Bệnh đường hô hấp 'vào mùa'

Trẻ mắc bệnh hô hấp tăng cao. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Trẻ mắc bệnh hô hấp tăng cao. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ đầu tháng 11/2023 đến nay, các bệnh liên quan đến đường hô hấp gia tăng, nhất là tại các địa phương thời tiết đang chuyển mùa, chuyển lạnh.

Bệnh nhi hô hấp tăng mạnh

Ngay đợt lạnh đầu mùa tại Hà Nội, các khoa nhi tại một số bệnh viện trung ương ghi nhận số lượng bệnh nhi tăng đột biến, nhiều phòng kín giường bệnh. Chỉ trong hơn 1 tuần qua, số lượng trẻ nhập viện điều trị liên quan đến các bệnh đường hô hấp tăng gấp đôi so với hơn 1 tháng trước. Nhiều bệnh nhi nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng, có trẻ phải dùng máy thở hỗ trợ.

Tại tỉnh Lạng Sơn, Khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng trong tình trạng gia tăng trẻ phải nhập viện điều trị do viêm đường hô hấp. Trung bình mỗi ngày trước đây có khoảng 60 đến 70 bệnh nhi nhập viện, nhưng từ đầu tháng 11/2023 đến nay, con số này là 80 đến 100 trẻ, cao điểm có ngày đến 106 trẻ. Trong số đó có trên 80% trẻ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Không chỉ tại các tỉnh miền Bắc, bệnh nhi hô hấp cũng tăng mạnh tại các tỉnh khu vực phía Nam vào thời điểm giao mùa. Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM, trong 2 tuần đầu tháng 11, bệnh nhi sinh sống tại TP HCM có 13.341 ca, ngoại tỉnh có 16.967 ca đến khám ngoại trú. Bệnh nhân đến khám nội trú sinh sống tại TP HCM có 454 ca, tỉnh, thành lân cận có 1.031 ca. Trung bình một ngày có hàng nghìn trường hợp liên quan đến các bệnh về đường hô hấp như: Viêm phế quản, viêm tiểu quản...

Lý giải nguyên do tăng nhanh các bệnh về đường hô hấp, các bác sĩ cho biết hiện là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, sự chênh lệch lớn về nhiệt độ giữa ngày và đêm khiến dễ mắc bệnh đường hô hấp, nhất là trẻ em. Sức đề kháng của trẻ còn non nớt, trong khi các bệnh phổi, phế quản phát triển mạnh do độ ẩm không khí cao, nhiệt độ thấp, các vi sinh vật phát triển thuận lợi dẫn đến viêm mũi, viêm họng, xoang, từ đó nhiễm trùng lan xuống phế quản và nhu mô phổi, gây viêm phế quản, viêm phổi.

Ngành Y tế cảnh báo số ca mắc bệnh đường hô hấp sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Dự báo bệnh vẫn còn tăng và kéo dài đến Tết bởi vì lúc này thời tiết sẽ chuyển lạnh, trẻ dễ mắc các bệnh lý về hô hấp, đặc biệt là hen suyễn, viêm phế quản.

Chủ động phòng bệnh

10 tháng đầu năm, các viện nhi TP HCM tiếp nhận hơn 39.000 trẻ mắc bệnh hô hấp nhập viện, trong đó 223 ca tử vong. Phần lớn bệnh nhi tử vong do bệnh hô hấp đều có bệnh nền mạn tính đi kèm như tiền căn sinh non, nhẹ cân, bệnh phổi mạn, dị tật bẩm sinh, suy giảm miễn dịch, bệnh lý huyết học bẩm sinh... Đây là nhóm bệnh lý phức tạp, để giảm tỷ lệ tử vong của nhóm bệnh này ở trẻ em vẫn là thách thức đối với chuyên ngành nhi khoa không chỉ của Việt Nam mà cả các nước phát triển.

Do đó, việc chủ động phòng bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ nhỏ rất quan trọng. Trong bối cảnh TP HCM vào mùa mưa, miền Bắc đón gió mùa, phụ huynh có thể chủ động phòng bệnh cho con nhờ tiêm đủ vaccine, giữ vệ sinh, giữ ấm,… Để phòng bệnh về đường hô hấp, trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế để tăng cường hệ miễn dịch.

Hiện Việt Nam có các mũi tiêm phòng nhiều bệnh truyền nhiễm tấn công phổi như cúm, phế cầu, bạch hầu, ho gà, sởi... Trong đó, vaccine cúm giúp phòng viêm phổi, viêm phế quản, nhiễm trùng máu, đồng thời giảm nguy cơ nhập viện, cần chăm sóc đặc biệt (ICU) đến 74% ở trẻ em, hơn 31% nguy cơ tử vong. Mũi ngừa phế cầu giảm tỷ lệ mắc viêm màng não mủ, viêm tai giữa và phổi. Chủng ngừa bạch hầu, ho gà giúp giảm các biến chứng đường hô hấp như tắc đường thở, viêm phổi, viêm phế quản do bội nhiễm, ho nhiều...

