“Có mệnh hệ gì bên tôi chịu trách nhiệm”
Theo ông Võ Kim Sơn, dượng của cháu Nguyễn Văn Đan (SN 2008, mất tại Bệnh viện Đa khoa Sơn Hòa ngày 10/11), cháu Đan nhập viện vào Khoa Cấp cứu Bệnh viện huyện Sơn Hòa vào lúc 4h sáng ngày 10/11 trong tình trạng sốt nhẹ. Chiều hôm 9/11, trước khi nhập viện, cháu Đan vẫn chạy nhảy, đi chơi đá banh như mọi ngày. Sau khi nhập viện, bác sĩ tiêm một mũi thuốc và truyền nước thì cháu lên cơn co giật và nôn ói.
7h sáng, gia đình thấy cháu Đan không ổn, liên tục co giật và nôn ói nên năn nỉ bác sĩ (BS) chuyển viện lên tuyến trên nhưng BS không đồng ý. Lúc này, một BS tên Thắng của Khoa Cấp cứu được cho rằng nói với người nhà bệnh nhân là: “Cứ yên tâm, có mệnh hệ gì bên tôi chịu trách nhiệm”. Khoảng 30 phút sau, cháu Đan hôn mê sâu và bác sĩ vào hô hấp.
8h sáng cùng ngày, gia đình phát hiện dấu hiệu cháu Đan đã mất, ngưng thở. Đến lúc này Bệnh viện mới đưa cháu lên xe cấp cứu để chuyển viện. Khi đi được một đoạn, gia đình không chịu vì biết cháu đã mất nên phản ứng dữ dội, yêu cầu xe quay lại Bệnh viện Sơn Hòa. “Trên xe cấp cứu, tôi nói là nếu không quay lại Bệnh viện thì tôi đập cửa xe, đưa cháu tôi về vì lúc đó cháu đã mất rồi mà chuyển đi đâu nữa. Lúc đó xe mới quay lại”, ông Sơn bức xúc thuật lại.
Trước sự việc, gia đình cho rằng bệnh viện đã vô trách nhiệm, không quan tâm đến bệnh nhân. “Khi cháu nhập viện họ không lo lắng, quan tâm gì hết, truyền nước rồi tiêm mũi thuốc xong là đi luôn”, ông Sơn nói.
Theo người nhà nạn nhân, sau khi cháu Đan mất, Bệnh viện đi viếng số tiền 2 triệu. Tới ngày 18/11, Bệnh viện đến nhà đưa giấy chứng tử và “hỗ trợ bồi thường” 30 triệu đồng, nhưng gia đình không nhận. Gia đình cho rằng giấy chứng tử không đúng thời gian, vì cháu Đan mất lúc 7h sáng chứ không phải 9h như giấy chứng tử đã ghi. Ngoài ra, các chẩn đoán ghi trên giấy không đúng với căn bệnh của cháu, vì trước đó cháu Đan không có triệu chứng gì của bệnh nặng, vẫn đi học và chơi thể thao bình thường.
“Bây giờ cháu cũng đã mất rồi, không thể làm gì được, nhưng gia đình muốn làm rõ sự việc này, để các bác sĩ phải có trách nhiệm hơn với bệnh nhân nói chung”, ông Sơn nói.
Người mẹ ngất xỉu nhiều lần trong đám tang con |
Bệnh viện nói gì?
PV đã liên hệ với Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Hòa để làm rõ vụ việc. Theo BS Lê Thị Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Bệnh viện, Bệnh viện đã có hướng hỗ trợ gia đình nạn nhân nhưng người nhà không chấp nhận. “Chúng tôi cũng đang chờ kết quả bên cơ quan pháp y để tiếp tục giải quyết. Sau khi cháu mất thì Bệnh viện có qua nhà nạn nhân thăm 2 lần”, BS Nhàn nói.
Khác với thông tin người nhà cung cấp, theo BS Nhàn, bệnh nhân vào viện lúc 5h sáng ngày 10/11 với triệu chứng sốt cao, co giật, nôn ói nhiều, chẩn đoán là viêm não, theo dõi sốt xuất huyết. Bệnh viện xử lý theo phác đồ điều trị, theo dõi 15 phút một lần, nhưng bệnh nhân không qua khỏi. Chẩn đoán cuối cùng là suy hô hấp, suy tuần hoàn, bệnh nhân bị viêm não và bệnh nhân chết trong lúc chuyển viện, trên đường đi. Cơ quan điều tra có vào cuộc, đề nghị mổ tử thi.
Về việc người nhà bệnh nhân yêu cầu chuyển viện vào lúc 7h sáng nhưng Bệnh viện không cho, BS Nhàn giải thích rằng giai đoạn này bệnh nhân đang co giật mà trong quá trình co giật thì Bệnh viện phải xử lý cho ổn rồi mới dám chuyển. “Đó là nguyên tắc, vì khi ở lại đây, Bệnh viện có ê kíp trực, có đầy đủ để khi xảy ra vấn đề gì có thể hỗ trợ được. Nếu đang co giật mà trên đường đi thì một hoặc hai người xử lý không ổn”, BS Nhàn nói.
Về việc BS Thắng được cho là nói với người nhà bệnh nhân rằng: “Cứ yên tâm, có mệnh hệ gì bên tôi chịu trách nhiệm”, thì BS Nhàn nói: “Làm bên ngành Y không ai dám nói câu đó”.
Về vấn đề biết bệnh nhân đã mất, sao Bệnh viện còn chuyển viện, trên xe cấp cứu người nhà đập cửa xe yêu cầu quay về lại Bệnh viện, BS Nhàn từ chối trả lời: “Tôi không chứng kiến cảnh đó, Bệnh viện không nắm được cảnh đó nên bây giờ bệnh nhân nói thì mình nghe thôi”.
Ông Phan Văn Thiền, Chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh Phú Yên cho biết đã tiếp nhận thông tin về vụ việc. “Chúng tôi sẽ xử lý thông tin vụ việc và báo cáo kết quả xử lý trong thời gian tới”, ông Thiền nói.
Gia cảnh cháu Đan hết sức khó khăn. Mẹ con Đan không có nhà cửa và phải ở nhờ trong căn nhà người dì là Võ Thị Hồng (SN 1968) do Hội Chữ thập đỏ xây dựng cho. Hằng ngày, chị Mốt đi bán vé số để nuôi Đan ăn học và người dì bị tật.
Vào mỗi dịp được nghỉ hè, mấy dì cháu dắt díu nhau vào Sài Gòn để bán vé số kiếm tiền trang trải cuộc sống. Đan hiện đang học tiểu học ở một trường gần nhà, là con út trong gia đình có 3 anh chị em, cha bỏ đi sớm, hai anh chị lớn đã lập gia đình, nhưng ai cũng khó khăn về kinh tế.
Sau cơn bão, trời miền Trung nắng như đổ lửa, ngày đưa con về nơi an nghỉ, người mẹ ngất xỉu nhiều lần. “Hôm kia con còn nói mua nợ vở với bút dưới nhà bà Tư, má xuống trả tiền. Dậy đi con, mai má xuống trả tiền cho”, người mẹ òa khóc.