“Bệnh nghiện nhựa" thu hẹp quãng đường tới khủng hoảng khí hậu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ô nhiễm nhựa đại dương, cùng với biến đổi khí hậu, hiện đang là mối đe doạ môi trường lớn nhất mà thế giới đang phải đối mặt. Cả hai vấn đề này ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong các chương trình nghị sự cao nhất của các quốc gia.

Hệ luỵ kéo dài của ô nhiễm nhựa đại dương

Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), ô nhiễm nhựa và biến đổi khí hậu mặc dù là hai vấn đề riêng biệt nhưng cần phải được giải quyết đồng thời. Tình trạng ô nhiễm nhựa đại dương đang ngày càng trầm trọng cũng góp phần thúc đẩy tốc độ của cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.

Còn theo nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), “bệnh nghiện” nhựa, đặc biệt nhựa dùng một lần, trên toàn cầu đang thúc đẩy nhu cầu ngày càng gia tăng đối với nhiên liệu hoá thạch bởi có khoảng 99% nhựa sử dụng ngày nay có nguồn gốc từ dầu, khí đốt hoặc than đá.

Các nhà khoa học ước tính rằng từ năm 1950 đến 2017, thế giới đã sản xuất 9,2 tỷ tấn nhựa. Ngày nay, chúng ta sản xuất khoảng 438 triệu tấn nhựa mới mỗi năm. Nếu không có dấu hiệu chậm lại, con số này dự kiến sẽ tăng lên 34 tỷ tấn vào năm 2050.

Nhựa không được xử lý đúng cách sẽ kết thúc ở sông, biển. Ảnh: Reuters

Nhựa không được xử lý đúng cách sẽ kết thúc ở sông, biển. Ảnh: Reuters

Theo ước tính của Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), năm 2019, việc sản xuất và xử lý nhựa thải ra khoảng 850 triệu tấn khí thải nhà kính vào bầu khí quyển của Trái đất, tương đương với lượng khí thải từ 189 năm nhà máy điện than công suất hàng trăm MW.

Nếu quá trình sản xuất và sử dụng nhựa tăng trưởng với tốc độ dự đoán, thì đến năm 2030, lượng khí thải này có thể lên tới 1,34 tỉ tấn mỗi năm, tương đương với lượng khí thải do hơn 295 nhà máy nhiệt điện than 500 MW mới thải ra. Như vậy, ngành công nghiệp nhựa thực sự là nguồn phát thải khí nhà kính công nghiệp phát triển nhanh nhất trên thế giới.

Trung tâm Luật Môi trường Quốc tế (CIEL), với tốc độ sản xuất nhựa hiện tại, ngành nhựa sẽ chiếm 20% lượng dầu tiêu thụ vào năm 2050. Trong khi các quốc gia trên thế giới đang cố gắng hạn chế sử dụng nhiên liệu hoá thạch trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, công nghiệp nặng, nông nghiệp,…, xu hướng này có thể khiến các nỗ lực trên trở nên vô nghĩa.

Nói cách khác, khí thải từ vòng đời nhựa đe dọa khả năng đáp ứng các mục tiêu khí hậu toàn cầu. Rác thải nhựa không được xử lý đúng cách cuối cùng trôi ra biển, gây ô nhiễm nhựa đại dương. Trong quá trình phân huỷ, chúng cũng phát thải ra khí nhà kính.

Không dừng ở đó, nhựa dẫn đến phát thải khí nhà kính ở mọi giai đoạn trong vòng đời của chúng, từ quá trình khai thác, vận chuyển nhiên liệu hoá thạch, quy trình tinh chế, sản xuất thành phẩm đến quá trình quản lý, xử lý hoặc rò rỉ chất thải nhựa ra môi trường.

Ước tính, lượng khí thải nhà kính từ sản xuất, sử dụng và thải bỏ nhựa có thể chiếm 19% tổng ngân sách carbon toàn cầu vào năm 2040.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng, nhựa là nhiên liệu hóa thạch ở một dạng khác và kêu gọi các quốc gia giải quyết vấn đề ô nhiễm và sản xuất nhựa. Ông cũng thúc giục các nước nhìn xa hơn về vấn đề lãng phí và dừng sử dụng nhựa.