Không khí lạnh là điều kiện lý tưởng để các mầm bệnh hoạt động mạnh, điển hình như virus cúm có thể tồn tại hàng giờ ở môi trường lạnh và độ ẩm thấp. Do đó, để phòng bệnh cho trẻ, khi thời tiết lạnh cần mặc ấm cho trẻ, ngay cả khi ở trong nhà và giữ ấm khi trẻ ngủ. Lưu ý, cần xem nhiệt độ để mặc phù hợp cho con, tránh cho trẻ mặc quá nhiều áo, khi trẻ toát mồ hôi do chạy nhảy thì phải thay áo quần, tránh để trẻ bị nhiễm lạnh.

Thường xuyên vệ sinh mũi, miệng cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý, nhắc trẻ rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng. Nơi ở phải bảo đảm sạch sẽ, thoáng đãng và vệ sinh hàng ngày để không khí lưu thông tốt. Ngoài ra, cần bảo đảm chế độ ăn uống cho trẻ, cung cấp đủ các nhóm chất, bổ sung cho trẻ những thực phẩm giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng giúp cho cơ thể có thể chống đỡ bệnh tật.

Bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ có biểu hiện sốt, ho đờm nhiều, tức ngực khó thở, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám. Tránh hiện tượng biến chứng viêm phổi nặng, sốc nhiễm khuẩn và có nguy cơ tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Đồng thời, việc nhận biết các dấu hiệu chuyển nặng khi trẻ mắc bệnh đường hô hấp sẽ giảm quá tải bệnh viện vào thời điểm đông bệnh nhi như hiện nay.

Trước tình hình bệnh nhi hô hấp nhiều, số ca bệnh ở các tỉnh vào TP HCM chiếm từ 40 - 50%, Sở Y tế TP HCM đã chỉ đạo các đơn vị lấy mẫu tìm nguyên nhân gây bệnh hô hấp năm nay. Hiện đang chờ kết quả phân tích.

Đọc thêm

Nhận diện sớm và điều trị hiệu quả bệnh nhân đột quỵ

Nhận diện sớm và điều trị hiệu quả bệnh nhân đột quỵ
(PLVN) - Chiều 26/10, Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu tổ chức Hội thảo sinh hoạt khoa học chuyên đề: “Nhận diện sớm và điều trị hiệu quả bệnh nhân đột quỵ trong cộng đồng và tại cơ sở y tế” nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn về bệnh lý đột quỵ cho đội ngũ y tế của bệnh viện cùng các đơn vị y tế trong và ngoài tỉnh.

Thay 'chân mày phong thuỷ đổi vận', đề phòng tiền mất tật mang

Thay 'chân mày phong thuỷ đổi vận', đề phòng tiền mất tật mang
(PLVN) - Sở Y tế TP HCM khuyến cáo người dân thận trọng trước những thông tin quảng cáo thay tướng đổi vận, cải thiện vận may... của các cơ sở chân mày phong thủy khi chưa có những kiểm chứng khoa học, để tránh sa vào hoạt động mê tín dị đoan gây ra hệ lụy nghiêm trọng.

Các bác sĩ xuyên đêm phẫu thuật lấy tạng từ bệnh nhân chết não, giúp “tái sinh” 4 cuộc đời

Các bác sĩ xuyên đêm phẫu thuật lấy tạng từ bệnh nhân chết não, giúp “tái sinh” 4 cuộc đời
(PLVN) - Rạng sáng 24/10/2024, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiến hành ca phẫu thuật lấy tạng của người hiến sau khi chết não và ghép 2 thận cho 2 người bệnh suy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Các tạng còn lại gồm tim và gan được chuyển đến ghép cho 2 người bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

1 ca tử vong do cúm A/H1, Bộ Y tế khuyến cáo

Một trường hợp nhiễm vi rút cúm A nguy kịch từng điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, TP HCM) - Ảnh: XUÂN MAI
(PLVN) - Bệnh cúm A/H1 thường diễn biến nhẹ, nhưng cũng có thể biến chứng nặng dẫn đến tử vong. Thời điểm giao mùa hiện nay là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh cúm này phát triển.

Cải thiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long. (Ảnh: Tùng Đinh)
(PLVN) - Cục Thú y, Viện Thú y và Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) phối hợp đồng tổ chức Hội thảo "Từ nghiên cứu đến chính sách: Cải thiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại Việt Nam" trong 2 ngày 17 - 18/10/2024 tại Quảng Ninh.

‘Gỡ khó’ cho chị em phụ nữ khi bước vào tuổi trung niên

Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học "Liệu pháp Nội tiết Mãn kinh".
(PLVN) - Theo ông Đinh Anh Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế), suy giảm nội tiết dẫn đến tiền mãn kinh và mãn kinh là quá trình sinh lý trong cuộc đời bất cứ người phụ nữ nào. Thế nhưng mọi người không nên có ý thức “cam chịu”, bỏ qua và không quan tâm đến vấn đề đó...

Bệnh ho gà ở Hải Dương có xu hướng gia tăng

Cán bộ Trạm Y tế phường Hoàng Tân, TP Chí Linh tiêm vắc xin có chứa thành phần phòng bệnh ho gà cho trẻ nhỏ (ảnh sở Y tế tỉnh Hải Dương)
(PLVN) - Theo thông tin từ sở Y tế tỉnh Hải Dương, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh này vừa ghi nhận thêm 3 trẻ mắc ho gà. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hải Dương đã có 41 trường hợp mắc ho gà, trong khi cùng kỳ năm ngoái không có ca nào.