Lần đầu tiên, tiêu chí “tiếp cận pháp luật” được xác định là một trong những nội dung của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Theo đó, Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp được giao chủ trì hướng dẫn thực hiện đánh giá, công nhận, xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đảm bảo và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Anh Như |
Qua thời gian thực hiện, năm 2023, tỷ lệ xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên toàn quốc là 96,1%. Song, nhằm đảm bảo tổ chức triển khai đánh giá, công nhận xã phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được đồng bộ, thống nhất, đúng mục đích, Hội thảo đánh giá tình hình triển khai công tác chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện với sự tham dự của đại diện lãnh đạo 15 Sở Tư pháp các tỉnh miền Nam cùng với hơn 150 cán bộ tư pháp thuộc 9 huyện, TP thuộc tỉnh Bến Tre.
TS. Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL gợi ý thảo luận về các vấn đề còn tồn đọng khi triển khai chuẩn tiếp cận pháp luật. Ảnh: Anh Như |
Phát biểu khai mạc, TS. Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nhấn mạnh các nội dung thảo luận về cách hiểu chuẩn xác các chỉ tiêu, tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật; Quy định hướng dẫn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ thực hiện từ cán bộ tư pháp xã đến phòng và sở tư pháp. Đặc biệt, Hội thảo sẽ bàn luận chi tiết về hướng dẫn đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật trong đánh nông thôn mới và đô thị văn minh...
Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Bến Tre nêu các khó khăn tại địa phương. Ảnh: Anh Như |
Về kết quả triển khai công tác đánh giá, công nhận tiếp cận pháp luật tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Đăng Khoa - Trưởng phòng Phổ biến và theo dõi thi hành pháp luật, Sở Tư pháp tỉnh Bến Tre cho biết: Trong quá trình triển khai thực hiện cũng còn một số khó khăn và vướng mắc, cần có hướng dẫn kịp thời nhằm tăng cường hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.
Cụ thể, quy định về thời hạn gửi báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đảm bảo tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và đảm bảo thống nhất, đồng bộ với thời hạn được quy định về hoạt động thống kê của ngành Tư pháp. Địa phương cần có đầu mối ở Trung ương việc theo dõi, lập danh mục các VBQPPPL cụ thể hóa ở địa phương, phục vụ chung cho cả công tác xây dựng VBQPPL và đánh giá, công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật. Kinh phí thực hiện tiêu chí tiếp cận pháp luật đối với các địa phương có ngân sách hạn chế cần được tăng cường để nâng cao chất lượng công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật…
Bà Nguyễn Thị Tâm, Chuyên viên Cục PBGDPL giới thiệu các điểm mới liên quan chuẩn tiếp cận pháp luật. Ảnh: Anh Như |
Bà Nguyễn Thị Tâm, Chuyên viên Cục PBGDPL giới thiệu các điểm mới và lưu ý một số tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật trong đánh giá nông thôn mới và đô thị văn minh. Tiêu biểu là các tiêu chí: 18.4 “tiếp cận pháp luật” trong bộ tiêu chí quốc gia xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chỉ tiêu 9.5 “Phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định” thuộc Tiêu chí phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh…
Vụ Pháp luật hình sự - hành chính thông tin chi tiết về trách nhiệm cung cấp thông tin. Ảnh: Anh Như |
Ngoài ra, Hội thảo còn thảo luận chuyên sâu một số lưu ý trong thực hiện, đánh giá tiêu chí tiếp cận thông tin trong đánh giá, công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật. Bà Đỗ Thị Huệ - Vụ Pháp luật hình sự - hành chính thông tin chi tiết về trách nhiệm cung cấp thông tin, phạm vi thông tin được tiếp cận, lập và cập nhật danh mục thông tin, công khai và cung cấp thông tin theo yêu cầu.