịch lan rộng ra Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên. Đặc biệt, các địa phương miền Bắc như TP Hà Nội và một số tỉnh miền núi cũng đã ghi nhận dịch sốt xuất huyết lưu hành.