Tại sao mùa hè một số bệnh gia tăng?
Có nhiều lý do làm cho bệnh tật gia tăng vào mùa nắng nóng:
Thực phẩm dễ ôi, thiu, biến chất: Vi khuẩn trong thức ăn đã được chế biến sẽ phát triển nhiều nếu để ở nhiệt độ từ 4,5 đến 60 độ C. Vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ môi trường tăng cao, có khi lên đến 39, thậm chí 40 độ C là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát sinh, phát triển. Cụ thể, nếu thức ăn để trong nhiệt độ này, trong vòng 20 phút số vi khuẩn sẽ tăng gấp đôi, để trong 2 giờ đồng hồ thì vi khuẩn sẽ tăng gấp 12 lần.
Chỉ số tia cực tím tăng cao: Khi tầng ozon bị tác động, lượng tia cực tím chiếu xuống càng mạnh có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực tới con người. Ở những ngày nắng gắt, chỉ số bức xạ tia cực tím UV đo được tại nhiều khu vực ở nước ta vượt ngưỡng an toàn, gây nguy cơ tổn thương mắt, da, thậm chí làm tăng nguy cơ ung thư.
Vi sinh vật, côn trùng phát triển: Mùa nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật phát triển, đặc biệt là các vi sinh vật gây bệnh đường ruột (tả, lỵ, thương hàn, E.coli…), virus gây bệnh (bệnh Rubella, virus gây bệnh thủy đậu, quai bị)... Bên cạnh đó các loại bệnh do côn trùng mang mầm bệnh (từ người bệnh sang người lành như bệnh sốt xuất huyết, bệnh sốt rét...) hoặc bệnh từ động vật sang cho người (bệnh dịch hạch) gặp khá nhiều vào mùa nắng nóng.
Vệ sinh nhà cửa không sạch sẽ: Mùa nắng nóng nếu trẻ nằm hoặc chơi ở trên sàn nhà không đảm bảo vệ sinh, thêm vào đó do thời tiết oi bức, tuyến mồ hôi và tuyến nhày sẽ tăng cường hoạt động để thải nhiệt cho cơ thể, gây ra tình trạng ẩm ướt tại các vùng như lưng, trán, cổ, kẽ tay, chân và bẹn. Nếu không vệ sinh sàn nhà sạch sẽ hoặc không chú ý vệ sinh cơ thể, những chất này không thoát hết sẽ ứ đọng trong ống bài tiết của da làm bít lỗ chân lông và kết hợp với vi khuẩn gây viêm da và nấm da.
Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị vi khuẩn, côn trùng tấn công trong mùa hè.
Sử dụng đồ làm mát chưa đúng cách: Một đặc điểm thường hay gặp là mùa nắng nóng nhiều gia đình sử dụng máy lạnh hoặc dùng quạt với tốc độ không phù hợp (quá lớn), đặc biệt đối với trẻ nhỏ, người cao tuổi, người có sức khỏe yếu. Do tính chất nghề nghiệp, cán bộ văn phòng suốt ngày ngồi trong phòng máy lạnh, khi ra ngoài thời tiết nắng nóng đột ngột rất dễ lâm bệnh, nhất là sốc nhiệt.
Bệnh nào thường xảy ra trong mùa nắng nóng
Say nắng, say nóng: Say nắng là do chiếu xạ của tia cực tím ánh nắng mặt trời hoặc đang ở trong phòng máy lạnh có nhiệt độ thấp đi ra ngoài đường hoặc tắm sông, ao hồ hoặc tắm biển lúc nắng gắt, nhiệt độ tăng cao. Còn say nóng thường gặp ở những người làm việc trong các hầm lò, nhà máy kín gió (thiếu thông khí), trong khi nhiệt độ của hầm lò, nhà máy tăng, kèm theo độ ẩm thấp.
Không dùng quạt gió với tố độ lớn, xoáy vào người, đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi. Nếu dùng máy lạnh nên để ở nhiệt độ khoảng 26- 28 độ C. Mỗi lần đi ngoài nắng về không nên vào phòng máy lạnh ngay.