Rác thải nhựa do hoạt động sinh hoạt, du lịch và từ nơi khác dạt đến một bờ biển tại Phú Quốc, Việt Nam. Ảnh: Đỗ Trang

Rác thải nhựa do hoạt động sinh hoạt, du lịch và từ nơi khác dạt đến một bờ biển tại Phú Quốc, Việt Nam. Ảnh: Đỗ Trang

Theo báo cáo mới nhất của tổ chức Pew Charitable Trusts, các cam kết hiện tại trên toàn thế giới sẽ chỉ giảm 7% lượng nhựa thải ra đại dương hàng năm vào năm 2040. Chính vì vậy, các quốc gia nhận thấy cần có một hiệp ước toàn cầu nhằm ràng buộc nghĩa vụ đối với các quốc gia trong việc giảm tác động ô nhiễm trong toàn bộ vòng đời của nhựa, giảm tiêu thụ nhựa, tái sử dụng các sản phẩm nhựa và cải thiện hệ thống quản lý rác thải nhựa.

Chìa khoá là một nền kinh tế tuần hoàn

Về mặt lý thuyết, hầu hết các vật liệu nhựa có thể được tái chế, nhưng thực tế lại khác. Trong số tất cả rác thải nhựa mà chúng ta tạo ra trên toàn cầu, các nhà khoa học ước tính rằng chưa đến 10% được tái chế. Khoảng 79% chất thải nhựa kết thúc tại các bãi chôn lấp hoặc tự nhiên và khoảng 12% được đốt.

Những nguyên nhân hàng đầu khiến nhựa khó thể tái chế bao gồm: ô nhiễm chất thải nhựa (ví dụ: nhãn mác hoặc thức ăn thừa), các chất phụ gia hóa học độc hại có trong một số loại nhựa (ví dụ: chất chống cháy), thiếu động lực kinh tế và lợi nhuận, có nhiều rào cản đối với việc tái chế hiệu quả… Do vậy, phần lớn hoạt động tái chế ngày nay chỉ đơn thuần là trì hoãn việc xử lý cuối cùng tại các bãi chôn lấp hoặc lò đốt chứ không thực chất là ngăn chặn rác thải nhựa.

Theo đánh giá của các chuyên gia trên thế giới, chìa khoá để giải quyết triệt để vấn nạn ô nhiễm nhựa là phải thiết lập một nền kinh tế tuần hoàn. Nhựa không thể bị loại bỏ khỏi hệ thống mà cần phải được tái sử dụng, tái chế hoặc phân hủy đúng cách. Điều này đòi hỏi các quốc gia đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng thu gom và tái chế.

Tuy nhiên, về hiệu quả lâu dài, Quỹ Ellen MacArthur (Anh) ước tính, một nền kinh tế tuần hoàn có thể cắt giảm 80% lượng nhựa thải ra đại dương của chúng ta mỗi năm so với hoạt động kinh doanh thông thường. Nó cũng có thể tạo ra khoản tiết kiệm hàng năm là 200 tỷ đô la, giảm 25% lượng khí thải nhà kính và tạo thêm 700.000 việc làm ròng vào năm 2040.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu năm 2022 (COP27), Liên Hợp Quốc đã kêu gọi các chính phủ hành động mạnh mẽ hơn để giải quyết tác động của nhựa đối với khí hậu. Nói đơn giản hơn, vấn nạn ô nhiễm nhựa đại dương đang đẩy nhanh tốc độ nóng lên toàn cầu, hệ quả cuối cùng là một cuộc khủng hoảng khí hậu.

