Một gia đình 7-8 người ung thư đại tràng - thế giới rất hiếm gặp
Thời gian gần đây, nhiều người hoang mang khi các phương tiện truyền thông đưa tin, có những gia đình 7-8 người bị ung thư đại tràng. Ở xã Văn Hội, huyện Ninh Giang tỉnh Hải Dương có gia đình 7 người bị ung thư đại tràng, trong đó một người mẹ đã mất, 6 người con đang hàng ngày chiến đấu với tử thần.
Tương tự, bệnh viện K cũng ghi nhận một trường hợp ở Yên Sơn, Tuyên Quang có tới 8 người trong gia đình bị cùng loại ung thư này.
Những trường hợp đặc biệt trên theo PGS. TS Đoàn Hữu Nghị - Chuyên gia Ung bướu bệnh viện MEDLATEC là những trường hợp “thế giới rất hiếm”.
“Đây là một chuyện rất hy hữu không những đối với Việt Nam mình mà ngay cả trên thế giới cũng rất hiếm. Cách đây 17 năm, tôi và một đồng nghiệp ở bệnh viện K có công bố một công trình về ung thư đại tràng gia đình. Có 7 gia đình bị ung thư đại tràng, và gia đình nhiều nhất cũng chỉ có 4 người”, PGS.TS Đoàn Hữu Nghị chia sẻ.
Theo tổ chức y tế Thế giới, mỗi năm thế giới có khoảng 700.000 người tử vong vì ung thư đại trực tràng, chiếm 8,5 % tổng số bệnh nhân chết vì ung thư
Tại Việt Nam, theo PGS.TS Trần Văn Thuấn – GĐ bệnh viện K, số người mắc ung thư đại trực tràng mỗi năm khoảng 8.000 ca.
Đáng báo động hơn, theo thống kê của Bộ Y tế, số lượng người mắc bệnh đại tràng mãn tính ở Việt Nam đã lên tới 4 triệu người, cao gấp 4 lần tỷ lệ mắc bệnh trung bình trên toàn cầu, lớn hơn tổng lượng người mắc bệnh của toàn châu Âu.
Nhận biết ung thư trực tràng thế nào?
Theo ThS.BS Phí Thị Quang, chuyên khoa Tiêu hóa, BV Đa khoa MEDLATEC, người bệnh hoàn toàn có thể phát hiện bệnh sớm khi có những dấu hiệu dưới đây:
Ung thư đại trực tràng đang tấn công 4 triệu người dân Việt Nam mỗi năm. |
1. Rối loạn phân
Đại tràng là nơi chứa phân, bài tiết phân trong quá trình tiêu hóa nên ở giai đoạn sớm, người bị ung thư đại tràng thường hay bị chứng rối loạn đại tiện, bài tiết phân như: đi táo, đi lỏng thất thường, hoặc có thời gian đi lỏng kéo dài, táo bón kéo dài.
2. Rối loạn đại tiện
Đau quặn, mót rặn, khó chịu khi đi ngoài, phân lầy nhầy, nát, phân hình lá lúa (bởi phân phải đi qua khối u), đi xong vẫn muốn rặn tiếp.
3. Đi ngoài ra máu
Có 2 loại đi ngoài ra máu cần phân biệt: Đi ngoài ra máu do trĩ và đi ngoài ra máu do polyp đại tràng hoặc ung thư đại tràng.
Đi ngoài ra máu do trĩ: thường ra máu đỏ tươi ngay sau khi đi ngoài, máu thường phủ ngoài phân.
Đi ngoài do polyp đại tràng hoặc có thể ung thư đại trực tràng: vì máu chảy ở niêm mạc vùng ung thư có thể bị viêm nên tiết nhầy trong phân.
4. Uống thuốc kháng sinh không khỏi
Người bị ung thư đại trực tràng bị rối loạn tiêu hóa, đi ngoài nhiều lần trong ngày, rất giống với triệu chứng bệnh lị. Tuy nhiên, khi bị lị, người bệnh uống thuốc kháng sinh đặc trị sẽ khỏi, nhưng bị ung thư đại trực tràng, uống kháng sinh không khỏi tình trạng đi ngoài.
5. Đau quặn bụng, giảm cân nhanh chóng
Các dấu hiệu muộn như: đau quặn bụng từng cơn, gầy sút khi ung thư phát triển. Khi ung thư muộn, có người sờ thấy cả khối u nổi ở dưới da bụng. Xuất hiện tình trạng vàng da, bụng to dần…
Làm sao để phát hiện sớm ung thư trực tràng?
Để phát hiện ung thư đại trực tràng, theo ThS.BS Phí Thị Quang, bác sĩ chỉ cần khám bằng tay, chưa cần đến các biện pháp thụt hay soi. Đối với bệnh ung thư trực tràng thấp sẽ thấy máu theo tay, thậm chí có thể sờ thấy được khối u.
Tầm soát sàng lọc sớm các loại ung thư nhờ kết quả xét nghiệm chính xác. |
Bác sĩ Quang chia sẻ, tại Việt Nam, bệnh viện MEDLATEC có đầy đủ các phương pháp để sàng lọc ung thư đại tràng sớm bao gồm:
- Xét nghiệm: Tầm soát sàng lọc sớm bằng xét nghiệm CEA, tìm máu ẩn trong phân (FOB) nên làm hàng năm.
- Nội soi đại trực tràng hoặc chẩn đoán hình ảnh (siêu âm và CT)
Nhiều người thường lấy lý do bận việc, ngại xếp hàng trong bệnh viện nên khi bệnh trở nặng mới tới cơ sở y tế. Trong khi đó, bệnh ung thư trực tràng nếu phát hiện sớm vẫn có khả năng chữa khỏi cao. Vì vậy, khi thấy những dấu hiệu bất thường, người bệnh cần tới ngay các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.