Trước đó, bênh nhận Chon (10 tuổi, có địa chỉ tại Sepon – Savanakhet, Lào) ăn cá trê nướng bị sặc thức ăn vào đường thở, ho sặc sụa. Sau đó, bệnh nhân được người nhà đưa đi khám và điều trị ở Bệnh viện Sepon – Lào nhưng không chẩn đoán ra bệnh. Hai ngày sau bệnh nhân được chuyển Bệnh viện tỉnh Quảng Trị và được chẩn đoán: Theo dõi Dị vật ở phế quản thùy trên phổi (P), đã tiến hành lấy dị vật nhưng không thành công.
Đền ngày 25/7, bệnh nhân được chuyển vào khoa Tai mũi họng Bệnh viện Trung ương Huế. Tại đây, các bác sĩ khoa Tai Mũi họng và khoa Nội Nội tiết- Thần kinh- Hô hấp hội chẩn, làm các xét nghiệm cần thiết và quyết định lấy dị vật qua Nội soi phế quản ống mềm. Đến sáng 2/8 các bác sĩ đã lấy thành công dị vật trong phế quản là mảnh xương cá có kích thước khoảng 15x 3 mm, sắc nhọn cắm sâu vào vào nhánh phế quản B2 ở thuỳ trên bên phải.
Bác sỹ CKII Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế - người trực tiếp thực hiện nội soi lấy dị vật cho biết, việc lấy được dị vật đòi hỏi người bác sỹ hết sức khéo léo, cẩn thận và có kinh nghiệm, phối hợp tốt với người phụ và các bác sĩ gây mê. Lấy dị vật phế quản qua nội soi mềm ít gây tổn thương khí phế quản, tỉ lệ thành công cao( trên 90 %).
Theo nghiên cứu của các tác giả, dị vật phế quản ở nước ta nguyên nhân chủ yếu là do bất cẩn khi ăn uống. Để phòng ngừa dị vật phế quản, đặc biệt đối với người già và trẻ nhỏ, phải hết sức chú ý khi ăn uống. Nên ăn uống cẩn thận, ăn chậm, nhai kỹ, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, tốt nhất nên lấy bỏ hết xương trước khi ăn; không cười đùa la hét khi ăn uống; tháo răng giả khi đi ngủ; tránh các thói quen ngậm dụng cụ khi làm việc…
Các bác sĩ bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện thành công hàng chục trường hợp lấy dị vật phế quản qua nội soi phế quản ống mềm. Hàng năm có hàng trăm bệnh nhân Lào đã chọn bệnh viện Trung ương Huế là địa chỉ tin cậy để đến khám và điều trị, bệnh viện cũng đã miễn giảm viện phí cho nhiều bệnh nhân Lào nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.