Trong khuôn khổ COP27, đại diện các chính phủ, tổ chức quốc tế nhấn mạnh sự cần thiết có một Hiệp ước toàn cầu về chống rác thải nhựa. Ảnh: UNCTAD

Trong khuôn khổ COP27, đại diện các chính phủ, tổ chức quốc tế nhấn mạnh sự cần thiết có một Hiệp ước toàn cầu về chống rác thải nhựa. Ảnh: UNCTAD

Trong phiên bên lề COP27, có thể kể tới hội thảo “Làm thế nào để chống lại ô nhiễm nhựa và buôn bán trái phép chất thải nhựa có thể giúp giảm lượng khí thải carbon” do Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Ban thư ký của các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm (Ban thư ký BRS), Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) và Văn phòng LHQ về Ma túy và Tội phạm (UNODC) tổ chức.

Các đại diện từ các chính phủ, tổ chức quốc tế, chuyên gia đã đưa ra hệ luỵ đáng lo ngại về chất thải nhựa. Đó là có khoảng 75% tổng số nhựa được sản xuất trên thế giới cuối cùng trở thành chất thải và thường bị đốt trái phép để xử lý. Giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa đại dương là nhiệm vụ mang tính toàn cầu chứ không chỉ riêng một quốc gia nào.

Ông Gustavo Manrique, Bộ trưởng Môi trường Ecuador, dẫn chứng mặc dù Ecuador đã thiết lập thành công luật kinh tế tuần hoàn quốc gia, nhưng 83% rác thải nhựa đến bờ biển của họ đến từ các quốc gia khác. “Các vấn đề địa phương chỉ có thể được giải quyết bằng cách thực hiện các thỏa thuận toàn cầu”, ông nói.

Đồng tình, người đứng đầu về đại dương và tài nguyên thiên nhiên của Ban thư ký Khối thịnh vượng chung, Nicholas Hardman Mountford, cũng lặp lại quan điểm về tầm quan trọng của sự hợp tác toàn cầu.

Ông đề cập đến các hành động của 56 quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung để chống ô nhiễm nhựa, bao gồm cả thông qua Liên minh Đại dương sạch Khối thịnh vượng chung, giải quyết rác thải nhựa trong các hệ sinh thái biển. Ông khẳng định khi nền kinh tế tuần hoàn được thiết lập thành công trên toàn thế giới, “tương lai là không có rác thải nhựa”.

Susan Gardner, Giám đốc hệ sinh thái của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cũng khẳng định “việc xử lý ô nhiễm nhựa là cơ hội để các xã hội chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn, qua đó giải quyết cả ba cuộc khủng hoảng toàn cầu: biến đổi khí hậu, ô nhiễm và mất đa dạng sinh học”.

Hiệp ước toàn cầu về chống ô nhiễm nhựa

Cuộc khủng hoảng rác thải nhựa đòi hỏi cần có một Hiệp ước toàn cầu nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn hành động của các chính phủ và các bên liên quan. Ảnh: UNCTAD

Cuộc khủng hoảng rác thải nhựa đòi hỏi cần có một Hiệp ước toàn cầu nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn hành động của các chính phủ và các bên liên quan. Ảnh: UNCTAD

Một Hiệp ước chống ô nhiễm nhựa toàn cầu đang là mục tiêu, cũng là yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay, nhằm thúc đẩy các cam kết mạnh mẽ của các Chính phủ trong vấn đề này.

Tháng 3/2022, tại Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc lần thứ năm, 175 quốc gia đã đồng ý bắt đầu đàm phán về một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý về việc quản lý toàn bộ vòng đời của nhựa nhằm đối phó với thảm họa rác thải nhựa hiện tại.

Đầu tháng 12, hơn 2.000 đại biểu đến từ 160 nước đã họp tại Uruguay trong vòng đầu tiên của 5 vòng đàm phán về ô nhiễm nhựa, đã được lên kế hoạch của Ủy ban Đàm phán liên chính phủ (INC) thuộc Liên Hợp Quốc về ô nhiễm nhựa nhằm hướng đến việc thiết lập một hiệp ước ràng buộc pháp lý đầu tiên về ô nhiễm nhựa vào cuối năm 2024.