Bệnh vùng mũi họng: Khi thời tiết quá nóng, nếu mở quạt với tốc độ lớn hoặc ở trong phòng điều hòa máy lạnh nhiệt độ quá chênh lệch với môi trường bên ngoài (khoảng 15- 16 độC), có nguy cơ làm khô vùng hầu họng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, nhất là vi khuẩn và vi nấm xâm nhập gây viêm VA, viêm amiđan, viêm thanh quản, phế quản cấp tính, nặng hơn có thể gây viêm phổi. Ngoài ra, nếu ngồi trong phòng máy lạnh quá lâu rồi ra ngoài trời nắng nóng làm thay đổi nhiệt độ đột ngột rất dễ gây viêm mũi họng, viêm xoang, viêm phế quản... Uống nước đá lạnh cũng là nguyên nhân gây viêm họng, đặc biệt là trẻ em.
Bệnh truyền nhiễm: Mùa nắng nóng bệnh thủy đậu, bệnh tay chân miệng, hoặc viêm não Nhật Bản, viêm màng não mô cầu rất dễ xuất hiện và lây lan thành dịch. Bệnh rôm sảy luôn rình rập trẻ nhỏ, nếu vệ sinh cá nhân kém, sàn nhà không đảm bảo vệ sinh, bệnh tuy nhẹ nhưng có thể bị bội nhiễm thành bệnh nặng. Ngoài ra, mùa nắng nóng do mặc mát mẻ rất dễ bị các loại côn trùng đốt, nguy hiểm nhất là muỗi mang mầm bệnh từ người bệnh sang người lành như bệnh sốt xuất huyết, bệnh Zika, bệnh sốt rét...
Gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim: Mùa hè, nắng gay gắt không có lợi cho tim. Tim phải làm việc nhiều và nhanh hơn khiến mạch đập mạnh và huyết áp tăng, đặc biệt sẽ bất lợi cho những người bệnh đang mang trong mình bệnh về tim, tăng huyết áp, xơ vữa mạch. Nắng nóng sẽ ra nhiều mồ hôi gây mất nước, trong khi lượng nước bù vào thiếu rất dễ làm cho máu bị đặc lại và có thể gây ra tình trạng thiếu ôxy, bất tỉnh, nhồi máu hay đột quỵ.
Tăng cường miễn dịch- Chìa khóa phòng, chống bệnh tật
Giữ vệ sinh thân thể và môi trường: Cần vệ sinh tay trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh (rửa tay sạch bằng xà phòng thích hợp); ngủ cần nằm màn để tránh muỗi đốt, cần diệt muỗi, gián, chuột, bọ chét để tránh mắc các bệnh lây truyền từ động vật; vệ sinh sạch sẽ nơi ăn, chốn ở...
Cùng bé rửa tay giữ vệ sinh để phòng bệnh.
Ăn chín uống sôi: Cần ăn uống hợp vệ sinh, uống nước đun sôi, để nguội, không ăn thực phẩm chưa nấu chín (tiết canh, nem chua, nem chạo…) và không uống nước giải khát, ăn kem không có nguồn gốc, đặc biệt là loại bán dạo, bán ở vỉa hè, ngoài chợ.
Tiêm phòng và uống thuốc đầy đủ: Với trẻ nên được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo khuyến cáo của y tế. Những người bệnh mắc bệnh mạn tính (tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, xương khớp…) cần khám bệnh định kỳ và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Sử dụng điều hòa, máy lạnh hợp lý: Không dùng quạt gió với tố độ lớn, xoáy vào người, đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi. Nếu dùng máy lạnh nên để ở nhiệt độ khoảng 26- 28 độC là vừa. Mỗi lần đi ngoài nắng về không nên vào phòng máy lạnh ngay. Đặc biệt trẻ em, người cao tuổi bị bệnh mạn tính về hô hấp, bệnh tim mạch, tăng huyết áp (người lớn) không nên ở trong buồng máy lạnh.
Luyện tập thể thao đều đặn: Với người lớn, trẻ em lớn cần tập thể dục đều đặn hàng ngày bằng bài tập thể dục buổi sáng hoặc những bài tập phù hợp với thể lực, sức khỏe của bản thân.
Bổ sung vitamin và khoáng chất từ hoa quả: Mùa hè có rất nhiều loại trái cây như thanh long, dưa lê, dưa hấu, đu đủ, nho... là những hoa quả chứa nhiều nước và vitamin C nên dù là người lớn hay trẻ nhỏ cũng nên ăn nhiều hơn để tăng cường sức khỏe.
Tăng cường vận động ngoài trời giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Chỉ số tia cực tím tăng cao trong ngày nắng gắt có thể gây tổn thương da, mắt...