Có hơn 40 nước tham gia liên minh tham vọng cao, bao gồm các nước thành viên Liên minh châu Âu, Thụy Sĩ, Ghana và nước chủ nhà Uruguay kỳ vọng, hiệp ước này được xây dựng dựa trên các biện pháp bắt buộc trên thế giới, bao gồm hạn chế sản xuất nhựa. Theo đó, nếu không có khung pháp lý quốc tế chung, các quốc gia sẽ không thể chung tay giải quyết thách thức toàn cầu ngày càng tăng về ô nhiễm nhựa.

Nếu được thông qua, thỏa thuận lịch sử này có thể giúp tạo ra trách nhiệm giải trình và tính minh bạch cần thiết để thay đổi cách chúng ta sản xuất, tiêu thụ và xử lý nhựa, góp phần quan trọng trong việc đảo ngược cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa đại dương toàn cầu.

Bài cuối: Việt Nam thúc đẩy lộ trình chính sách giải quyết khủng hoảng nhựa đại dương

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Bãi biển đẹp nhất Quảng Ngãi bị sạt lở, uy hiếp đường giao thông

Bãi biển đẹp nhất Quảng Ngãi bị sạt lở, uy hiếp đường giao thông
(PLVN) - Bờ biển Mỹ Khê (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) được xem là bãi biển đẹp nhất tỉnh nhưng đang bị nước biển xâm thực, sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sản xuất của người dân. Sạt lở bờ biển cũng uy hiếp các công trình hạ tầng đường giao thông, dầu khí, đồn biên phòng…

Ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ, lạ mắt của rừng ngập mặn Bàu Cá Cái

Ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ, lạ mắt của rừng ngập mặn Bàu Cá Cái
(PLVN) - Bàu Cá Cái (Quảng Ngãi) là rừng ngập mặn được bao bọc xung quanh bởi các dãy núi và đồi cát hình thành cách đây hơn 200 năm với những vết tích xưa cũ. Nơi đây không chỉ có tác dụng phòng hộ, chắn sóng mà còn mở ra hướng thoát nghèo, tạo sinh kế bền vững cho người dân sống trong vùng nhờ những sản vật từ rừng và phát triển du lịch cộng đồng.

Thay đổi lớn từ những hành động nhỏ

Lối sống xanh không chỉ là một xu hướng mà là một cách tiếp cận bền vững, giúp bảo vệ môi trường.
(PLVN) - Trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng toàn cầu, mỗi hành động nhỏ hàng ngày của chúng ta đều có tác động lớn đến môi trường sống, góp phần vào việc giảm thiểu tác động xấu đến Trái đất.

Nỗ lực hơn nữa để tiếp nhận động vật hoang dã bị tịch thu từ buôn bán trái phép

Giải chạy thu hút hơn 300 vận động viên đến từ 26 quốc gia. (Ảnh: ENV)
(PLVN) - Ông Lương Xuân Hồng - Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) Hà Nội đã khẳng định điều này tại Giải “Chạy để cứu hộ ĐVHD” tại Việt Nam trong khuôn khổ Giải chạy “Song Hong Half Marathon” lần thứ 15 vừa được Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) phối hợp với Sporting Republic tổ chức.

Gấp rút hoàn thiện khung pháp lý về tín chỉ carbon

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) -  Giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tạo ra 25 triệu tín chỉ carbon; là nhiệm vụ được lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Bộ, ngành triển khai thực hiện sau Hội nghị COP21 (năm 2015).

Thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng nhờ sáng kiến quản lý chất thải nhựa y tế

Sáng kiến quản lý chất thải nhựa y tế tại Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí (Quảng Ninh). Ảnh: Ngọc Nga
(PLVN) - Sáng kiến quản lý chất thải nhựa y tế đã giúp Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) thu về hàng trăm triệu đồng. Đây là đơn vị đầu tiên trong cả nước có giải pháp tái chế chất thải nhựa lây nhiễm bằng phương pháp hấp tiệt khuẩn hơi nước, mang lại hiệu quả về kỹ thuật, kinh tế, xã hội.